Hà Nội dự kiến áp dụng “thẻ xanh, thẻ vàng Covid” khi đi xe buýt từ 21/9

Tiêu chí “thẻ xanh Covid”, “thẻ vàng Covid” áp dụng theo điều kiện tiêm vắc xin tối thiểu một mũi trong thời gian 14 ngày. Thẻ cấp từ hệ thống dữ liệu điện tử cho người đi xe buýt.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) cho biết đang xây dựng bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách từ ngày 21/9 tới đây.

Áp dụng “thẻ xanh”, “thẻ vàng” ra sao?

Trong bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở GTVT Hà Nội đưa ra các tiêu chí về “thẻ xanh Covid” và “thẻ vàng Covid”.

“Thẻ xanh Covid” được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm mũi vắc xin thứ hai được 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã được tiêm một mũi vắc xin được 14 ngày và không quá 12 tháng (đối với các loại vắc xin chỉ cần tiêm một mũi như vắc xin Janssen của Johnson Johnson); người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly trong vòng 21 ngày tính từ khi khỏi bệnh.

Đối với “thẻ vàng Covid”, Sở GTVT Hà Nội cũng nêu rõ thẻ được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho các cá nhân đáp ứng các điều kiện là đã tiêm một mũi vắc xin được 14 ngày (đối với loại vắc xin có yêu cầu 2 mũi).

Hà Nội chuẩn bị cho việc tái khởi động xe buýt từ 21/9 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Theo Sở GTVT Hà Nội, các cá nhân không có thông tin dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử như sổ sức khỏe điện tử có thể chứng minh bằng các giấy tờ có liên quan như: Giấy chứng nhận tiêm chủng bảo đảm điều kiện của thẻ xanh hoặc thẻ vàng.

Với tiêu chí về lộ trình, bộ tiêu chí xây dựng áp dụng cho các tuyến hoạt động trong khu vực vùng xanh, sẽ chạy theo lộ trình đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt. Các tuyến buýt chạy liên vùng sẽ có điều chỉnh để tránh những vùng đỏ nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Ba giai đoạn khôi phục hoạt động xe buýt

Về thời gian khôi phục lại hoạt động xe buýt, dự kiến chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 15 ngày sau thời điểm giãn cách xã hội (kể từ 0h ngày 21/9 đến hết ngày 5/10): Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Tần suất hoạt động của xe buýt không quá 50% công suất. Xe chỉ được vận chuyển không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe, kể cả lái xe và nhân viên phục vụ.

Giai đoạn sau thời điểm giãn cách 15 ngày (kể từ ngày 6/10): lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại nhà chờ xe buýt nhanh và hành khách phải có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Tần suất hoạt động của xe buýt không quá 80% công suất. Xe chỉ được đáp ứng không quá 50% số chỗ (ngồi, đứng) và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ).

“Trong giai đoạn bình thường mới, lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt và hành khách phải có “thẻ xanh Covid”. Xe buýt được hoạt động 100% công suất và không yêu cầu giãn cách hành khách”, Sở GTVT thông tin.

Đối với hành khách, Sở GTVT Hà Nội cho biết cần thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K; khai báo y tế điện tử (chỉ khai báo y tế bằng giấy theo mẫu tờ khai của Bộ Y tế khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử); hạn chế nói chuyện, ăn uống trong suốt chuyến đi và chủ động khai báo nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, khó thở.

Với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên phục vụ tại nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) phải được đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cả trước, trong và sau khi kết thúc thời gian làm việc theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội.

Trên xe buýt, lái xe phải niêm yết khuyến cáo của Bộ Y tế về yêu cầu thực hiện phòng chống dịch Covid-19 và số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế và Bộ Y tế; trang bị dung dịch sát khuẩn tay, thùng rác có nắp đậy thuận tiện. Phương tiện được khử khuẩn trước và sau mỗi chuyến đi.

Hệ thống loa trên xe cần thông báo điểm dừng kết hợp thông báo tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa phương và toàn quốc và các yêu cầu phòng, chống dịch với tần suất hợp lý, tránh gây khó chịu cho hành khách.

nguồn: dân trí

Yorumlar