Mẹo cần biết để tránh sốc nhiệt khi dùng ô tô ngày nắng nóng

Khi nhiệt độ trong xe quá lớn, không chỉ gây hại cho động cơ mà người lái nếu không có kinh nghiệm có thể bị sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đỗ xe nơi bóng râm, mái che

Việc chọn nơi có bóng mát, mái che hoặc tự che chắn cho ô tô khi đỗ xe không chỉ giúp giảm nhiệt độ trong cabin do hiệu ứng nhà kính, mà còn giúp xe không bị bạc màu sơn, các chi tiết nhựa không bị nứt vỡ theo thời gian.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những chỗ đỗ xe lý tưởng như vậy cũng có sẵn, nhất là ở những khu đô thị đông đúc. Vì vậy, khi buộc phải đỗ xe ngoài trời, hãy chuẩn bị sẵn trong xe những tấm chắn phản nhiệt, hoặc dùng vải sáng màu bọc xe lại cũng có thể giảm bớt nhiệt độ trong xe.

Đóng mở cửa trước khi vào xe để tản nhiệt nhanh

Nếu đỗ xe giữa trời nắng hoặc ngay cả trong bóng râm, nhiệt độ chênh lệch trong cabin và bên ngoài vẫn lớn, gây cảm giác ngột ngạt, khó thở nếu lái xe đi luôn. Để giảm bớt nhiệt độ trong xe, cách đơn giản là mở hết cửa kính cho không khí bên trong và ngoài đối lưu. Nếu muốn nhanh hơn, có thể áp dụng mẹo mở hết một bên cửa, phía còn lại tiến hành đóng mở với lực vừa đủ để tạo gió thổi bớt hơi nóng bên trong.

Để hé cửa kính khoảng 1 cm

Việc hạ cửa kính xuống khoảng 1 cm sẽ giúp không khí bên ngoài có thể lọt vào trong xe, qua đó tạo được sự đối lưu giúp cảm giác nóng khi mở cửa và lái xe sẽ giảm bớt. Tuy nhiên biện pháp này chỉ nên áp dụng ở nơi đỗ an toàn, có người trông coi vì kẻ gian dễ lợi dụng để luồn que dài vào kéo chốt mở khóa hoặc trộm đồ.

Sử dụng điều hòa, quạt gió đúng cách

Khi mới lên xe, bạn có thể tận dụng quạt gió có sẵn trong ô tô để thổi bớt hơi nóng ra bên ngoài bằng cách điều chỉnh chế độ lấy gió ngoài, bật quạt ở nấc cao. Lưu ý không nên bật cùng lúc ngay điều hòa mà cần mở hết các cửa kính, lái một thời gian ngắn mới tiến hành nâng kính, bật điều hòa.

Không nên bật lạnh sâu và gió lớn ngay từ đầu dễ khiến cơ thể rơi vào trạng thái sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, không khí trong xe bị giãn nở một cách đột ngột, tác động không tốt đến kính lái, dễ gây nứt vỡ. Chưa kể, bật điều hòa cùng lúc khởi động xe, nó cũng sẽ tiêu tốn khá nhiều năng lượng của ắc-quy.

Vì vậy, trước khi sử dụng điều hòa ô tô, nên áp dụng các biện pháp tạo ra sự đối lưu không khí giữa bên trong và bên ngoài như các cách ở trên. Khi nhiệt độ trong xe đã giảm xuống, lúc này mới bật điều hòa ở mức nhiệt độ giảm dần, ưu tiên từ mức 28 độ C. Chế độ lấy gió cũng chuyển dần từ gió ngoài sang gió trong. Tài xế cũng nên gắn thêm thiết bị tạo độ ẩm để giúp không gian bên trong xe thoải mái hơn trong những ngày nóng đỉnh điểm.

Trước khi dừng xe vài phút nên tắt điều hòa và chỉ dùng quạt gió để giúp cơ thể dần làm quen với nhiệt độ bên ngoài, tránh sốc nhiệt. Hoặc có thể hạ kính xuống 1 chút để không khí trong ngoài lưu thông. Bên cạnh đó, tắt điều hóa trước khi dừng để chạy bằng quạt giúp làm khô cửa gió, tránh lượng không khí ẩm tồn động khiến sinh ra nấm mốc, một nguyên nhân dẫn đến mùi khó chịu mỗi khi bước vào xe.

Tránh hít phải khí độc sản sinh bên trong xe.

Trong các cuốn sách hướng dẫn sử dụng ô tô của đa số các hãng xe thường ghi chú: “Lưu ý trước khi bật máy lạnh cần mở tất cả các cửa xe”. Điều này là do trên bề mặt nhựa của các bảng điều khiển, ghế, ống dẫn khí, nội thất ô tô có chất benzen có thể ảnh hưởng đến thận, gan, gây bệnh bạch cầu, ung thư. Độ benzen cho phép con người tiếp xúc là 1/10 m2 (50mg mỗi sq.ft), trong khi đó một chiếc xe đỗ trong bóng râm, đóng hết cửa chứa 400-800mg benzen, cao gấp 8 lần. Thậm chí một chiếc xe đỗ dưới ánh nắng mặt trời (khoảng 40 độ C) có lượng khí benzen lên đến 2.000-4.000 mg. Người thường xuyên ở trong ô tô kín sẽ hít phải chất độc này và mắc bệnh. Mức benzen sẽ giảm xuống nếu xe có chất lượng tốt, bảo dưỡng thường xuyên. Vì vậy, bạn cần mở hết cửa trước khi bật điều hòa để trao dổi không khí trong và ngoài xe, tuyệt đối không hút thuốc trong xe.

Bình luận