Sau thời gian dài các hãng xe đệ trình mong muốn được Chính phủ hỗ trợ do khó khăn từ dịch Covid-19, Bộ Tài chính vừa đề xuất thu lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành, hiệu lực thi hành dự kiến từ ngày 15/11 đến hết ngày 15/5/2022.
Như vậy, gần như chắc chắn thị trường ôtô trong nước sẽ đón nhận chính sách hỗ trợ tương tự Nghị định 70/2020/NĐ-CP từng được ban hành trong giai đoạn nửa sau của năm 2020. Điều này hứa hẹn sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, sử dụng ôtô và giúp các nhà sản xuất từng bước cải thiện hoạt động kinh doanh sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng đại dịch.
Với bối cảnh này, nhiều phân khúc ôtô chuẩn bị diễn ra những màn cạnh tranh với ưu thế nghiêng về xe sản xuất trong nước (CKD) trước sản phẩm nhập khẩu (CBU). Đáng chú ý có thể kể đến nhóm xe gầm cao đô thị cỡ A và B, xe bán tải, SUV 7 chỗ hay ôtô hạng sang tầm 2-4 tỷ đồng.
Trong khi đó, phân khúc xe hạng A, sedan bình dân, MPV 7 chỗ hay crossover tầm 1 tỷ đồng sẽ không có nhiều chuyển biến khi các dòng xe bán chạy hầu như có chung xuất xứ.
Kia Sonet cân bằng ưu thế với Toyota Raize
Dù chưa chính thức bán ra thị trường, cuộc so kè giữa 2 mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ của Kia và Toyota đã được hâm nóng suốt một tháng nay.
Nếu Sonet mở đặt trước từ đầu quý IV với giá bán dao động 499-609 triệu đồng thì Raize lên lịch ra mắt vào tháng 11 và chưa có giá chính thức.
Trong đó, dòng SUV Hàn Quốc được lắp ráp bởi Thaco, còn Raize có xuất xứ từ Indonesia. Đây có thể là cơ sở giúp Kia Sonet bớt lo lắng trước khả năng Toyota Raize được định giá ở mức 550 triệu đồng.
Sonet sẽ có thêm ưu thế để cạnh tranh với Raize nhờ vào mức hỗ trợ phí trước bạ khoảng 25-36 tùy theo phiên bản và địa phương đăng ký. Kết hợp cùng với đó là ưu thế về nguồn cung chủ động, ít phụ thuộc vào nguồn xe nhập khẩu như mẫu xe Nhật Bản.
Khi giá cả không còn quá chênh lệch, những yếu tố có thể quyết định thắng bại giữa Sonet và Raize sẽ là mẫu mã, không gian sử dụng, tính năng tiện ích cùng trang bị an toàn.
Toyota Corolla Cross gặp bất lợi trước Kia Seltos
Một cuộc đấu tay đôi khác giữa Kia và Toyota sẽ chịu tác động từ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ sắp tới cần nhắc đến sẽ diễn ra với sự góp mặt của Seltos và Corolla Cross. Tương tự tình thế của Sonet và Raize, lợi thế nghiêng về phía xe CKD là Kia Seltos, còn Toyota Corolla Cross vốn nhập khẩu từ Thái Lan.
Chưa kể đến khoản phí trước bạ có thể được ưu đãi dao động 31-44 triệu đồng, Seltos (629-739 triệu đồng) vốn đã có điểm cộng lớn về giá bán khi so sánh với Corolla Cross (720-910 triệu đồng).
Kia Seltos có thêm ưu thế cạnh tranh trước Toyota Corolla Cross khi được hưởng ưu đãi phí trước bạ. Ảnh: Kia, Hoàng Tuấn.
Với ưu thế đó, Kia Seltos đã được Thaco điều chỉnh tăng giá bán cao hơn lúc ra mắt cách đây một năm khoảng 30-40 triệu đồng nhưng vẫn tỏ ra “dễ bán” hơn Corolla Cross. Hiện tại Seltos có lượng xe tiêu thụ nhỉnh hơn, cộng dồn đạt 10.008 xe sau 9 tháng, còn kết quả tương ứng của Corolla Cross là 9.197 chiếc.
Trong khi đó, mẫu xe của Toyota có ưu điểm ở yếu tố thương hiệu, hệ thống toàn chủ động và được lòng bộ phận khách hàng thích xe nhập khẩu. Tuy vậy, mức giá đắt nhất nhì phân khúc là bất lợi lớn của Corolla Cross khi cạnh cạnh tranh với Seltos.
Vì vậy, mẫu xe Hàn Quốc có thể kỳ vọng vào khả năng nới rộng khoảng cách doanh số với đối thủ khi dự thảo Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ được thông qua.
Ở nhóm SUV hạng B, những cái tên thuộc nhóm xe CKD cũng được “hưởng lợi” như Seltos có thể kể đến Hyundai Kona, Ford EcoSport hay Peugeot 2008. Còn danh sách gặp bất lợi khi có cùng xuất xứ từ Thái Lan như Corolla Cross là những dòng xe Nhật Bản, gồm Mazda CX-3, Mazda CX-30 hay Honda HR-V.
Ford Ranger tiếp tục bỏ xa các đối thủ
Ford Ranger rõ ràng là dòng xe vui nhất trong những mẫu bán tải đang có mặt tại Việt Nam khi có thông tin chuẩn bị áp dụng giảm 50% phí trước bạ cho ôtô CKD. Bởi lẽ, dòng pickup Mỹ đã chuyển sang lắp ráp trong nước từ giữa năm nay, ngoại trừ bản Raptor. Trong khi đó, các đối thủ cùng hạng của Ranger vẫn nhập khẩu từ Thái Lan.
Ford Ranger đang có giá bán cao nhất nhì phân khúc, dao động 616-925 triệu đồng. Tuy nhiên bất lợi này sẽ tháo bỏ nhờ mức hỗ trợ phí đăng ký tương ứng 30-55 triệu đồng tùy theo địa phương.
Lúc này, Toyota Hilux (628-913 triệu đồng), Mitsubishi Triton (630-865 triệu đồng), Mazda BT-50 (659-849 triệu đồng), Nissan Navara (748-945 triệu đồng) và Isuzu D-max (630-850 triệu đồng) sẽ phải nỗ lực khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng khi sự chú ý được dồn vào Ranger CKD.
Thực tế, Ford Ranger vốn đã là mẫu xe không có đối thủ xứng tầm ở nhóm bán tải cỡ trung khi luôn đạt doanh số cao ngất ngưỡng, bỏ xa Hilux hay Triton và thường xuyên loạt top xe bán chạy của tháng. Mẫu xe Mỹ được người dùng Việt Nam ưa chuộng nhờ thiết kế bắt mắt và nhiều tính năng trang bị.
Với lợi thế sắp được bổ sung từ chính sách hỗ trợ phí trước bạ, Ranger càng thêm dễ dàng để củng cố vị trí dẫn đầu phân khúc cũng như “gánh vác” doanh số cho Ford, nhất là trong bối cảnh EcoSport và Everest đang không có phong độ tốt. Hiện tại, doanh số tích lũy của Ford Ranger đạt 9.776 chiếc, chiếm hơn 68% doanh số xe du lịch của Ford Việt Nam chiếc tính đến hết quý III/2021.
Toyota Fortuner hy vọng cải thiện doanh số
Ở phân khúc xe gầm cao 7 chỗ, Toyota Fortuner đang kỳ vọng có thể cải thiện tình hình kinh doanh khi được hưởng quy định giảm phí trước bạ trong giai đoạn nửa sau của quý IV.
Trong số 7 phiên bản hiện hành, Toyota Fortuner có 5 model máy dầu (995 triệu – 1,426 tỷ đồng) lắp ráp trong nước và 2 bản máy xăng nhập khẩu từ Indonesia. Hai đối thủ chính của Fortuner là Ford Everest (1,112-1,406 tỷ đồng) và Mitsubishi Pajero Sport (1,11-1,34 tỷ đồng) cùng được nhập khẩu từ Thái Lan.
Mức ưu đãi phí đăng ký tương đương 50-85 triệu đồng mang đến lợi thế đáng kể cho Fortuner, làm cơ sở để mẫu xe của Toyota gia tăng doanh số và tiếp tục dẫn trước Everest và Pajero Sport.
Tuy vậy, Toyota Fortuner vẫn cần phải nỗ lực để cạnh tranh Hyundai Santa Fe (1,03-1,34 tỷ đồng) và Kia Sorento (1,079-1,349 tỷ đồng). Cả 2 mẫu SUV Hàn Quốc cũng là xe CKD và được đánh giá nhỉnh hơn Fortuner về thiết kế cũng như tính năng trang bị tiện nghi.
Tính đến cuối tháng 9, Fortuner bán được 3.592 xe, tương đương với kết quả của Sorento (3.596 xe) nhưng kém xa Santa Fe (7.397 xe). Trong khi đó, doanh số tương ứng của Everest cũng như Pajero Sport lần lượt là 3.551 chiếc và 642 chiếc.
Mercedes-Benz nắm lợi thế lớn trong nhóm xe sang
Trái ngược với tình cảnh phải gửi thư kiến nghị mong muốn được hưởng chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của 11 thương hiệu thuộc Hiệp hội Các nhà Nhập khẩu Ôtô chính hãng Việt Nam (VIVA), Mercedes-Benz là hãng xe sang hiếm hoi đủ điều kiện có mặt trong danh sách nhận ưu đãi.
Thương hiệu ngôi sao 3 cánh nắm trong tay lợi thế lớn trước BMW, Audi, Lexus và loạt thương hiệu cao cấp khác khi các dòng sản phẩm bán chạy đều là xe CKD. Không chỉ vậy, C-Class, E-Class, S-Class và GLC-Class đều có mức lợi thế về giá bán so với những đối thủ cùng hạng là xe nhập khẩu.
Với mức giá dao động từ 1,499 tỷ đồng cho C 180 AMG đến 4,969 tỷ đồng của S 450L Luxury, loạt xe Mercedes sản xuất trong nước chuẩn bị nhận được khoản giảm phí trước bạ cao nhất trên thị trường, dao động 75 triệu đến gần 300 triệu đồng.
Con số này cao hơn đôi chút so với khi Nghị định 70/2020/NĐ-CP được áp dụng năm 2020 vì Mercedes-Benz Việt Nam đã tăng giá sản phẩm vào đầu năm nay.
Trong bối cảnh quy định hỗ trợ phí trước bạ mới khó có thể mở rộng phạm vi áp dụng, những thương hiệu hạng sang nói riêng và các hãng xe nhập khẩu nói chung buộc phải tự tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp khuyến mại, ưu đãi để kích cầu như trong hơn một tháng qua, khi thị trường dần hồi phục sau giai đoạn “đóng băng” vì dịch Covid-19.
nguồn: Zing