Xem BMW M3 E92 phô diễn sức mạnh trên bàn dyno

Liệu một chiếc BMW hiệu suất cao khi được trang bị một bộ bugi tốt có làm tăng công suất của động cơ? Hãy cùng tìm hiểu.

Dù đã ra mắt từ năm 2007, BMW M3 E92 vẫn là giữ một vị trí quan trọng của M Performance. Đây là chiếc M3 duy nhất sử dụng động cơ V8 hút khí tự nhiên với vòng tua máy lên tới 8.000 v/p, cho ra công suất 414 mã lực.

Chiếc M3 2010 trong clip được giới thiệu là “hàng tồn kho”, nhưng mức odo hiện ở 243.200 km, đây không hẳn là chiếc xe mới. Trải qua một quãng đường di chuyển như vậy, liệu sức mạnh của chiếc xe có còn như mới? Để trả lời cho câu hỏi này, channel YouTube Evolve Automotive đã quyết định thử nghiệm sức mạnh của chiếc xe trên bàn dyno.

BMW M3 E92.

Chiếc M3 hơn 10 năm tuổi này đang trong tình trạng khá tốt, tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm với động cơ V8 của BMW, nhóm Evolve Automotive cảm thấy sức mạnh của chiếc xe có phần hơi “yếu”. Họ quyết định mang chiếc xe lên bàn dyno, và đúng như dự đoán, kết quả cho ra thông qua những tính toán cho thấy, động cơ hút khí tự nhiên V8 4.0L này chỉ còn cho ra 398 mã lực.

Kiểm tra sơ bộ bằng thiết bị chuyên dụng, động cơ này vẫn hoạt động khá ổn, tuy nhiên, có vẻ như bugi của chiếc xe đã đến lúc cần thay thế. Chiếc xe hiện có tình trạng đánh lửa muộn, điều này tuy phần nào đó giúp động cơ hoạt động an toàn nhưng lại làm giảm công suất của động cơ.

Tại sao đánh lửa muộn lại làm giảm công suất của động cơ? 

Động cơ V8 mã S65 trên M3 E92.

Như chúng ta đã biết, động cơ đốt trong hoạt động với bốn chu kỳ: nạp – nén – nổ – xả. Theo đúng “lý thuyết”, khi piston đi lên điểm chết trên khi đến kì nén, bugi sẽ đánh lửa để đốt cháy hòa khí, đẩy piston xuống làm quay trục khuỷu và sinh công ở kì nổ. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu để piston đi đến điểm chết trên bugi mới đánh lửa, quá trình cháy của hòa khí kéo dài sang kỳ nổ. Áp suất và nhiệt độ cao nhất khi cháy đều giảm nên đã làm giảm công suất động cơ. Đồng thời do kéo dài thời gian cháy, đã làm tăng tổn thất nhiệt truyền qua thành xy-lanh, tăng nhiệt độ khí xả và nhiệt lượng khí xả lại thoát ra ngoài, do đó làm giảm hiệu suất động cơ. 

Tốc độ lan truyền của ngọn lửa là không đổi vì vậy thường các nhà sản xuất sẽ lập trình để bugi đánh lửa sớm hơn, từ đó nhiên liệu có thể cháy hết, tận dụng tối đa năng lượng của nhiên liệu đủ thời gian để tia lửa lan tỏa. Và nếu không đánh lửa sớm, thì sẽ cần phải đốt cháy nhiều nhiên liệu hơn để có mức năng lượng như vậy.

Quay lại với chiếc M3 E92 đời 2010, sau khi thay cho chiếc một bộ bugi mới, kết quả chạy dyno đã khởi sắc hơn nhiều khi chiếc xe đã cho mức công suất 411 mã lực tại máy, thời điểm đánh lửa cũng đã trở lại với thông số ban đầu.

Evolve Automotive cũng khuyên với những động cơ có công suất lớn như động cơ V8 này, chủ nhân nên thay thế sau khoảng 48.000 km. Bugi là một bộ phận quan trọng của một động cơ đốt trong, việc thay thế đúng hạn không chỉ đảm bảo hiệu suất cũng như niềm vui khi lái xe.

 
Bình luận