Hà Nội – Đà Nẵng cùng Honda City RS: khi trai phố trên dặm trường

Sinh ra là chiếc xe chạy phố, vậy liệu Honda City RS có đủ sức đương đầu với những dặm trường xa đầy thử thách trên cung đường Hà Nội – Đà Nẵng?

Tháng Giêng là “tháng ăn chơi” nhưng ra Tết, cùng với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các kế hoạch đều tạm dừng lại. Thơ thẩn nhìn lũ bạn, trời miền Bắc âm u như sắp có biến gì đó, tôi thở dài:”Suốt cả 1 năm vừa rồi vì Covid mà chả được đi đâu, ra Tết thèm đi quá!” – lũ bạn rời mắt khỏi điện thoại nhìn tôi:” Ừ, mùa này Huế với Đà Nẵng đang đẹp, mà lại còn vắng du khách vì dịch, nếu mà đi được thì hay quá” – “Ê hay là đi nhỉ, đang tiện mới lấy con City RS, đi thử luôn xem xe con này ok không?”

“Ừ, đi, có cơ hội là phải đi ngay chứ”.

6h sáng, khi mặt trời vẫn chưa ló rạng và những hạt mưa vẫn rơi đều trên mái tôn, chúng tôi co ro bước vào xe, nổ máy và khởi hành rời Hà Nội. Chúng tôi có 5 người, do không ai có kích thước “đậm quá” nên ngồi vừa vặn thoải mái trong xe. Đi xa và đông, kèm mang theo thiết bị quay chụp nên hành lý mang theo cũng nhiều, vậy mà khéo xếp cốp vẫn thừa diện tích, tiện phết! Khéo cốp của City thuộc dạng top của phân khúc B chứ chả đùa. Cái này cũng khá quan trọng đối với những gia đình mà có trẻ em, lúc nào cũng có nhu cầu mang cả nhà đi theo.

Đến khoảng 9h, chúng tôi tới thành phố Sầm Sơn – Thanh Hóa. Dù không phải đích đến của chuyến đi, chúng tôi vẫn tạt qua để gặp người anh quen đã lâu, và đang sử dụng một chiếc Honda City RS tương tự. 

Nghe anh chia sẻ về chiếc xe, về trải nghiệm của anh, tôi càng tự tin hơn phần nào khi lựa chọn Honda City RS làm bạn đồng hành trong chuyến đi này.

Dùng bữa trưa không cồn cùng anh xong, chúng tôi tạm biệt và lên đường thẳng tiến tới địa điểm đầu tiên trong hành trình: Thành Phố Huế.

Huế cách Sầm Sơn tới hơn 500km, lạ đường, cùng ảnh hưởng từ cơn bão khiến việc di chuyển gặp khá nhiều trở ngại. 

Xuôi theo Quốc lộ 1, duy trì đều ga ở vận tốc tối đa cho phép, chiếc City RS cho cảm giác lái khá tốt, vô lăng phản hồi khá chi tiết tình trạng mặt đườnglll. Do lợi thế gầm thấp, cùng hệ thống treo thiên hướng thể thao nên khi chuyển làn thân xe không có hiện tượng sàng ngang. Đi qua những đoạn đường xấu xe không bồng bềnh khiến việc di chuyển đường xa không quá vất vả. Tôi chắc mấy đứa em tôi ở hàng sau cũng cảm thấy vậy, ngó lại phía sau đã thấy chúng nó ngủ tít từ đời nào. 

Sau hơn 10h đồng hồ lái xe, chúng tôi đã đặt chân đến địa phận thành phố Huế. Ra khỏi xe vươn vai, hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành đến lạ của nơi đây. Sau khi đã thực hiện nhanh những thủ tục “check-in Facebook”, chúng tôi nhanh chóng thuê khách sạn, nghỉ ngơi lấy lại sức, chuẩn bị cho ngày mai khám phá Huế mộng mơ.

Nằm ở duyên hải miền Trung Việt Nam, Huế từ lâu đã nổi tiếng với cả du khách nước ngoài. Sức hút của thành phố sông Hương không nằm ở sự sôi động, náo nhiệt mà gây thiện cảm bởi vẻ đẹp thanh bình, yên ả, không ồn ào mà sâu lắng đi vào lòng người. Sẽ chẳng có mỹ từ nào có thể lột tả được hết nét trầm lắng, dịu dàng và bình yên của mảnh đất này.

Lót dạ bằng món bánh ướt thịt nướng nổi tiếng, chúng tôi di chuyển đến địa điểm đầu tiên:  nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.

Nằm ở phường Phước Vĩnh của thành phố Huế, Chính tòa Phủ Cam là nhà thờ lâu đời nhất tại Huế. Nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – “cha đẻ” của Dinh Độc Lập thiết kế, Chính tòa Phủ Cam được xây dựng từ năm 1682, khi đó được dựng bằng tranh tre. Đến đầu thế kỷ XX, nhà thờ đã trở thành một công trình bằng đá chắc chắn.

Chính tòa Phủ Cam có mặt bằng xây dựng dạng thánh giá, kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại nhưng phần trang trí vẫn theo nghệ thuật cổ điển của phương Tây. Nhìn tổng thể, kiến trúc nhà thờ lên vẻ thanh thoát nhẹ nhàng với điểm nhấn là hai đỉnh tháp chuông vút cao.

Rời nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, bánh xe chúng tôi ghé qua ngôi trường nổi tiếng bậc nhất Việt Nam: trường THPT Chuyên Quốc Học Huế.

Thường được biết đến với cái tên Trường Quốc Học hay Trường Quốc Học – Huế, trường THPT Chuyên Quốc Học Huế được thành lập vào ngày 23.10.1896, cùng với Quốc Học Quy Nhơn và Quốc Học Vinh – đây là một trong ba trường Quốc Học mà Pháp lập ra ở Trung kì nhằm đào tạo lớp công chức cho Chính phủ Bảo hộ Nam triều. 

Với 125 năm thành lập và hoạt động, Quốc Học Huế là ngôi trường trung học phổ thông có bề dày lịch sử lâu đời thứ ba tại Việt Nam. Ban đầu trường được xây dựng theo kiểu cũ, nhà tranh vách đất. Sau này khi tu sửa, nâng cấp, người ta chọn lối kiến trúc đương thời của Pháp vào đầu thế kỷ XX.

Bước chân vào khuôn viên trường, chúng tôi ngây ra trước nét cổ kính mang hơi hướng châu Âu rất đặc trưng nơi đây.

Tới Huế thì sao có thể bỏ qua Cố đô Huế, thứ hiện ra ngay trong đầu chúng ta mỗi khi nhắc đến Huế.

Di sản thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1945. Với diện tích 70,67 km², Cố đô Huế không chỉ lưu giữ kho tàng di sản văn hóa kiến trúc đồ sộ có giá trị và mang tầm vóc quốc tế mà còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị, tiêu biểu như đồ gốm, sứ, tác phẩm nghệ thuật…Ngoài ra, Cố đô Huế còn là một trung tâm văn hóa chứa đựng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, bao gồm sinh hoạt văn hóa cung đình, lễ hội cung đình, âm nhạc và vũ đạo cung đình, cùng các ngành nghề thủ công truyền thống…

Nắng của miền Trung, gắt đến cháy da cháy thịt. May mà City RS có cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau, không mấy thằng em tôi đi chuyến này về sụt mấy cân mất.

Dạo quanh phố Huế, vòng tua máy chỉ “liu riu” ở mức 1000-1100 vòng/phút nhưng khi cần, nhấp nhẹ chân ga, động cơ của City RS sẽ đáp ứng ngay lập tức, và xe vọt lên bứt tốc 1 cách nhanh nhẹn. Thực sự nếu ai đã từng cầm lái những chiếc Honda thì sẽ thấy, slogan Fun to Drive luôn được hãng coi trọng và gìn giữ . Di chuyển nhẹ nhàng trong phố là vậy, nhưng City RS vẫn có một điểm trừ đáng tiếc: không có cảm biến tiệm cận. Việc không có cảm biến, đặc biệt là cảm biến sau khiến có cho việc đỗ xe trong phố đông cũng đủ để khiến cho những tài mới “toát mồ hôi hột” mặc dù City RS đã được trang bị camera lùi. 

Rời Huế, chúng tôi lên đường đi tới địa điểm tiếp theo – thành phố biển Đà Nẵng. Con đường di chuyển từ Huế ra Đà Nẵng tuy không dài nhưng có một cung đường khá hay để chúng tôi có thể thử thách được chiếc xe: đèo Hải Vân. Những con dốc, những khúc cua tay áo liên tục cùng với việc “gánh” 5 người lớn trên xe khiến động cơ luôn gầm gừ ở dải tua cao. 

Ban đầu tôi có hơi chút lo lắng bởi City RS sử dụng hộp số CVT, cấu tạo khác hoàn toàn với hộp số có cấp, sợ đổ đèo về số thấp xe vẫn “trôi tuồn tuột” mất. Vậy mà thực tế lại hoàn toàn ngược lại, hộp số CVT giả lập 7 cấp này cho độ ghì khá tốt. Lẫy chuyển số lúc này cũng được sử dụng liên tục cho việc “engine brake”, việc dùng lẫy chuyển thay cho cần số khiến thao tác trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Đồng thời, dù di chuyển ở vận tốc cao nhưng hệ thống phanh đĩa trước –  tang trống sau vẫn hoạt động vô cùng hiệu quả, trái ngược lại những suy nghĩ ban đầu của mọi người khi chiếc City RS ra mắt. Thậm chí tôi còn cảm thấy việc Honda vẫn sử dụng phanh tang trống cho bánh sau của Honda City là có lý do của họ. Nó khiến chiếc xe khi phanh có độ êm vừa phải và vẫn duy trì được lực phanh tốt, chứ không giật khục như Honda City bản đầu tiên mang về Việt Nam với 4 phanh đĩa ở 4 bánh.

Vượt qua khoảng trời âm u của đèo Hải Vân, bờ biển dài của Đà Nẵng dần hiện ra trước mắt. Chúng tôi đến với Đà Nẵng vào đúng khoảng thời gian lý tưởng nhất: khí hậu rất đẹp, ít mưa, nắng đẹp dù vẫn là cái nắng gay gắt của miền Trung.

“Vào đến đây rồi chả lẽ lại không vào Hội An”. Bánh xe chúng tôi tới Hội An cũng là lúc những chiếc đèn lồng nơi đây đã được thắp lửa.

Rảo bước nhìn quanh, những di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… vẫn gần như vẹn nguyên qua năm tháng. Dù đây không phải lần đầu tới Hội An nhưng nét đẹp mộc mạc, bình dị vẫn thu hút chúng tôi. 

Hội An mùa này không còn nhộn nhịp như lần trước tôi tới đây, có lẽ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các hàng quán vẫn kẻ ra người vào nhưng khuôn mặt của mỗi chủ quán vẫn thoáng hiện lên nỗi buồn. 

Tạt vào quán ven đường thưởng thức món mì Quảng trứ danh, đầu tôi cứ ngân nga những câu thơ cũ

“Anh muốn kể Lai Viễn Kiều Hội phố

Đón đợi người sang nghiêng bóng sông chiều

Mái gỗ cầu cong sơn son chạm trổ

Mấy trăm năm rồi ngói vẫn ấm màu rêu”

Ngày cuối cùng trong chuyến đi, chúng tôi chốt hạ điểm check-in tại bán đảo Sơn Trà – khu rừng nguyên sinh cách thành phố Đà Nẵng 8km. Đứng từ bán đảo Sơn Trà có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh thành phố biển Đà Nẵng.

Trở về Hà Nội khi dư âm của cơn bão chưa tan, anh em tôi khệ nệ xách đồ ra khỏi xe, nhìn nhau cười. Thành viên nào cũng đen đi hẳn sau mấy ngày đi tắm nắng.

Kết thúc chuyến đi, đồng hồ báo mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ… 6.7L/100km cho cả đường đèo, đường trường, đường phố… Con số khiến cả đội đều trố mắt nhìn nhau ngạc nhiên.

2020 là một năm tệ vì đại dịch, 2021 vẫn đang gồng mình để thoát khỏi cái dớp kinh hoàng ấy. Tôi vẫn hay vẩn vơ chẳng biết kết thúc năm nay sẽ ra sao, chỉ biết tất cả sẽ ổn, sẽ có thêm nhiều những chuyến đi ngẫu hứng để xốc lại tinh thần của anh em tôi.

Bình luận