Chevrolet Sonic: Thiếu má phanh
Vào năm 2011, GM triệu hồi 4.296 chiếc Chevrolet Sonic đã xuất xưởng, đưa đến đại lý và bán đến tay khách hàng nhưng thiếu má phanh. Vấn đề bắt nguồn từ việc lắp đặt các bộ phận khi má phanh bị rơi trước khi tới nhà máy Chevrolet ở bang Michigan, và không ai nhận ra các má phanh đã nằm ở đáy thùng container. Được biết, không có quá nhiều xe thực sự bị ảnh hưởng và không có thương tích hoặc ai thiệt mạng vì lỗi này.
Lincoln MKC: Vị trí nút khởi động
Vào năm 2015, Lincoln MKC ra mắt thị trường với hộp số vận hành bằng nút bấm và bên dưới cụm đó là nút khởi động-tắt máy. Sau đó, vấn đề đã nhanh chóng xuất hiện, khiến Ford lên tiếng giải thích: “Do vị trí gần với các nút điều khiển khác, người lái đã vô tình tắt động cơ khi xe đang vận hành”. Nhà sản xuất đã phải triệu hồi 13.574 chiếc xe để sửa đổi.
Honda Odyssey: Tên gắn ở đuôi xe
Đây là một lý do khá kỳ lạ để triệu hồi. Đối với mẫu Odyssey đời 2014, Honda nhận thấy cụm tên có thể đã được gắn nhầm bên ở phía sau. Hãng xe này đã nhanh chóng sửa chữa và giải thích: “Việc đặt tên nhãn hiệu có thể cho thấy xe đã qua sửa chữa sau một vụ va chạm. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá bán lại về sau”.
Toyota Camry: Nhện gây lỗi túi khí tự bung
Vào năm 2013, Toyota đã nhận ra sự tắc nghẽn trong ống thoát của thiết bị ngưng tụ điều hòa có thể khiến nước chảy vào module điều khiển túi khí và gây đoản mạch. Điều này có thể khiến cảm biến bị vô hiệu, bung túi khí hoặc đoản mạch các bộ phận như trợ lực lái. Đã có 3 vụ túi khí tự bung được ghi nhận cũng như 35 vụ đèn cảnh báo xuất hiện trên xe Camry và Avalon. Nguyên nhân lỗi do những con nhện đã giăng tơ trong các ống thoát nước.
Mazda 6: Nhện làm tổ ở hệ thống nhiên liệu
Trươc Toyota, Mazda cũng gặp vấn đề tương tự với những con nhện. Chúng đã làm tổ ở đường ống thông hơi của hệ thống nhiên liệu khiến bộ phận này tắc nghẽn. Theo báo cáo, một số loại vật cụ thể bị thu hút bởi mùi của chất bay hơi trong xăng và Mazda đã quyết định triệu hồi các xe Mazda 6 được sản xuất từ năm 2010 đến 2012 để cài đặt phần mềm phát hiện sự cố và cảnh báo cho lái xe.
Toyota Corolla: Đồ uống làm bung túi khí
Đồ uống hoàn toàn có khả năng bị đổ trong xe khiến người lái phải dọn dẹp vất vả nhưng đối với một chiếc Toyota Corolla giữa thập niên 90, điều đó có thể gây bung túi khí. Chất lỏng trong cốc có thể rò rỉ và ảnh hưởng đến cảm biến túi khí, gây ra sự cố. Đã có 627.858 chiếc Corolla đã bị triệu hồi vào năm 1995 để khắc phục vấn đề. Trong hầu hết các trường hợp, đèn cảnh báo túi khí sẽ bật sáng nhưng nguy hiểm hơn có thể túi khí sẽ tự bung ra.
BMW X3: Sai màu đèn báo rẽ
Vào năm 2018, BMW đã phải triệu hồi một số xe X3 vì “đèn báo rẽ phía sau bên ngoài có thể nhấp nháy màu đỏ trong khi đèn bên trong nháy màu hổ phách”. Điều này có thể gây hiểu lầm đối với các tài xế đi phía sau, gây nguy hiểm nhất định. Vấn đề này cũng từng ảnh hưởng đến một dòng xe Ford năm 1978.
Volkswagen Jetta: Ghế ngồi quá nóng
Một người phụ nữ Canada lái Volkswagen Jetta đã bị cháy quần jean, nguyên nhân đến từ máy sưởi ghế bị chập điện. Lỗi này khiến hãng xe Đức phải triệu hồi 94.000 chiếc xe Jetta sản xuất từ năm 2002 đến 2004.
Nhiều mẫu xe Subaru: Khả năng khởi động từ xa quá nhạy
Lỗi này ảnh hưởng đến một số mẫu xe đời 2010 – 2012, gồm Subaru Legacy, Subaru Outback, và Subaru Impreza. Chúng đều có điểm chung là sử dụng hộp số CVT với bộ khởi động từ xa Audiovox được cài đặt. Nếu chìa khóa bị rơi, nó có thể “ngẫu nhiên truyền yêu cầu khởi động động cơ mà không cần nhấn nút”. Điều đó có thể khiến xe khởi động và chạy trong 15 phút hoặc đến khi hết nhiên liệu.
Peugeot, Citroen và Renault: Phanh ghế phụ
Tại châu Âu, một số xe Peugeot, Citroen và Renault được trang bị phanh ở cả ghế phụ lái, đặc biệt như ở Anh. Các mẫu ô tô bị ảnh hưởng được thiết kế và sản xuất ở Pháp với cụm lái ở bên trái, sau đó được điều chỉnh sang bên phải cho thị trường Anh. Vấn đề ở đây là xi-lanh phanh chính nằm ở bên trái, vì vậy các nhà sản xuất đã thêm một thanh ngang giữa bộ phận này và chân phanh bên phải; tuy nhiên, họ đã quên “che chắn” kỹ lưỡng chân phanh cũ.
nguồn: tiền phong