Những mẫu xe cực phẩm như chiếc Bentley Mulsanne mới ngừng sản xuất gần đây đại diện cho một thế hệ xe hơi đã đi qua. Để tưởng nhớ một mẫu xe huyền thoại, 30 chiếc Mulsanne 6.75 Edition by Mulliner được sản xuất trên toàn thế giới. Tháng 6/2020 vừa qua, mẫu động cơ V8 huyền thoại cuối cùng của Bentley cũng đã được lắp đặt trên chiếc thứ 30, đánh dấu chấm hết cho 52 năm tồn tại. Trong hơn nửa thế kỷ kể từ ngày khối 6.75L V8 đầu tiên ra đời trên chiếc Rolls-Royce Phantom VI 1968, khoảng 36.000 động cơ đã xuất xưởng.
Tiền thân của phiên bản 6.75L là khối động cơ V8 nằm trong nhánh L-series do liên doanh Rolls-Royce–Bentley sản xuất từ 1959. Mặc dù thay thế cho khối I6 trước đó và sản sinh nhiều mã lực hơn tới 50%, khối L-series V8 lại có kích thước và khối lượng gần như tương đương nhờ cấu trúc hoàn toàn từ hợp kim nhôm. Qua nửa thế kỷ cho tới ngày hôm nay, cỗ máy này sản sinh tới 530 mã lực và 1.100 Nm momen xoắn. Là giám đốc bộ phận đánh giá động cơ và đầu quân cho Bentley vào năm 2005, Tim Seipel chứng kiến một phần của quá trình phát triển của mẫu 6.75 huyền thoại. Dưới đây là những lý do vì sao ông cho rằng khối động cơ này của Bentley được xem là bất tử.
1. Đáp ứng đúng mục đích
Mẫu 6.75 được phát triển cho dòng sedan cao cấp cỡ lớn – chiếc Arnage và Mulsanne – và nó ăn khớp với xe một cách tuyệt vời. Đã từng có lúc chiếc Arnage được trang bị một mẫu động cơ V12 của BMW, nhưng ngay khi Volkswagen mua lại Bentley, một trong những công việc đầu tiên của đội kỹ sư là tái lắp đặt khối 6.75. Trong khi các đối thủ vẫn sử dụng động cơ 12 xy-lanh, khối V8 giúp cho Arnage đạt được sức mạnh cực đại ở vòng tua không quá cao.
2. Nhanh hơn, mạnh hơn, và nhẹ hơn
Sử dụng turbo tăng áp Garrett, khối động cơ có thể sản sinh từ 400-450 mã lực. Khi chuyển sang sử dụng hệ thống của Mitsubishi, con số này được nâng lên 450-500 mã lực. Năm 2010, hãng mẹ tiếp tục nâng cấp động cơ cho mẫu Mulsanne dựa trên những kinh nghiệm có được từ dòng Brooklands coupe. Đó là lần đầu tiên một cỗ máy của Bentley tiến tới ngưỡng 1.016Nm momen xoắn.
Trong lần cải tiến năm 2010, một lượng lớn công sức được Bentley dồn vào việc giảm trọng lượng của mẫu động cơ 6.75. Đây được coi là một mũi tên trúng ba con chim: giảm trọng lượng động cơ, tăng hiệu năng xe, giảm tiêu hao nhiên liệu. Thực tế, với mẫu động cơ được nâng cấp trên Mulsanne, Bentley tiết kiệm được 6kg cho trục khuỷu mới, 130g cho mỗi piston mới, và 100g cho mỗi thanh truyền.
3. Kỹ thuật phủ piston và cam biến thiên
Các chi tiết piston và chốt piston đều được phủ một lớp carbon với cấu trúc kim cương, trong khi thành piston được phủ lớp Graphit. Các lớp phủ này giúp động cơ giảm ma sát, chịu đựng được mức tải cao, và đồng thời giảm tiêu thụ nhiên liệu.
Một kỹ thuật khác được áp dụng lên mẫu động cơ mới là công nghệ trục cam biến thiên tác động thủy lực cam phasing. Cũng giống như ở các mẫu động cơ khác trên thị trường, hệ thống trục cam biến thiên có thể cải thiện mức nạp hòa khí, momen xoắn ở vòng tua thấp, công suất tại vòng tua cao, và đặc biệt là giảm độ trễ turbo.
4. Ngắt xy-lanh
Để tăng hiệu suất đốt cháy hòa khí, ở tải thấp, một vài xy-lanh được động cơ ngắt đi. Để làm được điều này, các kỹ sư tại Bentley phải đặt các đơn vị công tắc điện trên các con đội. Đồng thời, hai đường dẫn dầu được cung cấp cho hệ thống này: một đường để bôi trơn cơ cấu tác động, và một đường để phát tín hiệu áp suất cho con đội nhằm đưa ra mệnh lệnh kích hoạt hay bỏ kích hoạt trạng thái ngắt xy-lanh. Bên trong thân máy là các dây dẫn điện, nối tới một ổ cắm trên thân máy. Đây không phải là công nghệ quá phức tạp đối với ngành sản xuất động cơ thời bấy giờ, tuy nhiên làm được điều này thực sự là một điều tinh tế. Trong cả tập đoàn Volkswagen lúc đó, mẫu 6.75 là mẫu đầu tiên có thể ngắt xy-lanh, và nhờ đó đội kỹ sư của Bentley trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực này trong tập đoàn. Nhiều người cho rằng V8 Bentley cũng chỉ là một động cơ Porsche, nhưng chính Bentley đã “truyền lại” cho Porsche phương pháp ngắt xy-lanh.
5. Tối ưu dòng xoáy hòa khí
Năm 2017, khối động cơ một lần nữa được cập nhật. Lần này, thay đổi đến từ hình dạng của đường ống nạp và buồng đốt. Mục đích của những thay đổi này là để xe chạy không tải êm hơn đồng thời có được hỗn hợp cháy sạch hơn, nhờ đó đạt chuẩn Euro 6. Mắt thường dường như sẽ không nhận ra sự khác biệt, nhưng đường ống nạp mới tạo hiệu ứng cuộn xoáy tốt, nhờ đó hòa khí được trộn đều và cháy nhanh hơn. Đặc biệt, động cơ vẫn chỉ được trang bị 2 van cỡ lớn cho mỗi xy-lanh.