Vừa ra mắt cách đây không lâu, mẫu xe điện đầu tay của thương hiệu Blue Oval mang tên Ford Mustang Mach-E chính là dấu mốc quan trọng đầu tiên khởi động kế hoạch đầu tư 11 tỷ USD để phát triển xe điện và xe lai tới năm 2022 của Ford. Lo ngại trước việc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đến lượng tiêu thụ của Mach E tại thị trường đông dân nhất châu Á, hãng xe Mỹ đang cân nhắc việc đưa Mustang Mach-E sang sản xuất tại nhà máy của hãng ở Trung Quốc, nhằm tối ưu hoá chi phí cũng như tránh các rào cản thuế quan nặng nề, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai cường quốc.
Đến thời điểm này, đây mới chỉ là một đề xuất đang được xem xét, việc quyết định này có được được ban lãnh đạo công ty thông qua hay không sẽ còn phụ thuộc vào các hàng rào thuế quan trong cuộc chiến thương mại giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc diễn biến ra sao. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ là địa điểm thứ hai lắp ráp mẫu Mustang Mach-E sau Mexico.
“Chúng tôi cần xác định xem liệu rào cản về thuế quan có được giải quyết hay không. Chúng tôi cũng sẵn sàng có phương án xây dựng nhà máy sản xuất ở đó nếu đây là việc cần làm”, Jim Hackett, Giám đốc điều hành của Ford, trao đổi với Bloomberg tại buổi ra mắt Mustang Mach-E ở Los Angeles.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại chắc chắn không phải là lý do duy nhất thúc đẩy Ford sản xuất Mustang Mach-E tại Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất trên thế giới, thậm chí còn vượt qua Mỹ từ nhiều năm nay và rõ ràng đây là mảnh đất màu mỡ với bất kỳ hãng xe nào đặt chân vào lĩnh vực điện khí hóa. Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, Hackett cho biết ông tin rằng chiếc SUV thuần điện đầu tay của Ford sẽ có doanh vượt bậc tại thị trường đông xe điện nhất thế giới.
Ở giai đoạn đầu, Ford vẫn sẽ xuất khẩu Mustang Mach-E từ nhà máy đặt tại Mexico sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô nước Mỹ chưa chốt lịch ra mắt chính thức Mach E tại thị trường này. Việc Ford Mustang Mach-E được sản xuất tại Mexico và Trung Quốc, đứng trên phương diện của nhà sản xuất là một lựa chọn tối ưu mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là về kinh tế nhưng nếu đứng trên cương vị của chính phủ Mỹ thì đó là một việc làm không mấy dễ chịu. Chính quyền của tổng thống Trump luôn khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ tái đầu tư trên đất Mỹ và sử dụng các lao động trong nước. Thậm chí, tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích việc các công ty Mỹ đổ tiền vào việc xây dựng nhà máy và sử dụng lao động ở nước ngoài. Tuy vậy, truớc áp lực thuế quan trong cuộc chiến thương mại và tiềm năng của thị trường Trung Quốc cũng như nguồn nhân công giá rẻ tại nơi đây, không chỉ Ford mà rất nhiều công ty đều sẽ lựa chọn việc làm tương tự.
Ford Mustang Mach-E sẽ chính thức ra mắt thị trường châu Âu vào mùa thu tới, sau đó đặt chân tới Trung Quốc. Lý giải cho sự chậm trễ này ông Hackett cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ ra mắt mẫu xe này ở Mỹ và châu Âu trước. Trong thời gian đó, chúng tôi sẽ thăm dò nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc tới mẫu xe này cũng như chờ đợi diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung”.