Trả lời phóng viên về việc có nghiên cứu kỹ các quy định trong nguyên tắc đối xử quốc gia trong WTO trước khi đề xuất việc giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe trong nước, đại diện Cục Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương khẳng định: “vấn đề đã được nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và dựa trên tình hình thực tế”.
Cục Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng: “Bộ Công Thương đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng, trên thực tế một số thành viên WTO và ASEAN cũng có các biện pháp trợ cấp tương tự và vẫn được duy trì mà không gặp phải nhiều phản ứng từ các quốc gia khác”.
Cơ quan này dẫn ví dụ như, Philippines hiện nay đang áp dụng hình thức trợ cấp dựa trên năng lực sản xuất để khuyến khích thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Hiện tình hình các hoạt động của Cơ quan Phúc thẩm (AB) về giải quyết tranh chấp của WTO đang bị đình trệ do thiếu thành viên và các vụ kiện phúc thẩm (nếu có) sẽ không thể được tiến hành, chúng ta có thể xem xét thúc đẩy áp dụng chính sách hỗ trợ phù hợp trong một thời gian.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng ngành công nghiệp ô tô thời gian vừa qua trước tác động của dịch Covid-19 cũng như trong dài hạn, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế đã nêu, Bộ Công Thương đã và đang đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để có các ưu đãi đặc thù cho ngành công nghiệp ô tô trong nước với 02 mục tiêu.
Thứ nhất là kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất trong nước – đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh. Thứ 2 là giải quyết vấn đề bất lợi về giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu như đã nêu trên.
Cụ thể, đối với đề xuất về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp ô tô có đề xuất đề xuất “giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020”.
Bộ Công Thương cho rằng, đây là biện pháp cần thiết để kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, thời gian áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ này cũng rất ngắn (chỉ đến hết năm 2020) và đồng thời chính sách cũng được áp dụng trong bối cảnh đặc biệt.
Bộ Công Thương cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến gần như toàn bộ các nhà sản xuất ô tô trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, khả năng bị các quốc gia khởi kiện do vi phạm cam kết là hầu như không có.
Về Thuế tiêu thụ đặc biệt cho giá trị nội địa hóa của ô tô, Bộ Công Thương cho biết đã có nhiều trao đổi với Bộ Tài chính về vấn đề này.
Mới đây, Bộ đã gửi công văn chính thức tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ theo hướng áp dụng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho giá trị nội địa hóa tại Việt Nam đối với cả ô tô sản xuất trong nước lẫn ô tô nhập khẩu (không phân biệt giữa ô tô nội và ô tô nhập khẩu) trong một thời hạn nhất định (khoảng 5 năm).
nguồn: dân trí