Hãng xe Thụy Điển đang thỏa thuận mua lại cổ phần của hãng mẹ Geely trong liên doanh ở Trung Quốc, khả năng IPO để thu hút đầu tư.
Hồi đầu năm, Geely từng nói đang cân nhắc lựa chọn của Volvo, gồm việc IPO và niêm yết cổ phiếu. Trong tháng 2, chi nhánh con của Geely là Geely Automobile và Volvo đã gạt đi kế hoạch sáp nhập – thứ từng gây ra cuộc tranh luận ở Thụy Điển.
Hampus Engellau, nhà phân tích ở Handelsbanken Capital Markets nói rằng việc giành toàn bộ sự kiểm soát từ liên doanh ở Trung Quốc có thể giúp Volvo tiến tới IPO một cách suôn sẻ.
“Cấu trúc sở hữu càng rõ ràng, và các cổ đông càng minh bạch thì càng dễ cho các nhà đầu tư khi họ cân nhắc rót tiền vào”, Engellau nói.
Các nhà phân tích dự đoán những hãng xe nước ngoài khác cũng sẽ có những thỏa thuận tương tự ở Trung Quốc – thị trường ôtô lớn nhất thế giới – khi quy định về việc các hãng xe nước ngoài phải liên doanh với một đối tác bản địa sẽ chấm dứt vào năm sau.
Những quy định tương tự đối với các hãng xe điện cũng đã được xóa bỏ, cho phép Tesla sản xuất và tự bán xe tại Trung Quốc. Volkswagen cũng tự kiểm soát hoạt động trong chi nhánh xe điện của hãng tại Hợp Phì, tỉnh An Huy.
Thỏa thuận của Volvo – vẫn chưa được nêu rõ về mặt tài chính – sẽ giúp họ sở hữu toàn bộ các nhà máy sản xuất ở Thành Đô và Đại Khánh, cũng như các công ty bán hàng và cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Thượng Hải.
Volvo đã bán được hơn 166.000 xe tại Trung Quốc trong 2020, và các đại lý đang đưa ra những chương trình giảm giá sâu nhằm cạnh tranh với những thương hiệu cao cấp khác như BMW và Audi.
Volvo cho biết việc chuyển giao có thể qua hai bước, bắt đầu trong năm 2022 và hoàn thiện trong 2023. “Hai bước này sẽ tạo ra một kết cấu sở hữu rõ ràng hơn cho cả Volvo và Geely”, Daniel Li, giám đốc điều hành Geely nói trong một thông báo, nhưng không đề cập tới khả năng IPO.
Hakan Samuelsson, giám đốc điều hành Volvo phát biểu hồi tháng 6, rằng hãng xe Thụy Điển đang tiến tới khả năng IPO vào cuối 2021, và rằng họ có thể vẫn chia sẻ nền tảng và linh kiện với Geely, với việc giữ khoảng cách như cách mà các công ty độc lập vẫn hoạt động.
Năm 1999, hãng Ford chi 6,45 tỷ USD mua lại Volvo. Đến 2010, khi Ford rơi vào khủng hoảng, CEO Alan Mullaly (chuyển sang từ Boeing) bắt đầu bán một loạt các thương hiệu sở hữu để có thêm tiền. Lần lượt Jaguar, Land Rover, Aston Martin, Volvo bị chuyển nhượng cho chủ mới.
Geely mua lại Volvo với giá 1,8 tỷ USD, khi ấy là thương vụ đắt nhất mà một hãng xe Trung Quốc từng mua ở nước ngoài. Nhưng thực tế, số tiền ấy được coi là món hời so với số tiền gấp 3 lần mà Ford đã chi.
Hơn 10 năm trôi qua, ở nhà máy, bảo tàng, trung tâm trải nghiệm đến các showroom của Volvo, vẫn không có chỉ dấu nào cho thấy đây là hãng xe thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Li Shufu, ông chủ của Geely, từ khi mua Volvo đã nói, “tôi muốn đây là một hãng xe sang độc lập, chúng tôi không có ý định phá huỷ thương hiệu này”.
VNE