“Uber cho người say rượu” ăn nên làm ra
Hiện nay, dịch vụ đưa người say về nhà nở rộ tại nhiều nước trên thế giới. Nổi bật nhất phải nhắc tới Hàn Quốc. Trang Koreaexpose nhận định, dịch vụ “lái xe thuê” cho người uống rượu ở Hàn Quốc được ví như “Uber” cho người say.
Dịch vụ này hoạt động thông qua ứng dụng trên điện thoại. Người dùng đăng nhập ứng dụng, đặt yêu cầu và trung tâm điều phối sẽ cử lái xe tới phục vụ. Người lái xe thuê sẽ tới địa điểm có xe của khách và lái xe tới địa điểm được yêu cầu, rồi nhận phí.
Dịch vụ lái xe thuê thường có giá cao hơn taxi nhưng lại tiết kiệm chi phí đỗ xe qua đêm và giảm sự bất tiện cho khách hàng khi không phải quay lại lấy xe vào ngày hôm sau.
Bắt đầu phát triển ở Hàn Quốc vào cuối những năm 1990, dịch vụ này nhắm vào các doanh nhân muốn về nhà bằng chính xe của họ sau khi uống rượu. Trong thập kỷ qua, dịch vụ này là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của Hàn Quốc, tương ứng với tốc độ tiêu thụ rượu ngày càng tăng.
Hiệp hội lái xe dịch vụ Hàn Quốc cho biết, ước tính có hơn 5.500 công ty đăng ký trên cả nước và hàng ngàn công ty chưa đăng ký, sử dụng tới 120.000 tài xế thay thế. Với khoảng 20km, khách phải trả 15.000 won (tương đương 300.000 đồng) cho tài xế. Ước tính, mỗi tháng, người làm nghề lái xe thuê ở Hàn Quốc thu nhập khoảng 2 triệu won (tương đương 40 triệu đồng).
Lái xe cho người uống rượu bia – nghề dịch vụ nở rộ tại Trung Quốc
Không chỉ tại Hàn Quốc, vài năm trở lại đây, dịch vụ cho thuê lái xe dành cho những người đã sử dụng rượu bia nở rộ tại Trung Quốc, từ đó hình thành một ngành nghề mới được khá nhiều người lựa chọn, với số lượng lên tới hàng triệu tài xế chuyên nghiệp đang ngày đêm làm công việc này.
Ở Trung Quốc, “lái xe không uống rượu, uống rượu không lái xe” là một yêu cầu bất di bất dịch với các lái xe, bởi vì chỉ cần kiểm tra phát hiện trong hơi thở có nồng độ cồn, sẽ đối mặt với các hình phạt như tịch thu bằng lái, cấm lái xe có thời hạn, thậm chí xử lý hình sự. Do vậy, khi đã sử dụng rượu bia, người ta sẽ chủ động tìm các tài xế chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ đưa người đã uống rượu bia về địa điểm theo yêu cầu thông qua các ứng dụng phổ biến tích hợp cùng các chức năng taxi công nghệ.
Tại các nhà hàng, khách sạn ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, không khó để bắt gặp những người cung cấp dịch vụ lái xe thuê như vậy. Họ mặc đồng phục dễ nhận biết, tay cầm một chiếc điện thoại thông minh để sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, và thường mang theo một chiếc xe đạp điện gọn nhẹ có thể gấp đặt vào cốp ô-tô, để tiện di chuyển sau khi đã đưa khách hàng về địa điểm theo yêu cầu.
Tuy điều kiện làm việc tương đối khắc nghiệt, chủ yếu về ban đêm và phải tiếp xúc với các khách hàng đã có hơi men, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song vẫn có hàng triệu người Trung Quốc lựa chọn đây là công việc chính của mình. Theo thống kê, thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi lái xe làm công việc này khoảng 7.000 nhân dân tệ (khoảng gần 24 triệu đồng), ở các thành phố lớn có thể đạt tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34 triệu đồng), mức khá cao so với thu nhập bình quân của người dân địa phương.
Theo tính toán của giới nghiên cứu, dịch vụ cho thuê lái xe dành cho người đã sử dụng rượu bia ở Trung Quốc, đã góp phần giảm khoảng 3,5 triệu vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia, giúp khoảng 83.000 người không phải chịu xử lý hình sự, giảm khoảng 46,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,8 tỷ USD) thiệt hại về kinh tế.
Cùng với việc giảm thiểu rủi ro do hành vi lái xe sau sử dụng rượu bia, cơ quan chức năng cũng giảm bớt gánh nặng về thời gian và kinh phí trong quản lý hành chính và tuần tra, kiểm soát giao thông.
Dịch vụ “chở người say” phát triển ở Việt Nam
Còn tại Việt Nam, dịch vụ lái xe hộ người say từ lâu được nhiều đơn vị để mắt đến. Nhưng mô hình này chưa được đầu tư nghiêm túc vì nhiều lý do. Trong đó, thói quen tự lái xe khi say của người Việt được xem là nguyên nhân chính. Nhưng giờ đây,khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, quy định mức xử phạt nặng đối với hành vi lái xe mà có nồng độ cồn có hiệu lực, dịch vụ lái xe cho người say ở Việt Nam đã phát triển mạnh.
Theo đó, lượng khách đến các nhà hàng, quán nhậu không sử dụng xe cá nhân tăng lên rõ rệt. Nhiều người dân đã sử dụng xe công nghệ, taxi truyền thống để đến các cuộc gặp mặt, liên hoan, tiệc tùng.
Đại diện một số hãng taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe công nghệ cho biết, nhu cầu gọi xe của người dân đang tăng mạnh kể từ ngày 1/1. Tần suất gọi xe có vị trí là các nhà hàng, quán nhậu, quán bar, karaoke tăng đột biến. Một số nhà hàng lớn có mật độ gọi xe đạt 30 – 40 cuốc xe/buổi.
Đặc biệt, nhiều đơn vị tại Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ lái xe cho người say. Chi phí cho một lần đưa tài xế cùng ô tô về nhà dao động từ 300.000-500.000 đồng, còn với xe máy là 300.000 đồng đưa tài xế về.
Tuy nhiên, những người làm tài xế cho dịch vụ lái thuê cho người say cũng gặp không ít tình huống bi hài như khách nôn mửa trên xe, chửi bới, hay thậm chí là gây gổ với tài xế vì tưởng là…cướp xe.
Do những hình thức như thế này mới mọc lên nên còn chưa có quy định quản lý và giám sát. GS.TS. Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học GTVT Hà Nội nhận định trên VOV Giao thông: Dịch vụ đưa người đã uống rượu bia về nhà là nhu cầu tất yếu, đòi hỏi phải chuẩn hóa là đúng đắn. Đưa người say về nhà có đặc thù rất riêng, vì vậy, phải có độ tin cậy cao, đảm bảo chất lượng. Cần xây dựng tiêu chuẩn cho ô tô và xe máy. Vấn đề lý lịch, độ tin cậy của lái xe thế nào cũng cần đặt ra. Ngoài ra, cần phải có khung giá rõ ràng và được kiểm soát chặt chẽ, công khai tại nhà hàng, quán nhậu, tránh tình trạng bắt chẹt khách, tranh chấp phát sinh.