Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng vừa qua, số lượng ô tô nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh. Theo đó, lũy kế trong chín tháng, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng cao, đạt 114.377 chiếc, tăng 71,5% so cùng kỳ năm 2020.
Riêng ô tô con, chín chỗ trở xuống số lượng nhập lên hơn 78.000 chiếc, tăng 57,8%. Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, lượng ô tô nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Xe nhập khẩu vẫn chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh doanh của các hãng xe.
Ngành công nghiệp ô tô của một quốc gia sẽ kém phát triển nếu công nghiệp hỗ trợ đi kèm không đáp ứng kịp yêu cầu. Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của Việt Nam những năm gần đây dù có bước tiến nhất định, nhưng còn kém so các nước trong khu vực và bộc lộ không ít hạn chế.
Cụ thể, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô đang phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng. Do máy móc, công nghệ tương đối lạc hậu, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đạt thấp, giá lại cao, còn khoảng cách khá xa so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Tốc độ cập nhật công nghệ của các doanh nghiệp cũng rất chậm, vì vậy hiện chỉ một vài nhà cung cấp trong nước đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Mặt khác, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới chín chỗ ngồi tại Việt Nam còn rất thấp: Mục tiêu đề ra vào năm 2020 đạt từ 30% đến 40%, năm 2025 lên từ 40% đến 45% và năm 2030 đạt từ 50% đến 55%, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng từ 7 đến 10%.
Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe,…
Ðể phục vụ lắp ráp ô tô, các hãng xe trong nước phải nhập khẩu hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái,… khiến chi phí sản xuất thiếu cạnh tranh. Ðây chính là lý do khiến các hãng xe ít mặn mà với việc lắp ráp, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế lệ phí trước bạ sẽ là một động lực cho ngành sản xuất ô tô trong nước tăng trưởng và hạn chế ô tô nhập khẩu.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm 50% lệ phí trước đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhằm góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe của người dân và kích cầu tiêu dùng.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% thuế lệ phí trước bạ sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất.
Đánh giá tác động của chính sách này, Bộ Tài chính cho biết, việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như: Kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.