Bugatti đã là siêu xe đỉnh cao ngay cả trước khi thuật ngữ siêu xe được tạo ra. Nhưng liệu thương hiệu Bugatti có hợp rơ với thời đại điện khí hóa để tiếp tục là một tay cự phách thời đại mới hay không thì lại rất đá
Được thành lập vào năm 1909 tại Molsheim, nước Pháp, Bugatti đã tạo nên tên tuổi ngay từ những ngày đầu thành lập nhờ chiến thắng trong các cuộc đua và tạo ra những chiếc xe tuyệt đẹp. Khi Ettore Bugatti qua đời vào năm 1947, thương hiệu này đã biến mất với chỉ khoảng 8.000 chiếc xe được chế tạo, trong số đó có chiếc Type 57 SC Atlantic mang tính biểu tượng. Chiếc xe đẹp đến mức chỉ gọi nó là một chiếc ô tô thì thật không công bằng. Một tác phẩm nghệ thuật có vẻ là mô tả thích hợp hơn.
Sau 40 năm chỉ là ký ức, thương hiệu này đã được doanh nhân người Ý Romano Artioli hồi sinh vào năm 1987. Nhưng do chi phí phát triển tăng trong bối cảnh điều kiện kinh tế yếu kém, công ty một lần nữa phải ngừng hoạt động vào năm 1995. Sau đó, Volkswagen, dưới sự bảo trợ của Ferdinand Piëch, đã mua bản quyền thương hiệu vào năm 1998. Từ đó hình thành nên di sản đỉnh cao của Piëch: tạo ra những chiếc xe hơi được đăng quang dưới một thương hiệu đại diện cho sự sang trọng và độc quyền, theo cách mà có lẽ chỉ Rolls-Royce và Ferrari mới có thể cạnh tranh.
Để báo hiệu với thế giới về tham vọng đưa Bugatti lên đỉnh cao, Piëch đã khởi xướng việc phát triển động cơ 18 xy-lanh khổng lồ, biến Bugatti Veyron và người kế nhiệm của nó, Chiron, thành những chiếc xe đỉnh cao mà dùng tiền cũng có thể mua được lại dường như chẳng mua được gì nếu bản thân người bỏ tiền không đủ xứng tầm với nó. Bugatti đã phá hết kỷ lục tốc độ này đến kỷ lục khác. Không có nhà sản xuất nào khác có thể cung cấp một động cơ như Bugatti. Không có chiếc xe nào khác có thể địch lại khả năng tăng tốc và tốc độ của nó.
Kể từ thời điểm Volkswagen tiếp quản Bugatti, thương hiệu đã được tôn xưng là một kiệt tác và nơi trưng bày của sự sang trọng. Những chiếc xe của hãng được bán với giá hàng triệu – một mức chưa từng có trước khi thương hiệu này được hồi sinh. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của Stephan Winkelmann, thương hiệu đã bước vào không gian của thế giới những sản phẩm chỉ có một lần trong đời, với việc tạo ra các phiên bản giới hạn hư Bugatti Divo có giá hơn 5 triệu USD, Centodieci chỉ có 10 chiếc, và chiếc xe đắt nhất thế giới, La Voiture Noire, dễ dàng có giá hơn 18 triệu USD.
Người ta suy đoán rằng chủ sở hữu của một chiếc Bugatti hẳn phải có từ 40 đến 80 chiếc xe hơi trong garage, hơn hai máy bay tư nhân và một chiếc du thuyền. Nhìn vào những cái tên nổi tiếng được biết đến đang sở hữu ít nhất một chiếc Bugatti như Cristiano Ronaldo, Roberto Carlos hay Jay Leno thì không khó để nhận ra mẫu số chung ấy.
Do đó, sở hữu một chiếc Bugatti không chỉ đơn thuần là sở hữu một chiếc xe hơi sang trọng. Nó đánh dấu tư cách thành viên của một trong những “hội” đắt giá nhất trên Trái đất. Không có thương hiệu cao cấp nào khác có được hiệu quả như vậy. Thay vì cung cấp những chiếc xe cấp thấp hơn, hoặc những chiếc SUV thực dụng hơn, như chiến lược của hầu hết các thương hiệu xe sang khác, Chiron của Bugatti vẫn là chiếc xe đặt cơ sở cho các phiên bản giới hạn độc quyền và đắt đỏ hơn nhiều. Điều đó dành riêng cho các khách hàng của Bugatti.
Do đó, khi một thương hiệu bị tách ra, một thương hiệu dường như đã làm mọi thứ đúng đắn khi tạo nên định nghĩa thế nào là sự xa xỉ đích thực đằng sau vô lăng, thì đó là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy thời thế đã thay đổi.
Volkswagen đang “đẩy” Bugatti ra khỏi vị thế vốn có của mình để tích hợp thương hiệu vào một liên doanh mang tên Bugatti Rimac, hợp tác với nhà sản xuất xe điện Rimac của Croatia. Từ đó, quyền nắm giữ Bugatti sẽ chuyển từ Volkswagen sang cho Porsche, công ty hiện có 45% cổ phần trong liên doanh, với Rimac là đối tác chính. Mate Rimac, siêu sao xe điện thể thao tiên phong đến từ Croatia, sẽ đảm nhận vai trò CEO tại Bugatti.
Quyết định tách Bugatti khỏi Volkswagen có thể liên quan đến thông báo gần đây của công ty về việc sẽ “rời xa” các loại xe động cơ đốt trong ở châu Âu vào năm 2035.
Và không ai có vị trí tốt hơn Rimac để dẫn dắt Bugatti vào tương lai điện khí hóa. Bởi vì một chiếc Bugatti điện không thể chỉ là một chiếc xe điện khác trên thị trường, mà phải khác biệt như nó đã làm được trong thế giới động cơ đốt trong: chính là tốc độ.
Đó không phải nhiệm vụ dễ dàng, khi chiếc Tesla Model S Plaid mới giá 130.000 USD có thể tăng tốc từ 0 lên 60 dặm/giờ (96km/h) chỉ trong vòng chưa tới 2 giây, “xé” toang những con số của Bugatti. Và vì câu chuyện của Bugatti là mang đến tốc độ nhanh nhất thế giới trong thiết kế ngoạn mục, thì một chiếc Bugatti điện sẽ cần phải đặt ra những tiêu chuẩn mới.
Sự “ra đời” của Bugatti “mới” tượng trưng cho sự kết thúc của kỷ nguyên ô tô chạy xăng, loại ô tô dường như đã chạm đến đỉnh của không gian phát triển và sẽ bị cấm ở nhiều nước trên thế giới vào đầu những năm 2030. Khi ấy, khách hàng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, mong đợi sự bền vững trên tất cả phân khúc hạng sang, thì động cơ đốt trong có thể xả hết bình trong khoảng 12 phút ở tốc độ tối đa và tiêu thụ hơn 30 lít nhiên liệu/100km khi lái xe trong nội thành đã không còn tương lai, đặc biệt là khi điện khí hóa cho phép hiệu suất cao hơn với chi phí môi trường thấp hơn.
Sẽ rất thú vị khi được chứng kiến một Bugatti điện trong tương lai là như thế nào. Hiện tại, điều quan trọng là phải xác định các yếu tố tài sản trong thương hiệu sang trọng mới ngoài xy-lanh, âm thanh và tốc độ tối đa. Và điều tối quan trọng nhất là phải chống lại sự hạ nhiệt của một thương hiệu “triều đại cũ” bằng một chiếc “Chiron thời đại mới”. Đó không phải nhiệm vụ dễ dàng nhưng cần phải được thực hiện để kéo dài vinh quang của kỷ nguyên đốt trong Bugatti vào những năm 2030 và lâu hơn nữa.