Nghị định 47/2022 vừa ban hành cấm cải tạo ôtô sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành loại dưới 10 chỗ (kể cả tài xế) để chở khách.
Đây là quy định mới, bổ sung cho khoản 3, điều 13 thuộc Nghị định 10/2020 của Chính phủ đã ban hành trước đó. Cụ thể, các chủ xe không được cải tạo từ ôtô có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ôtô dưới 10 chỗ (kể cả tài xế) để kinh doanh vận tải hành khách.
Nghị định 47/2022 cũng cấm sử dụng ôtô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả tài xế) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Hai quy định này có hiệu lực thi hành từ 1/9/2022.
Hiểu đúng về tên gọi xe “limousine”
Trao đổi với PV một nhân viên kinh doanh tại hãng độ xe cho biết tên gọi “limousine” được dùng để gọi chung cho các xe sau khi đã cải tạo nâng cấp nội thất. Chúng thường được độ lên từ các mẫu xe như Ford Transit, Ford Tourneo, Hyundai Solati, Kia Sedona…
Trên thị trường hiện nay có nhiều đơn vị độ xe như Dcar, Minh Tâm, Dasan, Toàn Việt, Autokingdom… và thường đều lấy tên “limousine” để đặt cho các xe sau khi đã độ xong.
“Limousine” cũng là cái tên gắn liền với các đơn vị kinh doanh vận tải. Đa số xe dạng này được “hoán cải” từ 16 chỗ thành ít chỗ hơn để người ngồi bên trong thoải mái, dễ chịu hơn. Các nâng cấp cơ bản như ghế có kèm massage, trần, sàn ốp gỗ, đèn viền…
Sự khác biệt giữa “dưới 10 chỗ” và “từ 10 chỗ trở lên”
Đại diện Dcar, một đơn vị chuyên nâng cấp xe “limousine” ở Việt Nam cho biết, công ty không hoán cải bất kỳ xe nào từ 16 chỗ về dưới 10 chỗ mà chủ yếu chuyển từ 16 chỗ thành 12 hoặc 10 chỗ.
“Sở dĩ chúng tôi cũng như nhiều đơn vị khác không chuyển về dưới 10 chỗ bởi khi đó gửi bản vẽ hoán cải cho Cục Đăng kiểm cũng sẽ từ chối đăng kiểm do không đúng quy định”, vị đại diện của Dcar thông tin thêm.
Trong khi đó, quản lý một đơn vị Đăng kiểm tại Hà Nội cũng khẳng định tất cả xe khách hoán cải giảm số ghế ngồi xuống dưới 10 chỗ đều không được cơ quan chức năng chấp nhận. Thông tư 85/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định rõ, xe khách là xe có từ 10 chỗ trở lên, không được hoán cải về xe con.
“Thực tế, vẫn có những xe 12 – 16 ghế được hoán cải về dưới 10 ghế (thường là 9 hoặc 7 ghế) nhưng các xe này xuất hiện từ trước 2014 và theo ước tính của cá nhân tôi thì số lượng cũng không nhiều”, vị quản lý đăng kiểm này làm rõ.
Theo quy định tại Việt Nam, Giấy phép lái xe hạng D được cấp cho người điều khiển: Xe ô tô dùng để chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi (bao gồm cả người lái) và các loại ô tô quy định sử dụng bằng lái hạng B1, B2 và C.
Trong khi đó, Giấy phép lái xe hạng B2 chỉ được phép điều khiển xe ô tô đến 9 chỗ ngồi dùng để chở người (bao gồm cả người lái)…
Nghị định mới ra đời vì sự an toàn của người dân
Như vậy, nếu hoán cải xe trên 10 chỗ (thường là xe 16 chỗ) thành xe dưới 10 chỗ thì người sử dụng phương tiện sẽ chỉ cần đến bằng B2 thay vì bằng D. Số chỗ ít đi nhưng thực tế “xác xe” vẫn không đổi.
Trước đây, nhiều đơn vị tận dụng vào sơ hở này để hoán cải xe 16 về dưới 9 chỗ ngồi để tiết kiệm chi phí thuê tài xế. Thông thường, việc thuê lái xe bằng D có chi phí cao hơn đáng kể so với lái xe có bằng B2 (loại bằng mà phần lớn người đi ô tô sở hữu).
Như vậy, Nghị định 47/2022 ra đời không làm khó đơn vị kinh doanh vận tải hay hãng độ mà sẽ giới hạn các xe không đúng quy định không được kinh doanh vận tải khách. Điều này nhằm siết chặt quản lý, từ đó đảm bảo sự an toàn cho hành khách.
Đối với các xe dưới 10 chỗ, hoán cải thành 6 hay 4 ghế không bị ảnh hưởng bởi quy định này, vì xe dưới 10 chỗ là xe con có thể sử dụng bằng B2. Các xe dạng này vẫn có thể kinh doanh chạy tuyến hoặc vận tải mà không bị ảnh hưởng gì.
Hiện nay, đa số các dưới 10 chỗ trên thị trường hay được độ limousine là Ford Tourneo, Kia Sedona, Kia Carnival, Mercedes V-Class… Tuy nhiên, các xe này chủ yếu là dòng 7 ghế, được độ 4 hoặc 6 ghế.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe limousine là loại hình đang được nhiều người tâm bởi nhu cầu thị trường lớn và khách hàng mong muốn được di chuyển trên những chiếc xe tiện nghi và hiện đại hơn. Như vậy, quy định mới của cơ quan chức năng ra đời để quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho hành khách mà không hề “bóp nghẹt” loại hình xe limousine.
nguồn: Dân trí