Những ‘gã điên’ người Việt chế tạo xe điện

Từ chỗ chẳng mấy quan tâm đến ủng hộ hết mình, phe tóc dài phục vụ cơm nước, lo cho 5 ông chồng “mê xe hơn mê vợ”.

Có những đêm đồng hồ đã điểm 2 giờ sáng, tiếng cưa, đục, hàn, tiện chưa thôi ngừng bên trong một xưởng cơ khí ở Đạ Rsal, Đam Rông, Lâm Đồng. 5 gã đàn ông với tuổi đời toàn đầu 4, vẫn hì hục bên chiếc xe máy điện handmade đầu tiên của nhóm. Cách đó vài trăm mét, vợ con họ đang say giấc.

Hội quân và những cuộc cãi vã

Không ai trong số 5 người đàn ông trung niên có kinh nghiệm chế tạo xe, đây là lần đầu tiên họ làm chuyện ấy. Nhưng dù là tay ngang, vẫn cần có một thủ lĩnh đứng ra dẫn dắt.

Đào Thanh Hà, một kiến trúc sư sống tại Sài Gòn, là người tạo ra bản vẽ kỹ thuật và đặt những viên gạch đầu tiên cho chiếc xe máy điện chế tạo thủ công. “Ấp ủ nhiều năm trước, nhưng mãi đến 2020 việc thực hiện chiếc xe mới được khởi động”, anh nói. “Nhóm 5 người, mỗi người có chuyên môn khác nhau, góp những cái nhỏ thì thành cái lớn”.

Mẫu xe máy chạy điện bản hoàn thiện của nhóm thợ Việt.

Những ngày đầu tháng 6, khi cả nước trải qua những giây phút sống chậm vì dịch Covid-19, anh Hà cùng Bảo Kỳ (39 tuổi), thành viên trẻ nhất nhóm, kéo cả gia đình lên xưởng người thân ở Lâm Đồng. Ý tưởng thiết kế, chế tạo đã trao đổi từ trước và hầu như được tính toán trên bản vẽ kỹ thuật nhưng giờ là lúc bắt tay vào giai đoạn thực tế khó nhất. Dẫu vậy, việc tập trung tại đại bản doanh cùng lúc 5 người và cả gia đình, điều rất khó nếu không có Covid-19, cũng được xem là thắng lợi nhỏ ban đầu.

 
 

Các nhà thiết kế trong ngành ôtô-xe máy vẫn thường lấy cảm hứng từ đời sống tự nhiên muôn loài để tạo hình xe. Trên chiếc xe máy của anh Hà và cộng sự, dấu ấn ấy chỉ đến từ một nửa: tự nhiên.

“Tôi bắt đầu từ vị trí đặt ổ pin ở giữa, từ đó phác thảo những chi tiết tiếp theo. Đẹp, tiện dụng và thân thiện với môi trường, những tiêu chí tôi theo đuổi trong ngành kiến trúc cũng phải có trên chiếc xe này. Đây là điều khó nhất chứ không phải tạo ra chiếc xe với hình dáng như thế nào”, anh Hà nói.

Những dù có tự nhiên đến đâu đi chăng nữa, chiếc xe suy cho cùng vẫn phải phục vụ công năng di chuyển và đòi hỏi những tiêu chí về an toàn kỹ thuật. Việc lắp ráp khung sườn, khả năng chịu lực, giảm xóc, hệ thống điện, hệ thống phanh tạo ra một khối lượng công việc lớn. 3 thành viên của nhóm tại Lâm Đồng, từng người giỏi về mỗi mảng gỗ, nhôm, cơ khí và điện kết hợp với nhau.

“Làm việc nhóm không dễ, những cuộc tranh cãi vẫn thường xuyên xảy ra nhưng cách các anh xuề xòa với nhau nó cũng khác thời trẻ”, Bảo Kỳ kể. “Không đến nỗi giận, chỉ là không đồng tình về cách làm ở một công đoạn nào đó, mấy ảnh tản ra uống cà phê hay châm điếu thuốc, xong rồi trở lại công việc như chưa có chuyện gì”.

Bản thân Thanh Hà, người được xem là kỹ sư trưởng của dự án, cũng nói rằng các tính toán trên máy tính đôi khi tối ưu nhất nhưng khi chế tạo thực tế, các vấn đề mới phát sinh. “Tranh cãi của anh em chủ yếu là tìm ra cái hợp lý nhất. Chẳng hạn phần puli dẫn động phải tăng đường kính từ 25 cm lên 30 cm để tăng hệ số dẫn động”.

Chiếc xe máy điện độc nhất

Suốt hai tháng, 5 người đàn ông vây quanh bản thiết kế, tụm lại bên bộ khung ban đầu rồi tản ra mỗi người mỗi công đoạn chế tạo. Bắt đầu từ sáng sớm đến tối khuya, những bà vợ không hiểu nổi họ nghĩ gì lại mê làm xe đến thế nhưng… cũng chẳng mấy quan tâm.

“Thấy các ông say việc quá, mấy bà thấy thương, phục vụ cơm nước, lo như lo cho mấy đứa nhỏ”, một thành viên của nhóm hài hước nói. “Mọi người bị cuốn vào công việc, có đêm trời lạnh quá mới biết đã hơn 2 giờ sáng, khi đó mới đi ngủ mà lòng cứ mong cho trời nhanh sáng để làm tiếp”.

Trên chiếc xe máy điện phong cách cổ điển, phần khung xe được làm chủ yếu từ vật liệu nhôm đúc. Các mảng nhôm được cắt thủ công hoàn toàn bằng tay. Nhóm chế tạo không đánh bóng vật liệu mà chủ ý giữ nguyên sự mộc mạc của chúng. Sự “không hoàn thiện” này sẽ là điểm trừ của xe với nhiều người, nhưng nhóm nói rằng họ không quá đặt nặng điều đó.

Những mảng nhôm, gỗ được nối với nhau bằng ốc, đinh tán. Việc hàn được hạn chế tối đa để tránh phô ra các mối nối thiếu đi chất thẩm mỹ.

Bộ pin Lithium-ion mất khá nhiều thời gian để lắp đặt từ những khối pin nhỏ. Phần puly dẫn động bánh sau ghép từ hai mảng nhôm được đục lỗ thủ công sao cho bánh răng sau khi thành hình ăn khớp với dây đai dẫn động. Âm thanh từ motor quay phát thành tiếng o o như ve kêu khi xe chuyển động.

Công tắc chuyển nguồn sử dụng điện ở tụ phía trước (1) và phía yên sau (2).

Hệ thống cung cấp điện cho motor hoạt động chia làm hai tụ, ở giữa và yên sau (nguồn dự trữ). Một công tắc nguồn được lắp bên hông xe để kích hoạt dòng điện sử dụng từ nguồn nào. Theo nhóm thực hiện, xe di chuyển khoảng 60 km đối với bình phía trước và 40 km bình phía sau. Điện sạc từ nguồn điện gia đình kèm một bộ chuyển đổi với thời gian sạc đầy khoảng 6 tiếng. Tốc độ xe di chuyển tối đa có thể lên đến 70 km/h.

Chiếc xe gần như không sơn một mảng màu công nghiệp nào. Điểm nhấn hiện đại nhất có lẽ đến từ phần đèn xi-nhan LED, đồng hồ báo dung lượng pin trên tay lái. Những người thành thị lịch lãm trong bộ suit, vòng vèo trên những chiếc Vespa thân con ong uyển chuyển, chiếc xe máy điện của nhóm lại thuộc về những kẻ phóng khoáng, hoài cổ và ưa trải nghiệm.

Trên khung nhôm của thân xe có khắc dòng chữ Krongno 06. Dòng Knông Nô hiền hòa chảy, mang nước tưới cho những bản làng ba biên giới Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông. Ở đó, chiếc xe máy điện của nhóm thợ tay ngang ra đời. Họ không mong nó được nhiều người biết đến, chỉ muốn tìm được đúng người đến với nó biết trân trọng những gì nhóm đã tâm huyết tạo ra.

VNE

Bình luận