BMW vướng nghi án thao túng số liệu nhằm vượt mặt đối thủ

Nối gót Fiat Chrysler Automobiles, BMW hiện đang bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (S.E.C) điều tra về việc tăng khống lượng xe hãng đã bán ra. Nếu phát hiện có gian lận trong các báo cáo doanh số

Theo thông tin được đăng tải trên tờ The Wall Street Journal, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (S.E.C) vừa mở một cuộc điều tra để xác nhận liệu nhà sản xuất xe hơi hạng sang của Đức – BMW AG có thao túng số liệu bán hàng trong các báo cáo doanh số của hãng hay không. Xoay quanh tin tức này, phía BMW đã chính thức lên tiếng thừa nhận việc hãng đang bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ S.E.C. “sờ gáy”, nhưng từ chối không đề cập chi tiết về vụ điều tra với báo giới.

Cụ thể, thủ thuật tài chính mà S.E.C cho rằng BMW đã áp dụng để thổi phồng doanh số (sale punching) là yêu cầu các đại lý tăng khống lượng xe bán mới cho khách hàng dù thực tế những chiếc xe này vẫn nằm trong kho. Sau đó, số xe trên sẽ được đại lý đăng ký dưới dạng xe cho thuê (thường là ngắn hạn) và bán ra dưới dạng xe cũ với số công tơ mét trên đồng hồ không đáng là bao và thời gian sử dụng rất ngắn, mức giá đương nhiên sẽ rẻ hơn.

Trên thực tế, khai tăng doanh số vốn không phải là chuyện hiếm gặp trong ngành công nghiệp ôtô. Phương thức này thường được thực hiện theo yêu cầu của chính các nhà sản xuất, áp dụng khi các hãng muốn tăng doanh số ảo trong các báo cáo nhằm giữ biểu đồ tăng trưởng đều đặn hoặc để vượt mặt đối thủ về số xe bán được trên mặt hình thức. Những con số đẹp đẽ đương nhiên sẽ dễ dàng thu hút các nhà đầu tư và tạo hình ảnh thương hiệu tốt hơn. Đổi lại, hình thức tăng khống doanh số này lại mang tới rất ít lợi nhuận mà trong đó các đại lý sẽ là đơn vị chịu thiệt thòi nhiều nhất bởi số xe họ được phân phối vốn có hạn lại buộc phải bán rẻ lại xe mới dưới hình thức xe cũ để chạy doanh số cho hãng. BMW bị cho là đã tiến hành khai man theo cách này không ít lần trong vài năm trở lại đây và từng khiến các đại lý nổi giận.

Trước đây, BMW từng tuyên bố rằng, họ đã không còn tăng khống doanh số. Tuy nhiên, các quan chức của S.E.C. nghi ngờ hãng xe Đức đã có những động thái không trung thực trong thời gian qua. Gần đây nhất, hãng từng báo cáo doanh số hơn 25.000 xe bán tại Mỹ trong tháng 10, và gần 3.000 xe dưới thương hiệu con Mini. Những số liệu này sẽ được S.E.C điều tra và xem xét cẩn thận.

Ngay trước BMW, liên doanh Fiat Chrysler Automobiles (FCA) cũng đã bị S.E.C phát hiện khai man và phải nhận án phạt lên tới 40 triệu USD vì vi phạm các điều khoản chống gian lận, cũng như các điều khoản về báo cáo và lưu trữ sổ sách. 

Cụ thể, theo điều tra của S.E.C, hãng xe Italia đã trả cho các đại lý một khoản để gửi song song 2 bản báo cáo doanh số “thực” và doanh số “ảo” (tính cả xe mới bán dưới dạng xe cũ như đã nói ở trên), sau đó sử dụng báo cáo doanh số thứ 2. Bản số liệu doanh số ảo của Fiat Chrysler từng được ví von như một “hũ kẹo ngọt” của hãng và rủi thay S.E.C Mỹ đã thò tay vào “lọ kẹo” ấy để bóc trần doanh số thật sự trong các báo cáo. FCA quyết định dàn xếp êm thấm mà không thừa nhận cũng như phủ nhận trước báo giới. Hãng đã nộp 40 triệu USD cho S.E.C. vào tháng 9 vừa qua. Quay lại vụ việc của BMW, S.E.C. tuyên bố sẽ không ngần ngại đưa ra mức phạt thậm chí còn nặng hơn nếu phát hiện bằng chứng cho thấy thương hiệu Đức từng thực hiện hành động tương tự.

Bình luận