Tính đến năm 2019 đất nước này có khoảng 23.000 xe ôtô trên tổng số khoảng 25 triệu dân, theo KBS. Có nhiều nguyên nhân khiến lượng xe trên đầu người thấp, gồm cả luật lệ, giá cả, thị trường.
Trước 2017, việc sở hữu ôtô tại Triều Tiên là một điều gần như không thể mặc dù đất nước này có ngành công nghiệp ôtô từ những năm 1950. Luật nước này không cho phép cá nhân sở hữu xe hơi, trừ một số trường hợp đặc biệt nhằm mục đích công việc hoặc cơ quan nhà nước.
Kể từ năm 2017, Triều Tiên bắt đầu cho phép cho phép cá nhân được mua xe, người dân Triều Tiên có thể sở hữu ôtô như là phương tiện cá nhân, với lý do ôtô cá nhân có thể là một nguồn đóng góp tích cực vào hệ thống vận tải cả nước. Tuy nhiên để đăng ký và mua được xe ở đây vẫn rất khó khăn do các thủ tục xét duyện nhân thân và lý do mua khá phức tạp.
Để có thể đăng ký, những xe này phải là servi-cha. Servi-cha gồm hai loại, loại thứ nhất là những xe tải, xe buýt thuộc sở hữu của tổ chức nhà nước hoặc các công ty với mục đích vận tải; loại thứ hai là xe thuộc sở hữu cá nhân, nhưng cá nhân đó đăng ký thông qua công ty vận tải – đây là cách mà người dân dùng để có thể sở hữu ôtô. Một số khác nhờ người có quốc tịch nước ngoài hoặc làm một số công việc liên quan đến tổ chức nước ngoài để dễ dàng mua xe hơn.
Sau khi đăng ký xong, người dùng còn phải chi nhiều loại tiền như tiền sử dụng tên chi cho các doanh nghiệp, hay phí lưu hành để có thể di chuyển xe bình thường.
Một nguyên nhân khác khiến người tiêu dùng khó mua ôtô là giá cao. Theo Heritage Foundation vào 2016, mức giá trung bình cho một chiếc xe ở đây là khoảng 10.000 USD, tuy nhiên thu nhập bình quân của một người chỉ rơi vào khoảng 1.300 USD/năm. Ngoài ra, không thể mua nhiên liệu thoải mái mà phải theo số lượng giới hạn cũng là lý do khiến việc sở hữu ôtô thêm phần khó khăn.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn bị cấm vận nên nhiều hãng không được phép bán xe tại quốc gia này. Internet hạn chế cũng là điểm khiến người dùng khó tìm kiếm các thông tin về xe hơn. Xuất hiện ở Triều Tiên chủ yếu là những mẫu xe đời cổ, kiểu dáng không bắt mắt tuy nhiên cũng không thiếu đi những mẫu xe sang.
Vì không thể bán trực tiếp, nên xe sang vào Triều Tiên thường phải qua công ty thứ ba, tức là mua lại qua một vài đầu buôn nước ngoài trước khi về nước. Theo The New York Times, đầu tiên chiếc xe sẽ được đặt mua thông qua trung gian, vận chuyển từ nơi sản xuất tới Trung Quốc, sau đó chuyển sang Nhật Bản, từ đây xe được chuyển tiếp qua Hàn Quốc rồi sang Nga và cuối cùng mới là Triều Tiên.
Con đường đi của những chiếc xe có thể khác nhau và sẽ vận chuyển đến Triều Tiên tại đất nước không cấm vận đất nước này, hiện tại có khoảng 90 quốc gia vẫn đang cung cấp các nguồn hàng nước ngoài cho Triều Tiên.
Tuy thị trường khắc nghiệt, nhưng Triều Tiên lại bắt đầu phát triển ngành công nghiệp ôtô từ lâu, dù không thành công. Vào những năm 1950, đất nước này đã có một nhà máy ôtô cho riêng mình là Sungri Motors, với công suất 5.000-7.000 xe/năm. Hãng này sản xuất nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu tập trung vào các loại xe thương mại, như ZR 5000 Dumping Truck, bên cạnh một số mẫu xe chở khách, như Jaju – một bản sao của Volkswagen Passat cũ, hay Achimkoy – bản sao một chiếc sedan của Nga.
Đến cuối năm 1999, Pyeonghwa Motor có trụ sở tại trung tâm công nghiệp Nampo được thành lập, đây là liên doanh giữa Pyonghwa Motors của Hàn Quốc và một công ty quốc doanh của Triều Tiên. Hãng xe tập trung bán các sản phẩm của Fiat và PMC. Trong năm 2003, chỉ có 314 xe được sản xuất dù nhà máy có cơ sở vật chất để sản xuất lên đến 10.000 xe mỗi năm. Đến năm 2005, nhà máy này cũng chỉ sản xuất không quá 400 chiếc xe.
Hầu hết các xe chở khách trên đường phố Triều Tiên đều được sản xuất bởi hãng này. Các nhà sản xuất khác chủ yếu nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp.
nguồn: VnExpress