Trong vài năm qua, thị trường ôtô Việt Nam duy trì đà phát triển với sự xuất hiện của nhiều dòng xe mới. Đi cùng với đó là việc người dùng chú trọng hơn đến tính đa dụng, dẫn đến sự bùng nổ của các phân khúc ôtô gầm cao và xe 7 chỗ.
Tương phản với bức tranh tươi sáng đó là gam màu ảm đạm dành cho một vài dòng xe khác không còn phù hợp với thị hiếu của số đông, bao gồm hatchback tầm 500-600 triệu đồng, xe cỡ C và sedan hạng D.
Hatchback hạng B
Từ lâu, nhóm hatchback hạng B vốn được xem là phần mở rộng của phân khúc sedan bình dân, hướng đến nhóm khách hàng mua xe sử dụng gia đình và muốn tách biệt với các dòng xe phổ biến trên thị trường.
Năm 2018 và 2019 có thể xem là giai đoạn tăng trưởng khả quan cho các mẫu hatchback tầm 500-600 triệu đồng tại Việt Nam. Ngoại trừ việc Ford Fiesta sedan và hatchback bị ngừng kinh doanh vào cuối năm 2018 thì người dùng trong nước vẫn có khá nhiều lựa chọn.
Danh sách gồm các dòng xe nhập khẩu từ Thái Lan như Toyota Yaris, Suzuki Swift, Honda Jazz, Mazda2 hatchback hay Mitsubishi Mirage. Năm 2019, toàn phân khúc có doanh số gần 6.600 chiếc, dẫn đầu là Yaris với 41,7% thị phần, xếp sau là Swift (22,3%) và Jazz (16,9%).
Tuy vậy, năm 2020 chứng kiến sự rút lui của Honda Jazz và Mitsubishi Mirage. Hai mẫu hatchback Nhật Bản được dọn kho và âm thầm rời khỏi thị trường vào quý II năm trước. Cùng với sự suy giảm doanh số của Yaris và Swift, nhóm hatchback hạng B có tổng doanh số 3.148 xe trong năm 2020, giảm đến 52% so với năm 2019.
Tính đến tháng 7/2021, mẫu xe bán tốt nhất trong phân khúc là Toyota Yaris có doanh số cộng dồn 706 chiếc, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (879 chiếc) khoảng 19,7%. Phiên bản mới của Yaris được ra mắt vào quý IV năm trước không thể vực dậy doanh số như giai đoạn 2019.
Ở tầm giá với Yaris (668 triệu đồng), Swift (550 triệu đồng) hay Mazda2 Sport (519-619 triệu đồng), thị trường hiện có nhiều lựa chọn đáng chú ý hơn. Chẳng hạn như xe 7 chỗ tiện dụng và rộng rãi có Mitsubishi Xpander hay Suzuki XL7, còn SUV đô thị hiện đại và nhiều trang bị có thể cân nhắc Kia Seltos, Hyundai Kona hay Mazda CX-3.
Bên cạnh đó, kiểu thiết kế đuôi cụt của xe hatchback kén khách hơn do phong cách không sang trọng bằng sedan, dù rằng xét về không gian sử dụng nội thất thì các biến thể 5 cửa vốn có ưu thế so với sedan cùng hạng.
Xe hạng C
Không chỉ tác động đến nhóm hatchback hạng B, SUV đô thị còn lấn át cả các dòng xe cỡ C ở cùng tầm giá 600-900 triệu đồng. Trong khoảng 2 năm vừa qua, phân khúc C dần thu hẹp cả về số lượng mẫu mã lẫn doanh số tiêu thụ.
Song song với việc Ford Focus rút khỏi thị trường Việt Nam, hầu hết dòng xe cùng hạng ghi nhận doanh số suy giảm trong năm 2020. Trong cả năm 2020, doanh số của toàn phân khúc xe hạng C đạt gần 32.000 chiếc, giảm 19,4% so với năm 2019.
Còn hiện tại, lượng xe tiêu thụ đến hết tháng 7/2021 của Kia Cerato, Mazda3, Honda Civic, Hyundai Elantra và Toyota Corolla Altis thấp hơn cùng kỳ năm trước 12,7%, trái ngược với doanh số tăng gấp 3 lần của nhóm SUV đô thị.
Cái tên suy giảm đáng kể nhất là “cựu vương” Mazda3 bán chưa đến 10.000 xe sau khi ra mắt loạt phiên bản mới vào cuối năm 2019. Trước đó ở năm 2018 và 2019, mẫu xe này đều có doanh số hơn 13.000 chiếc.
Giá bán đắt đỏ được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến việc Mazda3 facelift đánh mất vị thế, dù rằng mẫu xe này có được thiết kế đẹp và danh sách trang bị tiện nghi, an toàn nổi trội so với các đối thủ.
Sự tăng trưởng của riêng Kia Cerato là không đủ để cứu vãn cho cả phân khúc. Mẫu xe Kia có được mức giá cạnh tranh để thu hút khách hàng, trong khi Elantra, Civic hay Corolla Altis không hấp dẫn bằng khi so sánh với các mẫu SUV đô thị ở cùng tầm giá.
Trong hơn 2 năm, việc Hyundai, Honda hay Toyota chậm nâng cấp cho các dòng sedan hạng C khiến nhóm sản phẩm này thua thiệt về mặt thiết kế hay trang bị công nghệ khi đặt cạnh các model bán chạy như Kia Seltos, Toyota Corolla Cross hay Peugeot 2008.
Sedan hạng D
Từng là “miếng bánh” quan trọng trên thị trường ôtô, nhóm xe hạng D dần thu hẹp trong khoảng 5 năm qua. Những cái tên đã rời khỏi Việt Nam vì doanh số ảm đạm có thể kể đến Hyundai Sonata hay Nissan Teana.
Hiện nay, Toyota Camry và Mazda6 là 2 đại diện nổi bật nhất của phân khúc, tuy nhiên bộ đôi này đang đánh mất phong độ. Các phiên bản Camry ra mắt từ đầu năm 2019 có doanh số ổn định khoảng 5.400 chiếc trong 2 năm qua. Tuy nhiên, lượng xe tiêu thụ đã chững lại khi hơn 2 năm qua Toyota không có sự nâng cấp nào dành cho Camry.
Bản nâng cấp facelift ra mắt cách đây một năm của Mazda6 không có được thành công như kỳ vọng. Từng có giai đoạn cạnh tranh sòng phẳng với Camry, Mazda6 nay đã trở lại vai trò bám đuổi và không còn giữ được sức hút như trước, khi các thay đổi từ hãng xe Nhật Bản là không đủ hấp dẫn. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số của Mazda6 tính đến tháng 7/2021 đã giảm khoảng 19,8%.
Trong khi đó, Honda Accord và Kia Optima trong hơn một năm qua thường xuyên ghi nhận lượng xe bán ra ít ỏi. Giá bán cao được xem là rào cản chính của Accord trước các đối thủ, còn mẫu xe Hàn Quốc đã ngừng kinh doanh từ tháng 4 và chưa rõ thời điểm ra mắt thế hệ mới.
Một cái tên kín tiếng cần nhắc trong phân khúc là Volkswagen Passat. Mẫu xe Đức không công bố số liệu bán hàng và thường xuyên phải giảm giá sâu để thu hút khách hàng.
Từ cuối năm 2019, nhóm xe hạng D đã chịu sức ép từ các mẫu SUV 7 chỗ với xu hướng dịch chuyển của người dùng sang lựa chọn xe gầm cao với khả năng di chuyển linh hoạt và đa dụng. Ở cùng tầm tiền với Camry hay Accord, khách hàng có thể cân nhắc Hyundai Santa Fe, Kia Sorento hay Ford Everest nổi bật hơn về thông số vận hành, trang bị tiện ích.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc Camry, Mazda6, Accord và Optima đều có doanh số thấp hơn cùng kỳ năm trước là sự có mặt của VinFast Lux A2.0. Mẫu sedan Việt Nam không chính thức thuộc phân khúc D nhưng thường xuyên được ưu đãi và có được giá bán hấp dẫn, khoảng 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Chính sách bán hàng của VinFast ít nhiều có tác động đến các mẫu sedan cỡ trung tại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, Lux A2.0 có doanh số tích lũy hơn 4.000 xe sau 7 tháng, vượt lên tổng doanh số của Camry, Mazda6, Accord và Optima.
nguồn: zing