Nhiều nhà sản xuất ô tô “đau đầu” vì xung đột Nga – Ukraine

Chiến dịch “quân sự đặc biệt” mà Nga đang thực hiện tại Đông Ukraine đã khiến nhiều nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga và việc này có thể gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp ô tô.

Khi cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine leo thang, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nền kinh tế Nga. Điều này có thể sẽ gây thiệt hại đáng kể đối với ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu, bao gồm các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng ở Mỹ, châu Âu và châu Á.

Khủng hoảng nguồn cung vật liệu sản xuất ô tô

Nga đang là một trong những nhà cung cấp kim loại lớn nhất thế giới, bao gồm palladium và niken, được sử dụng phổ biến trong ngành sản xuất ô tô toàn cầu. Nga cũng là quốc gia sở hữu nhiều cơ sở sản xuất lớn, trong đó có cả các nhà máy ô tô của các công ty, tập đoàn nước ngoài như Stellantis, Volkswagen và Toyota.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga sẽ khiến vật liệu sản xuất ô tô bao gồm cả xe điện, như paladi, niken, palladium hay lithium trở nên hiếm (Ảnh: NBC).

Theo các nhà phân tích và các quan chức trong ngành, 1/4 các bộ phận được sử dụng trong xe hơi do Nga sản xuất đến từ nước ngoài, bao gồm cả từ Mỹ có thể gặp khó khăn khi tiếp tục hoạt động, trong khi các lệnh trừng phạt được đưa ra.

Hiện tại, Nga là nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới về niken được sử dụng trong pin lithium-ion và nước này cung cấp 40% palladium, nguyên liệu trong bộ chuyển đổi xúc tác trên các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu.

Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin trả đũa phương Tây bằng cách cắt nguồn cung cấp palladium, nhiều khả năng sẽ khiến ngành công nghiệp sản xuất ô tô bị đình trệ.

Nhà phân tích ô tô, Sam Insights cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô sẽ phải tìm nguồn cung cấp thay thế hoặc họ sẽ không thể chế tạo xe sử dụng động cơ đốt trong”.

Bên cạnh đó, Nam Phi và Zimbabwe cũng sản xuất và cung cấp một lượng đáng kể palladium, nhưng ngay cả trước khi quân đội Nga tiến vào hai khu vực của Ukraine, giá kim loại hiếm này đã tăng chóng mặt. Vào giữa tháng 12/2021, palladium giảm xuống mức 1.600 USD/ounce (1 ounce = 28.35 gr) và đã tăng chóng mặt lên đến 2.400 USD/ounce vào ngày 24/02/2022, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.

Hậu quả của việc này có thể khiến chi phí để mua một chiếc ô tô mới tăng trung bình khoảng 150 USD và hơn 200 USD đối với các mẫu xe SUV, xe bán tải và siêu xe thể thao.

Điều này, sẽ buộc các nhà sản xuất ô tô sẽ phải quyết định xem có nên lấy tiền của công ty để bù chi phí tăng thêm hay chuyển số tiền đó cho người tiêu dùng khi vào thời điểm giá xe mới đang ở mức kỷ lục, lên tới 45.000 USD vào tháng Giêng.

Mặt khác, nguồn cung niken bị hạn chế có thể làm chậm quá trình sản xuất pin sử dụng trong xe điện và giáng một đòn mạnh vào sáng kiến lớn của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đó là xe điện chiếm tới một nửa tổng số xe mới bán ra vào năm 2030.

Indonesia và Philippines hiện là hai nguồn cung niken lớn nhất thế giới, nhưng nhu cầu và giá cả đang tăng lên khiến các nhà sản xuất ô tô có thể đối mặt với những thách thức tương tự như với palladium.

Các nhà sản xuất ô tô cần chuẩn bị cho hướng đi mới

Các nhà sản xuất ô tô Nga cũng có lý do để lo lắng, hiện họ đang phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn nước ngoài, để cung cấp 25% các bộ phận cần thiết nhằm duy trì hoạt động của các nhà máy lắp ráp ô tô của riêng họ.

Tập đoàn Gaz, đã công khai cảnh báo rằng, họ sẽ phải ngừng sản xuất nếu các lệnh trừng phạt được ban hành. Đây là nhà sản xuất các mẫu xe thương mại hạng nhẹ và hạng trung, xe buýt và linh kiện ô tô cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nga đang làm tất cả để giảm tác động vào ngành công nghiệp ô tô khi xung đột với Ukraine xảy ra (Ảnh: WardsAuto).

Một số nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng có sự hiện diện lớn ở trung tâm Liên Xô cũ và quan hệ đối tác với các công ty trong nước của Nga như Stellantis – được thành lập vào năm ngoái bởi sự hợp nhất của Fiat Chrysler Automobile và PSA Group.

Joe Phillippi, người đứng đầu AutoTrends Consulting, cho biết: “Cuộc khủng hoảng này sẽ tác động đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu và châu Á”.

Trước thời điểm xung đột xảy ra giữa Nga và Ukraine, tập đoàn Stellantis đã tăng cường sản xuất xe tải và các loại xe khác tại một nhà máy bên ngoài Moscow, để xuất khẩu sang phương Tây. Nhưng việc Nga bắt đầu tấn công Ukraine đã thay đổi tất cả.

Giám đốc điều hành Carlos Tavares cho biết, công ty của ông có thể phải suy nghĩ lại về chiến lược trên. “Nếu chúng tôi không thể cung cấp được nguyên vật liệu cho nhà máy, chúng tôi phải chuyển các mẫu xe sang các nhà máy khác để sản xuất, hoặc sẽ phải giới hạn số lượng”.

Trong số các nhà sản xuất châu Âu hiện đang hoạt động tại Nga, Volkswagen cho biết: “Mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty tại đây không hề nhỏ”.

Hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ đã không còn thị trường Nga trong vài năm vừa qua. Cụ thể, Ford đã đóng cửa các hoạt động, bao gồm cả một nhà máy ở St.Petersburg, vào năm 2019. Tập đoàn General Motors bắt đầu rút lui vào năm 2015 và bán hết cổ phần còn lại của mình cho AvtoVaz vào năm 2019.

AvtoVaz cho biết đang tìm kiếm sự thay thế, các nguồn cung cấp như chất bán dẫn, nhưng cũng cảnh báo rằng còn “quá sớm” để dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến công ty như thế nào.

Một lý do nữa là vẫn chưa rõ đồng minh nào của Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới. Trong ngành công nghiệp cũng lo ngại rằng các đồng minh của Nga có thể tấn công lại.

Nhà phân tích Abuelsamid nói: “Câu hỏi lớn là Trung Quốc làm gì? Nếu phương Tây và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga, họ có thể đáp trả và cắt đứt khỏi nhiều thứ mà các quốc gia trên cần,” bao gồm bảng mạch và các nguyên liệu thô khác, chẳng hạn như lithium cần thiết cho xe điện.

Bên cạnh đó, xét đến sự mong manh hiện tại của chuỗi cung ứng ô tô, còn quá sớm để xác định mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với ngành công nghiệp này, nhưng rõ ràng có những lý do để các nhà sản xuất phải lo lắng.

Giá nhiên liệu có thể tăng vọt

Cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng liên quan đến Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, làm xáo trộn giá dầu cũng như khí đốt, trong đó Nga là một trong những nhà xuất khẩu chính của thế giới. Và châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thô của Nga.

 

Giá dầu thô đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014 (Ảnh: Motor1).

Do đó, thị trường lo ngại rằng năng lượng sẽ trở thành trung tâm của cuộc xung đột, với một bên là các biện pháp trừng phạt và một bên là trả đũa. Với sản lượng khai thác dầu và khí đốt mạnh mẽ chưa từng có trên thế giới, Moscow có thể tác động đến giá cả bất cứ lúc nào, trước nguy cơ xảy ra chiến tranh kinh tế và khủng hoảng năng lượng với giá dầu thô ở mức ngày càng cao.

Hiện tại, dầu thô tiếp tục đà tăng giá, đã đạt mức “nguy hiểm”, gần 100 USD/thùng. Dầu Brent được giao dịch ở mức 98,54 USD/thùng, một trong những mức cao nhất kể từ năm 2014.

Theo Dân trí

Bình luận