Alpine A110 (Pháp)
Cảnh sát Pháp đã mua một số lượng nhỏ chiếc Alpine A110 vào năm 1966 khi chính phủ ban hành các giới hạn tốc độ nghiêm ngặt. Đây là dòng xe thể thao của hãng Alpine (Pháp) từng giành chiến thắng ở giải đua WRC.
Sức mạnh của chiếc xe này đến từ động cơ 4 xi-lanh 1296cc, sản sinh công suất 123 mã lực. Trọng lượng nhẹ chỉ 770kg giúp xe đảm bảo hiệu suất hoạt động nhanh chóng với khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h mất khoảng 8 giây, với tốc độ tối đa 215 km/h. A110 ban đầu được sản xuất từ năm 1961 đến năm 1977 với hơn 8.200 xe xuất xưởng. Renault mua lại Alpine vào năm 1973 và đến năm 2017 mới hồi sinh lại A110.
Những chiếc A110 được cảnh sát sử dụng để bắt những lái xe chạy quá tốc độ, những người cố tình chống lại hiệu lệnh dừng xe. Có lẽ vì cabin chật chội của chiếc coupe thể thao này, nên sau đó cảnh sát Pháp đã chuyển sang những chiếc Citroën SM vào đầu những năm 1970.
BMW Isetta (Đức)
Nhiều người vẫn nghĩ xe cảnh sát thường phải ưu tiên với những chiếc xe tốc độ, nhưng với cảnh sát Đức vào thập niên 60 của thế kỷ trước lại phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Nước Đức sau Thế chiến thứ 2 cần được xây dựng lại hoàn toàn và các sở cảnh sát không có nhiều tiền vào thời điểm đó. Vì vậy, một chiếc xe đơn giản, đáng tin cậy và tiết kiệm là cần thiết. Đó là lý do chiếc Isetta sản xuất trong nước đáp ứng được tất cả những yêu cầu này.
Chiếc Isetta được ví von như chiếc tủ lạnh bởi một cửa mở duy nhất phía trước, động cơ nhỏ bé 2 xi-lanh dung tích 298cc khiến nó thua kém nhiều mẫu xe cùng thời. Mẫu xe này “sống sót” đến đầu những năm 60, nhưng chính thức kết thúc vào năm 1959 khi bị BMW khai tử.
Mercedes-Benz SLK (Bulgaria)
Mẫu xe SLK của Mercedes-Benz ra đời từ năm 1996 đến nay vẫn được nhìn nhận là chiếc xe thể thao 2 cửa hoàn chỉnh của hãng xe Đức. Xe có 2 chỗ ngồi và trang bị động cơ khỏe lên tới gần 170 mã lực trong khi dung tích máy chỉ 1.8L.
Đây cũng là mẫu xe mui trần khá phổ biến trong giới thanh niên châu Âu bởi tính thời trang và vận hành linh hoạt. Thế nhưng khá khó hiểu là chiếc SLK200 như trong ảnh lại lọt vào hàng ngũ của cảnh sát “xứ sở hoa hồng” – Bulgaria. Giải thích hợp lý nhất chỉ có thể cho rằng đây là kết quả của việc tịch thu xe phạm pháp và xung công, chuyển sang mục đích hữu ích.
Porsche 911 Targa (Áo)
Dòng Porsche 911 Targa với kiểu mui xếp cứng điển hình đã làm mê hoặc biết bao lứa thanh niên từ khi ra đời vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Tại Áo vào năm 1960, ban đầu lực lượng cảnh sát được trang bị một chiếc Porsche 356 Cabriolet, nhưng sau đó họ đã sử dụng đội xe lên tới 40 chiếc Porsche 911 Targa tuần tra trên đường cao tốc.
Không chỉ ở Áo, mà tại Bỉ, Hà Lan và Đức, dòng Porsche 911 cũng có mặt trong các đội tuần tra cao tốc. Khả năng linh hoạt, thiết kế khí động học và tốc độ lớn của Porsche 911 Targa giúp cảnh sát có thể sẵn sàng ứng phó với những tài xế “bất trị”.
Suzuki Jimny (Ý)
Suzuki Jimny ra đời từ năm 1970 và vẫn được coi là “tiểu Mercedes-Benz G” nhờ kiểu dáng vuông vức nhà binh, nhưng nhỏ hơn mẫu SUV của hãng xe Đức nhiều và chỉ có 2 cửa.
Dù sinh ra ở Nhật Bản mang tinh thần “samurai” như chính cái tên của nó khi bán ở thị trường nội địa, Suzuki Jimny lại đặc biệt được ưa thích ở châu Âu. Chính vì thế mà khi trở lại trong vai trò thế hệ mới (thế hệ thứ 4) vào năm 2018, Suzuki đã chọn châu Âu là nơi ra mắt Suzuki Jimny.
Bất ngờ hơn cả là mẫu Suzuki Jimny không chỉ xuất hiện trong tay những người thích khám phá địa hình, mà có mặt trong đội hình của Carabinieri – đội cảnh binh quốc gia của Cộng hoà Ý, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ an ninh trong nước.
Audi R8 (Bồ Đào Nha)
Cảnh sát dùng siêu xe, đó là điều dễ hiểu nếu đó là ở Ý – đất nước của những thương hiệu siêu xe, hoặc ở Dubai – thành phố không có gì ngoài sự giàu sang. Nhưng tại Bồ Đào Nha, nơi quá quen thuộc với xe cảnh sát dùng thương hiệu Skoda (hãng xe của Séc) thì việc một chiếc Audi R8 lọt vào hàng ngũ quả là bất thường.
Thực tế chiếc siêu xe hiếm hoi Audi R8 thuộc sự quản lý của lực lượng Polícia de Segurança Pública (một lực lượng chủ yếu là cảnh sát đô thị) là hàng bị tịch thu sung công vào năm 2014. Chiếc xe này có nguồn gốc ban đầu thuộc sở hữu của ngôi sao bóng đá người Argentina Ángel Di Maria. Có vẻ như sau đó nó lại rơi vào tay một kẻ buôn bán ma túy và có kết quả như hiện tại.
BAC Mono (Đảo Man)
Isle of Man (Đảo Man), hòn đảo phụ thuộc Vương quốc Anh nằm ở biển Ireland, nơi tổ chức cuộc đua xe máy TT hàng năm, nổi tiếng là cuộc đua nguy hiểm nhất hành tinh. Vì vậy, cũng không bất ngờ nếu cảnh sát địa phương sử dụng một chiếc xe tốc độ làm phương tiện tuần tra.
Vào năm 2017, cảnh sát địa phương đã được giao chiếc siêu xe có hình dáng giống xe đua F1 là BAC Mono. Là sản phẩm duy nhất của hãng BAC (Briggs Automotive Company), Mono là mẫu siêu xe có thiết kế đặc trưng chỉ có một chỗ ngồi ra đời từ năm 2010.
Xe trang bị động cơ 4 xilanh thẳng hàng, dung tích 2.3L, sản sinh công suất tối đa 332 mã lực và mô-men xoắn 400 Nm. Khối lượng của xe chỉ khoảng 580 kg, giúp nó có khả năng tăng tốc 0-100km/h chỉ trong 2,7 giây.
Subaru Impreza (Anh)
Ở Anh, lực lượng cảnh sát thường dùng dòng xe Cosworth do Ford sản xuất, sau này có thêm BMW và Volvo, nhưng việc một chiếc xe hiệu suất cao đến từ Nhật Bản như Subaru Impreza Turbo nằm trong đội ngũ xe tuần tra khiến nhiều người bất ngờ.
Lâu nay, cảnh sát ở Humberside vẫn dùng Subaru Impreza Turbo là “vũ khí” để bẻ gãy những tài xế bất kham. Mang kiểu dáng bình thường nhưng mẫu xe này ẩn chứa động cơ đạt công suất 224 mã lực, giúp dễ dàng tăng tốc đuổi theo nghi phạm.
Tesla Model S (Luxembourg)
Xe cảnh sát có xu hướng khác xe dân dụng khi thường phải ưu tiên tốc độ, bình xăng lớn vì họ dành phần lớn thời gian để tuần tra và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp. Do đó, rất ít quốc gia dùng xe điện để đưa vào nhiệm vụ tuần tra.
Thế nhưng ở công quốc Luxembourg – một quốc gia nhỏ nằm giáp với Bỉ, Pháp, và Đức thì Tesla Model S lại là lựa chọn phù hợp. Với khả năng di chuyển tới 400 km khi sạc đầy bình, cùng khả năng tăng tốc từ 0 đến 96 km/giờ chỉ trong vòng 3,9 giây giúp Tesla Model S dễ dàng thích nghi với diện tích đất nước nhỏ như Luxembourg.
Audi TT Quattro (Hungary)
Động cơ Audi sản xuất tại Hungary là một phần quan trọng trong dây chuyền sản xuất của tập đoàn Volkswagen. Audi Hungaria bắt đầu sản xuất động cơ xăng 4 xi-lanh vào năm 1994 với công suất 800 động cơ mỗi ngày, đến năm 2005 đã chạm mốc 10 triệu động cơ, cùng công suất nhà máy lên mức 7.000 động cơ mỗi ngày.
Ở cột mốc 10 triệu, một chiếc Audi TT Quattro đặc biệt đã được dùng cho cảnh sát nước này như một cách ghi ại dấy ấn. Sức mạnh đến từ động cơ 1.8T, công suất cực đại 225 mã lực của Audi TT giúp xe tuần tra cảnh sát trở thành “sát thủ” với những quái xế coi thường pháp luật. Đến nay, khi dòng Audi TT ra thế hệ mới, nó vẫn được ưu ái nằm trong hàng ngũ xe cảnh sát tại Hungary.
nguồn: vietnamnet