Những rủi ro khi mua ô tô ngân hàng thanh lý

Giá cao, thời gian lưu kho dài, thủ tục phức tạp là những vấn đề mà người mua xe thanh lý của ngân hàng dễ gặp.

 

Xe thanh lý mà các ngân hàng bán ra là xe do các cá nhân, công ty mua dưới hình thức trả góp nhưng không còn khả năng trả nợ, nên bị ngân hàng thu hồi và bán lại. Nếu không thể bán cho khách cá nhân, ngân hàng sẽ bán cho các công ty chuyên thu hồi nợ hoặc các đơn vị kinh doanh ô tô cũ. Thời gian thu hồi thông thường sẽ diễn ra từ 45-180 ngày tùy trường hợp.

Dưới đây là những vấn đề với loại xe này mà người mua cần lưu tâm, theo chia sẻ của các nhân viên tín dụng cũng như người buôn xe.

Thời gian lưu kho

Xe thanh lý có thể phải nằm chờ 3-6 tháng, thậm chí cả năm tới khi có khách mua lại. Để tiết kiệm chi phí, các bãi đỗ xe mà ngân hàng thuê cũng thường là bãi cũ, xa, không có mái che. Vì vậy, xe không được bảo dưỡng định kỳ, bụi bẩn, ố bên ngoài, mốc bên trong, ảnh hưởng cả các hệ thống máy móc, công nghệ.

Xe thanh lý tại một bãi đỗ ngoài trời. Ảnh: VIB

Giá cao

Ngân hàng sẽ mong muốn thu lại được số tiền càng cao càng tốt từ việc bán thanh lý, bởi vậy mức giá xe không “dễ chịu” như thị trường bên ngoài. Ví dụ Chevrolet Spark 2016 số sàn, xe van hai chỗ được một ngân hàng rao bán trên website với giá 204 triệu, trong khi thực tế giao dịch bên ngoài ở ngưỡng khoảng 160-170 triệu.

Chất lượng xe

Khi đàm phán, phía ngân hàng sẽ yêu cầu người mua phải chủ động về chất lượng xe, vì ngân hàng cũng chỉ là bên thu hồi, không có nghĩa vụ đảm bảo chất lượng. Tức là, xe nhận về thế nào, sẽ bán ra như vậy.

Bên cạnh đó, từ trước khi bị ngân hàng thu hồi, chủ xe không còn khả năng trả nợ, điều kiện tài chính eo hẹp nên cũng không chăm sóc xe theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, bởi vậy tình trạng trước khi lưu kho cũng không còn tốt. Như vậy ngoài vấn đề về bảo hành, bảo dưỡng khách hàng cũng cần kiểm tra xe kỹ để tự đảm bảo chất lượng cho mình.

Thủ tục mua xe

Vì tài sản được bán qua bên thứ ba, không mua trực tiếp từ chủ nên thủ tục sẽ phức tạp hơn. Để có thể sang tên đổi chủ, khách mua mới cần phải có chữ ký trong hợp đồng mua bán của chủ xe ban đầu, chứ không chỉ làm việc cùng ngân hàng. Bởi vậy, một số rắc rối có thể phát sinh như: chủ xe không đồng ý với mức giá ngân hàng bán ra, chủ xe trì hoãn để đợi đủ tài chính nhận lại xe hoặc cần cả chữ ký của vợ và chồng… Anh Thành Trung, chuyên viên tín dụng MSB cho biết từng có trường hợp xe không thể bán vì vợ chồng khách cũ ly thân, không đủ chữ ký.

Bên cạnh thủ tục mua xe thì thủ tục sang tên, đổi chủ cũng tốn nhiều thời gian, hồ sơ hơn các trường hợp mua bên ngoài. Một số bước trong quá trình này như xem xe, kiểm tra xe, thỏa thuận giá, ngân hàng duyệt giá, thanh toán nợ vào ngân hàng, trả tiền thừa cho chủ xe nếu có, hoàn thiện giấy tờ với ngân hàng, làm công chứng sang tên.

Chính bởi những rắc rối có thể gặp phải khi mua trực tiếp từ ngân hàng, nên lượng khách giao dịch kiểu này cũng khá ít. Vì vậy, các ngân hàng thường bán cho bên thứ ba, ví dụ công ty buôn xe cũ. Sau khi đơn vị này làm xong các thủ tục pháp lý, khách mua lại sẽ đỡ tốn công sức, thời gian hơn.

nguồn: VNE

Bình luận