Theo báo cáo doanh số bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7/2020, phân khúc xe bán tải đã đạt doanh số 1.444 xe. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số xe bán tải giảm 34,2% (tương đương 751 xe).
Tính chung thời gian gần đây, xe bán tải đang gặp khó và giảm dần doanh số tại thị trường Việt Nam. Bằng chứng là tất cả các mẫu xe bán tải trong tháng 7 đều giảm tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lý do xe bán tải đang dần suy yếu. Từ khách quan như đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nhu cầu cũng như nguồn cung của các dòng xe này. Đồng thời, việc toàn bộ xe bán tải đều được nhập khẩu nên bị hạn chế trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân xe bán tải gặp khó. Tuy nhiên, có thể thấy xu hướng tiêu dùng và đặc biệt là quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN:41/2019 có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định rõ các xe bán tải (pickup), xe tải Van có khối lượng hàng chuyên chở ho phép tham gia giao thông từ 950kg trở lên sẽ bị coi là xe tải và bị hạn chế đi lại, lưu thông tại các khu vực đông dân cư hoặc nội đô của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.
Chính điều này đã là nguyên nhân lớn dẫn đến việc người tiêu dùng có ý định mua xe bán tải đang cân nhắc bởi nhiều dòng tải trọng lớn không còn quyền ưu tiên khi lưu thông trên đường.
Trong tháng 7, Ford Ranger vẫn là mẫu xe chủ lực đóng góp vào doanh số chung của toàn phân khúc với 1.028 xe. So với tháng trước đó, doanh số của Ranger đã tăng 120 xe(tháng 6 đạt 908 xe) nhưng lại giảm 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, Ford Ranger vẫn là niềm an ủi của phân khúc bán tải khi là đại diện duy nhất góp mặt vào danh sách 10 xe bán chạy toàn thị trường. Mặc dù đứng ở vị trí cuối cùng nhưng đây cũng là nỗ lực vượt khó của mẫu xe này trong hoàn cảnh đầy khó khăn.
Ngoài điểm sáng mang tên Ford Ranger, phân khúc xe bán tải còn ghi nhận mức tăng trưởng là Toyota Hilux với doanh số 143 xe, tăng 18 xe so với tháng 6 (doanh số 125 xe). Tuy nhiên, so chỉ kém 3 xe so với Mitsubishi Triton nên Hilux vẫn ngậm ngùi đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách.
Mới đây, Toyota đã tung ra phiên bản Hilux 2020 với nhiều thay đổi về trang bị hứa hẹn sẽ cải thiện doanh số của mẫu xe này tại thị trường Việt Nam.
Các mẫu xe còn lại như Mitsubishi Triton, Mazda BT-50 và Isuzu D-max đều chung cảnh ngộ tụt giảm. Cụ thể, Mitsubishi Triton tháng 7 là 164 xe, giảm 120 xe so với tháng 6 (doanh số 266 xe), D-max từ 27 xe xuống còn 17 xe và của BT-50 từ 168 xe xuống 110 xe (giảm 58 xe).
Có thể thấy năm 2020 được xem là thách thức của những mẫu xe trong phân khúc bán tải khi loạt khó khăn dồn dập ập đến. Dự đoán vào tháng tới, doanh số xe bán tải không mấy khả quan do nhu cầu thị trường tiếp tục đi xuống khi tháng 7 Âm lịch đang cận kề.