Hiểu rõ về dòng xe đang sử dụng
Nếu bắt buộc phải đối mặt ô tô với vùng ngập nước các tài xế cần cần nắm bắt những kiến thức cơ bản về dòng xe mình đang sử dụng là xe gầm thấp hay gầm cao.
Thông thường, nếu mức nước không quá 20 cm, xe có thể di chuyển qua một cách an toàn. Tuy nhiên, khi đi trong khu vực ngập nước lớn hơn, nhưng không quá nửa bánh xe, lái xe hãy giữ tốc độ động cơ (vòng tua máy) cao, ga hơi lớn so với bình thường và đều để tránh nước tràn vào ống xả, khiến xe dễ chết máy.
Xác định độ sâu của vùng ngập
Trước khi quyết định di chuyển qua vùng ngập, người lái ô tô nên xem xét mức nước có đủ an toàn để đi qua hay không. Nếu mực nước ngập vượt qua tâm của bánh xe, người lái không nên tiếp tục di chuyển qua.
Tránh lái xe vào vùng nước ngập đến quá nửa bánh xe hoặc ngập cao hơn lề đường. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, các xe chạy ngược chiều tạo ra sóng nước khiến nước dâng cao hơn cũng khá nguy hiểm đối với xe ô tô, vì vậy cần cẩn thận khi lái xe qua vùng ngập nước.
Tắt các thiết bị phụ tải
Người lái cần tắt các thiết bị phụ tải như máy lạnh, hệ thống giải trí… để hạn chế nguy cơ xảy ra chập điện, cháy nổ điện.
Về số thấp nhất
Lái xe qua vùng nước lũ thì nên chuyển xe về số thấp nhất và giảm tốc độ tới mức an toàn, điều này sẽ làm hạn chế nước tràn vào động cơ qua ống xả xe.
Đi chậm, đều ga, không tăng ga đột ngột
Một trong những kinh nghiệm lái xe mùa mưa hữu ích là nên chạy đều ga, giữ xe nổ tròn máy và lái một cách bình tĩnh. Trong trường hợp này, người lái lưu ý không đạp ga thốc đột ngột, tránh việc nước tràn vào khoang máy qua lưới tản nhiệt vào ống hút gió.
Ngoài ra, tăng ga đột ngột khiến vòng tua máy tăng cao cuốn nước vào động cơ, dễ gây ra hiện tượng thủy kích, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hệ thống điện, piston trong động cơ.
Duy trì khoảng cách an toàn
Đừng đi quá gần với những xe phía trước, hãy giữ một khoảng cách lái xe an toàn đề phòng xe phía trước dừng đột ngột. Giữ khoảng cách an toàn còn giúp xe hạn chế bị ảnh hưởng bởi sóng nước được tạo ra từ các xe khác.
Rà phanh để loại bớt nước trên đĩa phanh
Khi đã đi qua chỗ ngập nước, lái xe cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa phanh, sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.
Bật đèn sương mù, đèn chiếu gần
Không chỉ đi qua vùng ngập nước, khi đi xe dưới trời mưa tầm nhìn hạn chế, lái xe nên bật đèn sương mù, đèn chiếu gần, đèn cảnh báo sự cố để các phương tiện khác biết.
Không được khởi động xe khi xe đã chết máy
Lái xe khi đường ngập nước dễ dẫn đến tình trạng xe bị chết máy. Cách xử lý xe ô tô bị chết máy giữa vùng nước ngập, người lái hãy nhanh chóng tắt máy, rút chìa khóa điện thay vì tìm cách nổ máy.
Tuyệt đối không tìm cách nổ máy xe khi xe bị tắt máy, hành động này sẽ làm cho xe hư hỏng nặng, nghiêm trọng hơn là nước lọt vào động cơ gây thuỷ kích.
Nếu bạn khởi động xe sau khi bị ngập nước sẽ gây hư hại các chi tiết bên trong động cơ; trường hợp nặng có thể phải thay cả hệ thống động cơ, hệ thống điện và dĩ nhiên chi phí không hề rẻ chút nào.
Thay vào đó, nên chuyển cần số về vị trí N để có thể thuận tiện hơn khi đẩy tới vị trí cao hơn và gọi cứu hộ ngay khi có thể để tránh xe bị ngâm quá lâu trong nước khiến công tác sửa chữa về sau sẽ phức tạp hơn.
Trong lúc chờ đợi cứu hộ, lái xe có thể mở nắp capo và tháo cọc của bình ắc quy để tránh bị rò rỉ điện gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, chủ xe nên ghi nhớ điểm ngập nước cao nhất để tiến hành kiểm tra, vệ sinh cho phù hợp.