“Huyền thoại” Aston Martin: Chặng đường nhiều thăng thầm của biểu tượng xe sang Anh quốc

Có người từng ví von hành trình phát triển của Aston Martin là sự tổng hòa của mọi thứ trên đời trừ… sự suôn sẻ. Trải qua hơn 100 năm tồn tại với nhiều biến cố và vô số lần đổi chủ, giờ đây hãng xe sang Anh Quốc vẫn

Hơn nửa thế kỷ trước, chiếc Aston Martin DB5 lần đầu xuất hiện bên cạnh chàng điệp viên hào hoa 007 trong tập phim “Goldfinger – Ngón tay vàng” (1964) – bom tấn thứ 3 thuộc series kinh điển về James Bond và ngay lập tức trở thành hiện tượng thời bấy giờ chỉ sau một đêm công chiếu.

Chiếc Aston Martin DB5 màu bạc hoàn hảo được bọc thép, trang bị đầy đủ những công nghệ hiện đại nhất thời bấy giờ từ súng máy, biển số lộn ngược “huyền thoại”, bệ phóng ghế ra ngoài… trong phần phim Goldfinger 1964 từ đó đến nay đã trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất lịch sử điện ảnh thế giới. Aston Martin từ đó trở thành một cái tên quen thuộc và đẳng cấp khiến mỗi tín đồ của những mẫu xe thể thao đều có mong muốn sở hữu cho mình một chiếc xe của thương hiệu xe sang Anh quốc. Đây chính là bước đệm giúp “đôi cánh”- biểu tượng logo của hãng – bắt đầu bay cao.

James Bond bên chiếc Aston Martin DB5 huyền thoại.

Tồn tại hơn 100 năm nhưng trên thế giới chỉ có cả thảy hơn 57.000 chiếc Aston Martin lăn bánh. Điều khiến thương hiệu xe sang Anh Quốc được yêu thích vốn không nằm ở số lượng xe xuất xưởng hay độ tiêu thụ rộng rãi. Aston Martin chỉ sản xuất những chiếc siêu xe thể thao đắt đỏ và sang trọng với số lượng giới hạn, kết hợp nhiều chi tiết mang tính thủ công cao trong khâu chế tác. Bởi vậy mỗi chiếc ô tô hãng làm ra dường như trở thành một độc bản, cùng chủng loại nhưng lại khác nhau, cùng đẳng cấp mà lại riêng biệt.

Cá tính và đầy kiêu hãnh, sang chảnh như chính những chiếc xe mà hãng đã chế tạo ra, nhưng ít ai biết được biểu tượng xe sang Anh quốc từng trải qua một hành trình nhiều thăng trầm với vô số lần đổi chủ trước khi trở thành một biểu tượng trong lòng giới mộ điệu như ngày nay.

Không giống với các thương hiệu khác, Aston Martin luôn duy trì được danh tiếng của mình, bất chấp nhiều lần cận kề bờ vực phá sản. Lựa chọn trung thành với những giá trị cốt lõi như: các khối động cơ hút khí tự nhiên danh tiếng hay vẻ ngoài thanh lịch cổ điển kiểu Anh quốc,… một mặt giúp Aston Martin trở thành một trong những hãng xe cá tính bậc nhất thế giới với bản sắc không thể trộn lẫn nhưng mặt khác, cũng khiến hãng xe Anh Quốc không ít lần chật vật trước những yêu cầu về lợi nhuận, tiêu chuẩn khí thải cho động cơ hút khí tự nhiên hay sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ luôn biến hóa không ngừng. “Đôi cánh” biểu tượng của Aston Martin nhiều lúc đã lao đao giữa những thay đổi không ngừng của thời cuộc.

Số phận ba chìm bảy nổi 

Có ai đó từng ví von hành trình phát triển của Aston Martin là sự tổng hòa của mọi thứ trên đời trừ… sự suôn sẻ. Những lần phá sản hay đổi chủ trong suốt lịch sử hãng xe, khoảng thời gian chật vật vào giai đoạn tài chính khó khăn đã trở thành điều…quen thuộc như cơm bữa với hãng xe Anh Quốc.

Câu chuyện về Aston Martin bắt đầu vào năm 1913, khi hai người bạn thân Lionel Martin và Robert Bamford quyết định công việc kinh doanh đầu tay bằng cách bán những chiếc ô tô. Với quy mô nhỏ lẻ khi ấy, họ chỉ có thể làm đại lý cho mỗi hãng chế tạo ô tô Singer…. Không chỉ có xuất phải điểm là những thợ máy giỏi, cả hai còn là những tay đua cừ khôi đã tham gia nhiều giải đấu khắp nước Anh trên những chiếc Singer. Cũng chính bởi vậy, hai thanh niên trẻ biết được tường tận điểm mạnh, điểm yếu của những chiếc Singer cũng như nắm rõ xe ô tô đua cần có điều gì. Từ đó, với niềm đam mê của mình, hai người đã bắt tay vào chế tạo xe đua riêng từ năm 1904.

Hai nhà sáng lập của Aston Martin.

Cái tên Aston Martin ra đời trong một lần Lionel Martin tham dự cuộc đua xe leo đồi Aston tại Buckinghamshire, một vùng phụ cận London và dành chiến thắng. Sau thành công ấy, cả hai người đã quyết tâm làm ra một chiếc xe đua cho riêng mình. Chiếc xe Aston Martin đầu tiên ra đời năm 1905 là quả ngọt đầu mùa sau nhiều nỗ lực phi thường của họ. Chiếc xe được chế tạo bằng cách kết hợp động cơ 4 xy-lanh Coventry-Simplex vào khung gầm của chiếc Isotta-Fraschini đời 1908.

Ra đời ngay khi Thế chiến thứ nhất vừa nổ ra nên sự phát triển của Aston Martin trong giai đoạn đầu khá chật vật. Mất 5 năm sau ngày chiếc xe đầu tiên ra đời Aston Martin mới có thêm loại xe thứ hai. Sau khi chiến tranh kết thúc, bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người ta không mấy mặn mà với những chiếc xe bốn bánh. Không bán được xe nên cả hai cũng không có tiền để tiếp tục phát triển công ty, gian nan chồng chất khiến Robert Bamford quyết định từ bỏ để lại một mình người bạn Lionel Martin chèo lái con thuyền Aston Martin mà cả hai đã cùng nhau tạo dựng.

Với sự ra đi của Bamford, công ty nhanh chóng rơi vào phá sản nhưng rồi sau đó Bá tước Louis Zborowski, một phi công, tay đua kiêm doanh nhân gốc Ba Lan, vốn là con trai một triệu phú đã quyết định tham gia góp vốn cùng Lionel Martin. Sự xuất hiện kịp thời của Zborowski như một “cứu cánh” đã giúp “bơm” thêm nguồn tài chính cần thiết để công ty có thể tiếp tục tồn tại. 

Từ đây, mẫu xe với cái tên trìu mến thỏ con “Bunny” của hãng trình làng năm 1922, lập hàng loạt  kỷ lục tốc độ và độ bền tại đường đua Brooklands, Anh. Trong đó có một kỷ lục thế giới cho thành tích chạy suốt trong hơn 16 giờ với tốc độ trung bình hơn 124 km/h. Trong giai đoạn này, Aston Martin tiếp tục sản xuất những chiếc xe dành riêng cho đường đua, tập trung vào tốc độ hơn là sự sang trọng. 

Khi bắt đầu có được những thành tựu đầu tiên và đang dần đi vào ổn định, cuộc đời tiếp tục mang đến biến cố mới cho Aston Martin. Zborowski bất ngờ qua đời trên một chiếc Mercedes khi tham gia giải đua Italian Grand Prix 1924. Thương hiệu xe sang nước Anh một lần nữa rơi vào cảnh chật vật. Một năm sau, những khó khăn về tài chính đẩy công ty ngấp nghé bờ vực phá sản, Lionel Martin đành phải bán lại Aston Martin cho Huân tước Charnwood. Không lâu sau, chính ông bị sa thải khỏi công ty sau một vụ lùm xùm nội bộ. Vậy là, gây dựng nên thương hiệu, nhưng cả Martin lẫn Bamford đều gần như không có được gì khi Aston Martin trở nên nổi tiếng. Trớ trêu hơn, Lionel Martin qua đời trong một tai nạn giao thông vào năm 1945, hai mươi năm sau khi ông đứt ruột từ bỏ cái tên gắn liền với đam mê của mình. 

Dưới tay huân tước Charnwood, công ty đổi tên thành Aston Martin Motors Ltd. Trong giai đoạn này, Aston Martin có được bước tiến mang tính chất đột phá vào năm 1927 với hàng loạt chủng loại xe mới và những thành tích ở nhiều cuộc đua xe ô tô khác nhau trên thế giới.

Hãng xe Anh thêm một lần phá sản vào 1932 và được bán về tay nhà từ thiện, chủ tàu Sir Arthur Sutherland. Hai thay đổi lớn nhất ở thời kỳ chủ sở hữu này là việc Aston Martin chế tạo loại xe có công suất lớn hơn và chuyển dần từ xe đua sang xe dân dụng thông thường.

Augusto César Bertelli, phi công, kỹ sư người Italy và các cộng sự người Anh sau đó được mời về dẫn dắt Aston Martin, chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật. Năm 1939, nguyên mẫu chiếc Atom trình làng. Đây là chiếc xe đầu tiên của Aston Martin trang bị hệ thống treo độc lập phía trước và hộp số Cotal Electric. Nhưng rồi, vận may một lần nữa quay lưng với hãng xe Anh Quốc khi kế hoạch sản xuất Atom bị đình lại bởi chiến tranh thế giới lần hai nổ ra năm 1939. Sau Thế chiến II, công ty lại gặp khó khăn tài chính đến nỗi gia đình Sutherland phải bán lại cho Tập đoàn David Brown với giá vỏn vẹn 20.000 Bảng Anh. Chủ nhân mới David Brown vốn là một ông chủ làm giàu từ việc sản xuất máy kéo và các máy nông nghiệp khác.

David Brown.

David Brown tiếp quản đã mở ra giai đoạn “vàng” với sự phát triển rực rỡ của Aston Martin. Năm 1950, chiếc DB2 (DB là viết tắt của David Brown) ra mắt và lập tức thành công, trên cả các đường đua cũng như trên thị trường. David Brown còn mua luôn cả thương hiệu Lagonda. Kết hợp thiết kế mẫu mã của Aston Martin với động cơ xe của Lagonda, David Brown làm ra được một vài chủng loại xe mới có thể ganh đua ngang ngửa với nhiều thương hiệu ô tô khác. Những thành tích mà xe Aston Martin giành được trong các cuộc đua xe từ năm 1957 đến năm 1959 đã giúp Aston Martin củng cố vị thế vững chắc của hãng trong ngành công nghiệp ô tô.

Năm 1958, “tuyệt tác” DB4 được trình làng. Được khích lệ bởi các thành công trên, David Brown quyết định chế tạo thêm nhiều mẫu xe tham gia giải vô địch đua xe thể thao thế giới. Aston giành chiến thắng tại giải này năm 1959 với DBR1, đồng thời về nhất luôn tại giải đua Le Mans trong cùng năm .Dòng DB danh tiếng, viết tắt cho tên ông, bắt đầu được sử dụng và tạo nên giai đoạn hoàng kim bậc nhất của Aston Martin, cả trên phim ảnh khi góp mặt trong siêu phẩm huyền thoại Điệp viên 007 lẫn trên đường đua.

Aston Martin DBR1.

Nhưng hành trình khổ tận cam lai của hãng vẫn chưa dừng lại. Vấn đề to lớn nhất trong lịch sử phát triển của Aston Martin luôn luôn là.. tiền. Tài chính thiếu hụt khiến hãng xe Anh Quốc trong giai đoạn này chỉ có thể duy trì được danh tiếng chứ không thể phát triển mạnh hơn. Đầu năm 1973, một lần nữa Aston Martin bị sang tay bán cho tập đoàn Company Development của một số thương gia ở Birmingham. Thua lỗ lớn khiến Aston Martin bị đặt dưới sự quản lý bắt buộc của chính quyền để tránh bị phá sản từ 12/1974 và mãi đến năm sau mới thoát hiểm khi về tay một thương gia người Mỹ và một chủ khách sạn người Canada.

Sau hai lần chuyển đổi chủ sở hữu vào năm 1984 và 1985, từ đầu năm 1986, thương hiệu này thuộc về Tập đoàn Ford, tiếp nối một giai đoạn với hàng loạt mẫu xe biểu tượng cho vẻ đẹp thanh lịch kiểu Anh như DBS, Vantage, DB9 Volante.Từ đó cho tới khi Ford bán đi 85% cổ phần thương hiệu này cho Tập đoàn Prodrive – thuộc quyền sở hữu của một nhóm cổ đông các công ty Anh, Mỹ, Kuwait. Từ đây, Aston Martin quay trở về là một hãng xe độc lập. 

Vẻ đẹp nguyên bản

Triết lý của Lionel Martin: “một mẫu xe tốt là một mẫu xe phải vừa đẹp vừa thể thao” gần như được hãng xe sang Anh quốc giữ gìn xuyên suốt qua thời gian kể từ khi Aston Martin thành lập vào năm 1913. Không theo đuổi thiên hướng thể thao cực đoan cũng không quá sa đà vào phong cách đậm chất quý tộc, thay vào đó Aston Martin chọn cách dung hòa cả hai đồng thời đề cao nét thanh lịch kiểu Anh trong thiết kế. Triết lý ấy tạo cho thương hiệu Aston Martin một sức hút khó cưỡng đồng thời giúp hãng xe sang Anh Quốc tồn tại qua nhiều biến động của thời cuộc. Việc vẫn giữ vững được giá trị cốt lõi dẫu đã trải qua bao lần đổi chủ là một thành công không thể không nhắc đến của thương hiệu xe sang Anh Quốc.

Aston Martin DBX – SUV đầu tay của thương hiệu xe sang nước Anh.

Nhìn lại lịch sử của thương hiệu, nhiều người cho rằng chính những thăng trầm, mà thật ra thì thăng ít trầm nhiều cùng sự trỗi dậy bền bỉ đến tuyệt vời của Aston Martin qua mọi biến cố đã giúp thương hiệu này chiếm được thiện cảm của người dùng. Có người cho rằng nhờ xuất hiện trong loạt phim hành động giả tưởng “James Bond – Điệp viên 007” mà Aston Martin nổi tiếng và được hâm mộ đến vậy… Nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng thành công Aston Martin xuất phát từ việc hãng xe luôn nỗ lực thổi hồn vào những chiếc ô tô vốn chỉ bao gồm có máy móc thiết bị hay linh kiện, làm cho chiếc xe không phải là vật dụng hay phương tiện đi lại thuần tuý, mà còn là một người bạn đồng hành tri kỷ.

Khi áp lực doanh số, lợi nhuận, xu hướng của thị trường trong thời đại này khiến các hãng xe sang hào hứng tham gia vào cuộc đua SUV, chiếc DBX của Aston Martin ra đời là chiến lược cần thiết cho sự phát triển của hãng. Nhưng thay vì ra mắt với những màn off-road hoành tráng, rình rang, mẫu SUV hạng sang đầu tiên của hãng xuất hiện với một chất riêng rất khác, hội tụ đầy đủ phong cách của Aston Martin. “vẻ đẹp nguyên bản” đầy chất khỏe khoắn, thể thao nhưng không kém phần lịch lãm vẫn luôn là điều chưa từng mất đi trong suốt hơn 100 năm phát triển và duy trì.

Bình luận