Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy tháng 9 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 12.670 ôtô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch đạt 255,8 triệu USD. Tính bình quân, mỗi xe có giá khai báo tại cảng khoảng 20.190 USD (tương đương 464 triệu đồng).
Lũy kế từ đầu năm, cả nước nhập khẩu 66.465 ôtô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch 1,47 tỷ USD, giảm 37,2% về lượng và giảm 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Thái Lan và Indonesia tiếp tục là hai thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất của Việt Nam. Trong tháng 9, cả nước nhập khẩu 6.523 ôtô nguyên chiếc từ Thái Lan với tổng kim ngạch 131,8 triệu USD. Qua đó, nâng kết quả nhập khẩu từ thị trường này hết tháng 9 đạt 31.210 xe, tổng kim ngạch 638,2 triệu USD.
Với thị trường Indonesia, sản lượng nhập khẩu trong tháng 9 là 4.574 xe, tổng kim ngạch 55,4 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, sản lượng xe nhập từ thị trường này là 24.820 xe, tổng kim ngạch 309,6 triệu USD.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) mới đây chỉ ra doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 9 đạt 27.252 xe. Sản lượng bán ra của xe lắp ráp trong nước đạt 17.826 chiếc, tăng 28% so với tháng trước; của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.426 xe, tăng 41%.
Lũy kế từ đầu năm, tổng doanh số bán xe của toàn thị trường đạt 172.537 chiếc, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 17%, xe nhập khẩu giảm 33%.
Đáng chú ý, trị giá ô tô nhập khẩu bình quân từ Indonesia trong tháng 9 chỉ rơi vào khoảng 12.120 USD/xe, tương đương khoảng 280 triệu đồng (chưa tính thuế).
Trong khi đó, xe nhập từ Thái Lan trong tháng 9 có trị giá bình quân 20.200 USD/xe, tương đương khoảng 460 triệu đồng (chưa tính thuế).
Ngoài 2 thị trường lớn kể trên, hết tháng 9 còn một số quốc gia có sản lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt từ 1.000 xe trở lên gồm Trung Quốc (4.248 xe), Nhật Bản (1.578 xe), Mỹ (1.028 xe).
Theo tiền lệ các năm, lượng xe nhập khẩu vào thị trường trong các tháng tới dự kiến sẽ tăng do thời điểm cuối năm nhu cầu mua sắm thường cao hơn. Tuy nhiên, theo nhận định trong năm nay, lượng xe nhập khẩu sẽ không có biến động lớn. Nguyên nhân là do nhu cầu mua sắm năm nay giảm do vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều mẫu xe ăn khách hiện nay đã được lắp ráp trong nước như Honda CR-V, Toyota Fortuner, Mitsubishi Xpander… nên sẽ ổn định được nguồn cung cũng như giá bán vào các tháng cuối năm.
Người tiêu dùng Việt thường có tâm lý chung là xe nhập khẩu có chất lượng tốt hơn so với xe lắp ráp trong nước. Đây không hẳn chỉ là do tâm lý sính ngoại mà thực chất, xe nhập khẩu rõ ràng có những ưu điểm nổi trội hơn.
Chất lượng tốt do được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, thợ tay nghề cao, tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, toàn bộ quy trình lắp ráp đều được thực hiện bằng robot, đảm bảo độ chính xác cao hơn. Để được xuất xưởng, xe phải đáp ứng tiêu chuẩn cao, khắt khe hơn.
Ngoài ra, xe nhập khẩu có nhiều trang bị tiện nghi và an toàn hơn. Không chỉ vậy, các tính năng an toàn hơn, được chứng nhận và kiểm định chất lượng nên đảm bảo mang lại trải nghiệm thú vị hơn, thuận tiện và an toàn hơn cho người lái lẫn hành khách. Xe nhập cũng thường được đánh giá cao hơn về cảm giác lái và khả năng cách âm.
Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm đã kể trên, xe nhập khẩu cũng có một số nhược điểm như cùng một phiên bản, thương hiệu nhưng xe nhập khẩu có giá cao hơn so với xe lắp ráp do phải chịu thuế xuất nhập khẩu.
Một số dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là các dòng xe hạng sang có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bảo hành, bảo dưỡng do mạng lưới các trung tâm bảo hành chưa được phủ rộng, việc tìm mua linh kiện thay thế cũng không được thuận tiện bằng.