Được xây dựng trên nguyên tắc: Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông, đề xuất Dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (BĐ TT ATGT ĐB) đã đưa ra một số tình huống khá cụ thể ngay trong Luật này mà không cần tới các Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Theo đó, tại Điều 88 quy định Trách nhiệm pháp lý của chủ phương tiện có nêu rõ; Chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện và vi phạm pháp luật có liên quan đến phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ.
Một điểm rất mới trong đề xuất của Bộ Công an là việc yêu cầu chủ phương tiện phải thông báo với cục Cảnh sát giao thông qua cổng thông tin điện tử của Cục khi cho cá nhân, tổ chức thuê phương tiện (theo hợp đồng thuê phương tiện) với thời gian thuê từ 01 ngày trở lên.
Ngoài ra, đề xuất Dự thảo Luật BĐ TT ATGT ĐB còn nêu rõ: Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hợp tác để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp không chứng minh được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện, thì chủ phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Ngoài ra, đề xuất cũng ghi rõ trách nhiệm của chủ phương tiện, người lái xe ô tô phải duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.
Đáng quan tâm, đề xuất Luật BĐ TT ATGT ĐB cũng cụ thể trách nhiệm của người tham gia giao thông phải có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ và có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Đáng quan tâm, trong trường hợp tai nạn xảy ra người người tham gia giao thông phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an nơi gần nhất trong thời hạn 04 tiếng đồng hồ kể từ khi vụ tai nạn xảy ra.
Đây là điểm mới, với quy định cụ thể về thời gian ngay từ dự thảo Luật chứ không quy định chung như Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành không đưa ra khung thời gian cụ thể (chỉ có quy định ở các văn bản hướng dẫn dưới Luật).
nguồn: dân trí