Gã khổng lồ điện tử Foxconn ra mắt xe điện

Gã khổng lồ điện tử Foxconn chính thức ra mắt 3 mẫu xe điện được chính tập đoàn này phát triển chỉ trong vòng hơn 1 năm qua.

Tại buổi ra mắt ngày 18/10, đích thân tỷ phú Terry Gou, người sáng lập Tập đoàn Foxconn lái chiếc Foxtron Model E ra sân khấu. Đây là chiếc xe điện dòng sedan do Foxconn phát triển và sản xuất, chính thức đặt dấu mốc là nhà sản xuất thuần xe điện đầu tiên của châu Á.

Cũng trong buổi ra mắt này, Foxconn còn giới thiệu chiếc Foxtron Model C, dòng xe SUV cỡ nhỏ, có kích thước tương tự như dòng xe xăng Ford Ecosport hoặc Hyundai Kona cùng với dòng xe bus điện Foxtron Model T.

Foxconn chính thức ra mắt xe điện.

Chính thức bước chân vào ngành công nghiệp trăm tỷ USD

Việc Foxconn mở rộng lĩnh vực sản xuất sang xe điện cũng không còn là điều bất ngờ khi hãng này trong gần 2 năm qua đã có các bước chuẩn bị khá kỹ càng để hiện thực hóa chiến lược xe điện bằng việc hợp tác với các hãng sản xuất ô tô truyền thống như Fiat hay Yulong (sở hữu thương hiệu xe Luxugen Đài Loan) và Greely (Trung Quốc) để làm xe điện.

Ngoài ra, cuối năm 2020, Foxconn công bố thành lập Liên minh sản xuất xe điện thông minh toàn cầu (MIH). Chỉ chưa đầy 1 năm, MIH đã có hơn 1.500 thành viên là các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực xe ô tô và điện tử từ 47 quốc gia. Nhóm thành viên này sẵn sàng cùng nhau sản xuất ra những model xe ô tô điện thế hệ mới nhất, cạnh tranh sòng phẳng với gã khổng lồ xe điện hiện nay là Tesla.

Tháng 6/2021, lần đầu tiên Liên minh MIH đã tổ chức lễ ra mắt, công bố chiến lược hợp tác. Foxconn cũng không giấu tham vọng sẽ biến MIH trở thành hệ điều hành “Android” trong sản xuất xe điện khi Liên minh này thống nhất sẽ đề ra các tiêu chuẩn cho xe điện cũng như chuỗi cung ứng sản xuất xe điện.

Ba mẫu xe điện của Foxconn cũng là đại diện cho 3 loại xe phổ biến nhất hiện nay (SUV, sedan và bus). Với ba mẫu xe này, Foxconn đã chính thức bước chân vào lĩnh vực sản xuất có doanh thu hàng chục tỷ USD hàng năm.

Nội thất ấn tượng sản phẩm xe điện của Foxconn.

Với xe điện, thì động cơ không còn là cấu phần quan trọng nhất nữa mà là pin, chip xử lý và hệ điều hành. Do đó, vô hình trung một doanh nghiệp thuần về điện tử như Foxconn lại có lợi thế hơn cả nếu như chuyển hướng phát triển xe điện.

Với quan điểm chiếc xe ô tô điện tương lai sẽ ngày càng giống một chiếc điện thoại di chuyển được thì Foxconn càng có cơ sở đề dồn nguồn lực vào chiến lược sản xuất mới này.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế, lượng xe điện trên thế giới sẽ đạt mốc ít nhất 150 triệu chiếc vào năm 2030. Nếu Chính phủ các nước có thêm gói hỗ trợ cho sử dụng xe điện, lượng xe có thể sẽ đạt tới 230 triệu chiếc, gấp 13 lần so với lượng xe điện hiện có.

Tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu đã ra quyết định sẽ cấm bán các loại xe ô tô dùng xăng, diesel và hybrid từ năm 2035 và Mỹ cũng đã có các động thái để đẩy nhanh việc sản xuất xe điện. Có thể nói, ngành xe điện toàn cầu đã bước chân vào kỷ nguyên mới khi các dự báo cho rằng tới năm 2030 sẽ có tới 50% lượng xe trên thế giới là xe điện.

Ông Terry Gou, người sáng lập Foxconn, lái thử xe điện do chính Tập đoàn của mình sản xuất.

Cục diện mới của ngành ô tô toàn cầu

Rõ ràng, việc hàng loạt “lính mới” trong ngành ô tô như Tesla, BYD, NiO… và mới nhất là Foxconn bước chân vào ngành xe điện và có các bước tiến vũ bão đã làm các ông lớn ngành xe hơi truyền thống tại Âu Mỹ và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), vốn đang có ưu thế khi chiếm tới 93% sản lượng xe trên thế giới, không thể ngồi yên.

Sự đơn giản của cấu tạo xe điện cùng với tốc độ ứng dụng công nghệ trong xe ô tô đã tạo ra các ưu thế mới xe điện với xe động cơ xăng truyền thống, vô hình trung đưa các ông lớn xe hơi truyền thống phải chạy đua theo “lính mới” để chiếm thị phần ở miếng bánh mới này.

Trong cuộc chạy đua trên, giới phân tích dành sự quan tâm đáng kể cho một “lính mới” đến từ Việt Nam là Vinfast, khi được đầu tư và sản xuất bài bản, chiến lược bán hàng cũng “khác lạ” khi chinh phục thị trường nước ngoài trước.

Mặc dù Vinfast mới chỉ ra mắt 1 sản phẩm xe điện loại nhỏ VE-34 nhưng giới chuyên môn mong chờ các mẫu xe điện lớn hơn của hãng này dự kiến sẽ ra mắt cuối năm nay tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Nếu không nhờ sự thay đổi cục diện và lên ngôi của xe điện, sản phẩm của Vinfast sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian để chinh phục các thị trường nêu trên.

Tháng 3/2021, truyền thông dẫn tin Reuteur cho biết Foxconn đang đàm phán hợp tác Vinfast của Việt Nam để sản xuất xe điện. Mặc dù vậy, cho đến nay, cả hai bên đều không lộ ra bất kỳ thông tin nào về việc hợp tác nêu trên.

Đến nay, khi mà Foxconn đã chính thức ra mắt các mẫu xe điện thì sự hợp tác của 2 nhà sản xuất này càng thu hút sự tò mò của giới chuyên môn. Lý do là vì, một trong những đặc trưng truyền thống của Foxconn là “không làm thương hiệu” sẽ tiếp tục được duy trì sang lĩnh vực sản xuất xe điện. Trong khi đó, Vinfast cũng tự tin có thể sản xuất hoàn toàn được sản phẩm của mình ở nhà máy tại Hải Phòng.

Ngoài Vinfast, Foxconn cũng đang hợp tác với một số nhà sản xuất xe điện như Luxegen (Đài Loan), Greely (Trung Quốc) và Fisker, một thương hiệu ô tô của Mỹ. Mới đây nhất, Foxconn đã hợp tác với Stellantis để thành lập liên doanh Mobile Driver, trong đó mỗi bên đóng góp 50%.

Theo Foxconn, Mobile Driver sẽ tập trung sản xuất phần công nghệ thông tin, giải trí trong xe điện thông qua các thiết bị và giải pháp điện toán đám mây, ứng dụng cộng nghệ AI và 5G. Stellantis được biết đến là chủ sở hữu của các thương hiệu xe Fiat, Chrysler, Peugot và Citroroen, sản lượng xe hàng năm đứng thứ 4 thế giới.

Với các sự hợp tác này, Foxconn tiếp tục có thể trở thành “đơn vị gia công xe điện” lớn nhất thế giới, như đã từng làm với sản phẩm điện thoại iPhone.

nguồn: Công thương

Bình luận