Những chiếc xe hơi Việt đúng nghĩa đầu tiên

Là một trong những người đầu tiên được cầm lái bản thương mại của 2 chiếc xe mang thương hiệu Việt – Vinfast LUX.

25 năm của nền công nghiệp xe hơi nước nhà kết thúc với những lời hứa suông về việc xây dựng một nền công nghiệp sản xuất ô tô với tỷ lệ nội địa hóa cao. 25 năm kết thúc bằng việc các hãng chuyển sang nhập khẩu và xe vẫn được bán với giá trên trời. Nếu như việc giá cao có thể được thông cảm bởi chính sách thuế bất cập thì việc các doanh nghiệp ô tô trong nước chỉ dừng ở mức lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa bèo bọt là một thực tế không thể chấp nhận.

VinFast Lux A2.0.

Có lẽ vì vậy mà sự ra đời của thương hiệu Vinfast được kỳ vọng rất nhiều. Nhưng đi kèm với sự kỳ vọng luôn là áp lực chứng minh năng lực cũng như khẳng định vị trí của thương hiệu. Tiến độ thần tốc của Vinfast trong việc xây dựng nhà máy, lên ý tưởng, thiết kế và sản xuất ra chiếc xe đầu tiên chỉ trong hai năm chắc chắn là một kỳ tích trong làng xe thế giới. Tuy vậy, như một đứa trẻ mới chào đời, bắt nó lớn quá nhanh khi chiếc áo nó mặc không kịp nới rộng ắt sẽ có những hệ quả không mong muốn. Chưa kể tới những định kiến về thương hiệu Việt lâu nay từ chính người Việt cũng là một áp lực khổng lồ.

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Nên nhớ Thánh Gióng chỉ có trong chuyện cổ tích!

Hai chiếc Lux SA 2.0 và Lux A 2.0 đã ra mắt, đã được giao đến tay những người đặt mua đầu tiên vào ngày 28/7 vừa qua. Tôi đã có may mắn được trực tiếp cầm lái chạy thử cả hai mẫu xe này trong ngày hôm đó.

Cả hai chiếc Lux đều được xây dựng trên những mẫu xe đã thành danh của BMW nên đương nhiên giữa chúng có những điểm tương đồng ở trang thiết bị trên xe. Tuy nhiên, triết lý thiết kế có sự khác biệt. BMW là BMW và Vinfast là Vinfast. Đừng đánh đồng chúng và mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Cả hai chiếc Lux đều có thiết kế bề ngoài bắt mắt. Nếu để nhận xét ngắn gọn về vẻ bề ngoài của hai chiếc xe này thì tôi có thể mạnh dạn nhận xét rằng chúng có vẻ bề ngoài vượt xa sự mong đợi của tôi. Phần đầu và phần đuôi xe khiến người nhìn lập tức nhận ra đó là xe Vinfast dù chúng có được đứng lẫn trong bãi đậu đầy những chiếc xe cùng phân khúc.

Điểm mà tôi không “tiêu hóa” được là việc lạm dùng quá nhiều chữ crome ở phần đuôi. Dòng chữ VINFAST ở phía đuôi quá dư thừa và nó khiến dòng chữ nhỏ hơn về mẫu xe bên dưới trở nên lạc điệu. Có lẽ người thiết kế quá mong muốn tạo sự nhận diện cao cho chiếc xe mà quên mất rằng chỉ với cụm logo chữ V đi kèm với dàn đèn LED vuốt ra hai bên đã quá đủ để tạo nên một vẻ đẹp đơn giản nhưng không lẫn vào đâu được cho chiếc xe.

Nội thất của hai chiếc Lux tương đối rộng rãi. Với một người có chiều cao 178cm nặng 80kg như tôi khi ngồi ở cả hai hàng ghế đầu của hai chiếc xe đều cảm thấy thoải mái. Riêng chiếc SA 2.0 là 5+2 thì hàng ghế thứ 3 không giành cho người lớn nên đừng kỳ vọng nhiều. Vinfast dùng chất liệu da Nappa cao cấp cho bộ ghế của hai chiếc Lux. Chất liệu da này cho cảm giác thoải mái, mềm mại khi chạm vào và đương nhiên đáng với đồng tiền bỏ ra. Tuy nhiên phần cốt bên trong ghế chưa tương xứng, cụ thể là phần mút lót bên trong ở hai bên mép ghế. Chỉ sau khoảng hơn 10 lần leo lên leo xuống khỏi ghế phần mép bên của ghế đã xuất hiện những nếp nhăn. Điều này không có gì bất thường bởi ở nhiều nhưng mẫu xe tương tự khác hiện tượng này cũng có. Tuy nhiên tôi cho rằng Vinfast hoàn toàn có thể làm tốt hơn.

Tôi đặc biệt không thích thiết kế taplo của cả hai chiếc Lux. Chúng giống nhau đến khó tin và bạn khó có thể phân biệt được nếu chỉ nhìn qua ảnh chụp đâu là nội thất của chiếc Sedan và đâu là của chiếc SUV. Nhưng không sao, hiếm ai sở hữu cả hai chiếc Lux và càng hiếm những người sở hữu cả hai chiếc với nội thất cùng mầu nên khả năng họ nhầm là rất ít. Vinfast dùng 2 đồng hồ cơ cho màn hiển thị trung tâm kết hợp màn hình mầu đa thông tin ở giữa. Màn hình có chất lượng hiển thị tốt, thông tin hiển thị phong phú. Đây là cơ hội cho người sở hữu có thể nâng cấp lên màn hiển thị LED toàn phần tương tự như những lựa chọn ngoài thị trường cho các mẫu BMW hay Mercedes.

Hai chiếc Lux được trang bị màn hình 10.5 inch cho hệ thống Infotainmance và màn hình này được đặt dọc. Một thiết kế có lẽ lấy cảm hững từ những chiếc xe điện của Tesla và đi theo su hướng hiện nay của các mẫu xe mới. Màn hiện thị này khá lớn, tích hợp mọi nút điều khiển lên màn hình (kể cả điều hòa) nhưng nó lại chỉ có độ phân giải 480×640 và chất lượng mầu sắc ở mức trung bình. Việc trang bị màn hình lớn khiến không gian bố trí các núm điều khiển ngoài không còn và như vậy, nếu một ngày đẹp trời màn cảm ứng có vấn đề thì một là bạn sẽ chết nóng hoặc chết rét vì điều hòa không điều chỉnh được. Điểm cộng là bạn có thể dễ dàng thay đổi hình nền của màn hình.

Cách bố trí nội thất của hai chiếc Lux khá hợp lý và vị trí ghế lái cho góc quan sát rất rộng với cột A thon mảnh. Lux bố trí nút khởi động ở vị trí gần cần số cùng với nút điều khiển các chức năng vận hành của xe gồm Tự động ngắt máy khi dừng lâu (Auto Idlling), tắt bật Traction Control, và hỗ trợ đỗ xe.

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Hai chiếc Lux có khả năng vận hành ấn tượng trên mặt đường trải nhựa đẹp trong khu nhà máy của Vinfast ở Cát Hải – nơi tôi chạy thử. Khả năng vận hành trên các điều kiện mặt đường khác chưa thể đánh giá được do tôi chưa có điều kiện kiểm chứng. Cả hai chiếc xe đều được thử nghiệm khả năng tăng tốc, khả năng phanh gấp và khả năng vào cua ở vận tốc cao.

Khả năng tăng tốc của chiếc xe dù không quá ấn tượng nhưng tôi nghĩ không nên đòi hỏi quá nhiều từ một cỗ máy chỉ có dung tích 2 lít, 4 xylanh thẳng hàng có tăng áp. Dù chúng không cho cảm giác dính lưng vào ghế khi nhấn hết ga nhưng cũng đủ khiến cơ thể bạn bị đẩy về phía sau. Với cùng loại động cơ, chiếc A 2.0 tăng tốc tốt hơn bởi nó nhẹ hơn hẳn chiếc SA 2.0.

Khi phanh khẩn cấp từ vận tốc 140kph hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp (BA) can thiệp tức thời. Chiếc xe ổn định khi phanh gấp, đuôi xe không sàng lắc, Volant không rung, giật và khả năng đánh lái khi phanh gấp tốt. Tiếng “ting ting” vang lên trong xe khi các hệ thống hỗ trợ điện tử can thiệp và đèn phanh gấp chớp liên hồi kết hợp với hệ thống đai an toàn chủ động xiết chặt.

Ở thử nghiệm vào cua ở tốc độ cao, chiếc xe có thể vào cua tốt với vận tốc 120kph tại điểm đánh lái (turn-in) và hệ thống cân bằng điện tử ESP can thiệp ngay khi xe có dấu hiệu “bai” cua. Chiếc xe có hiện tượng understeer ở nửa cuối của khúc cua mà tôi thử nghiệm. Tuy nhiên, tôi cho đây là một điểm cộng chứ không phải điểm trừ và các bạn nên lưu ý điều này tránh hiểu nhầm. Lý do ư, đơn giản thế này: đa phần người lái không được đào tạo bài bản về cách kiểm soát chiếc xe khi gặp hiện tượng dư lái (oversteer) hay thiếu lái (understeer) do vậy chiếc xe cần được thiết kế để tự nó có thể giảm thiểu khả năng gặp tai nạn khi nó phải thực hiện các pha chuyển hướng đột ngột ở tốc độ cao. Khi vào cua mà gặp hiện tượng oversteer chiếc xe sẽ mất phần đuôi và dễ dẫn đến hiện tượng xoay vòng thậm chí lật. Ngược lại khi cua gặp hiện tượng understeer chiếc xe sẽ có xu hướng đi thẳng và do vậy nó sẽ an toàn hơn bởi khi đó với việc kiểm soát tốc độ chiếc xe sẽ không bị xoay ngay hay lật. Và với hệ thống ESP hay cân bằng điện tử người lái sẽ được hỗ trợ trong việc kiểm soát chiếc xe và khi đó họ vẫn có thể vào cua hay đánh lái tránh chướng ngại vật một cách an toàn.

Động cơ của hai chiếc Lux đã được nói nhiều rồi nên tôi sẽ không nói thêm. Tuy nhiên, hộp số của hai chiếc xe này lại cần được nói rõ. Chúng dùng hộp số ZF8 của hãng ZF và ZF đã mở nhà máy ngay bên cạnh nhà máy của Vinfast để sản xuất hộp số cung cấp cho khách hàng của mình. ZF8 chính là hệ thống hộp số hiện đang được trang bị trên những chiếc xe BMW và một số thương hiệu xe cao cấp khác.

Lux A 2.0 và SA 2.0 đều có hệ thống treo sau đa điểm (5 điểm) kết hợp thanh ổn định ngang. Chiếc A 2.0 dùng treo sau dạng coilover trong khi chiếc SA dùng bóng hơi (airbag suspension) kết hợp coilover. Đây là hệ thống treo đắt tiền và rất chất. Lux sử dụng hệ thống treo y chang hệ thống đang được dùng trên những chiếc BMW. Tuy nhiên do không trang bị hệ thống thay đổi cấu hình lái nên tính năng nâng hạ khoảng sáng gầm sàn của hệ thống treo bóng hơi không được phát huy và đây là điểm trừ cho chiếc SA 2.0.

Chất lượng hoàn thiện của hai chiếc Lux chỉ ở mức trên trung bình nếu so với chất lượng tổng thành của chúng. Chất lượng hoàn thiện nổi cộm ở những điểm tiếp giáp giữa phần chi tiết kim loại với chi tiết nhựa ở phía ngoài xe. Chúng có khoảng cách không đều và nhìn rất lộ. Ngược lại, khoảng cách giữa các chi tiết kim loại chất lượng hoàn thiện lại rất cao Tôi cho rằng chính sức ép về tiến độ đã dẫn đến việc những chi tiết này chưa được quan tâm đúng mức. Nhưng với thời gian, tôi tin vấn đề sẽ được cải thiện và chiếc xe sẽ có vẻ bề ngoài hoàn hảo hơn.

Bạn tôi, nhiều người đã đặt xe Vinfast từ những ngày đầu tiên và tôi liên tiếp được hỏi về cảm nhận của mình với hai chiếc xe này. Điều tôi có thể nói với các bạn tôi và tất cả các bạn đang đọc những dòng này rằng:

  • Nếu bạn có tiền để mua BMW hay Mercedes: Hãy mua chúng. Nhưng nếu tôi có tiền và định mua xe Lexus ở phân khúc tương tự thì tôi sẽ mua Lux;
  • Việc đầu tiên tôi sẽ làm khi nhận xe là gỡ bỏ đống chữ inox ở đuôi xe… vừa không lo bị trộm gỡ mất vừa làm chiếc xe sang hơn rất nhiều.
  • Nếu bạn còn đang lưỡng lự chưa quyết hãy nên đợi thêm 6 tháng và xuống tiền không cần suy nghĩ. Vì sao ư? Vì tôi cho rằng với tiến độ như hiện nay, chất lượng hoàn thiện như đã nói ở trên sẽ được cải thiện đến mức nó đáng phải đạt được.
  • Nếu bạn vẫn còn đang chưa có xe hơi để đi tôi khuyên bạn hãy thoát khỏi Facebook và quay trở lại làm tốt công việc của mình. Những dòng này có thể làm bạn sáng suốt hơn nhưng không giúp bạn có tiền mua xe đâu.
Bình luận