Theo số liệu các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor đã công bố trật tự mới trong phân khúc CUV đã được thiết lập.
Theo đó, với doanh số 589 xe trong tháng 3, Tucson đã vượt qua Honda CR-V và Mazda CX-5 trở thành tân vương mới cho phân khúc crossover tại Việt Nam. Đồng thời, thành tích này giúp Tucson đứng đầu phân khúc crossover tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm với tổng cộng 1.817 xe bán ra, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ xa 2 mẫu xe đối thủ mạnh nhất là Honda CR-V (1.501 xe) và Mazda CX-5 (1.078 xe).
Rõ ràng với lợi thế là xe lắp ráp trong nước nên rất có ưu thế về giá bán cũng như dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cũng như nguồn cung so với mẫu xe nhập khẩu như Honda CR-V. Ngoài ra, so với Mazda CX-5, Tucson còn sở hữu lợi thế giá bán thấp hơn, nhiều trang bị tiện nghi, có phiên bản máy dầu tiết kiệm nhiên liệu… Đây được xem là một trong những nguyên nhân giúp Tucson vượt mặt qua loạt đối thủ đình đám trong phân khúc.
Từng làm mưa làm gió suốt một năm 2019, nhưng bước sang năm 2020 Honda CR-V đang dần hụt hơi trước các đối thủ. Bằng chứng là mẫu xe này thường xuyên mất dạng trong danh sách 10 xe bán chạy và gần đây nhất là bị Tucson đẩy xuống vị trí thứ 2 trong phân khúc. Với doanh số đạt 564 xe, Honda CR-V có tấm vé vớt vào danh sách 10 xe bán chạy toàn thị trường nhưng lại bị sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 59,0%). Tính tổng 3 tháng đầu năm, CR-V chỉ đạt 1.501 xe, tiếp tục dừng chân ở vị trí thứ 2 trong phân khúc.
Là mẫu xe duy nhất trong phân khúc nhập khẩu nguyên chiếc, có thể lý giải việc Honda CR-V đánh mất dần phong độ là do nguồn cung không ổn định. Tuy nhiên, đây cũng là mẫu xe có giá bán cao nhất phân khúc khi có mức giá từ 983 triệu đồng – 1,093 tỉ đồng. Đây cũng là một bất lợi trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 gây ra như hiện nay.
Trong tháng 3 này Mitsubishi Outlander cũng bất ngờ thăng hoa khi đạt 388 xe, đứng thứ 3 sau CR-V. Đây được xem là tín hiệu tích cực từ phiên bản nâng cấp của mẫu xe này tại thị trường Việt Nam. Nhờ đó đã cải thiện mạnh mẽ doanh số cộng dồn trong quý 1 với 653 xe.
Đi ngược lại niềm vui của Mitsubishi Outlander chính là nỗi buồn của Mazda CX-5 khi chỉ đạt 281 xe trong tháng 3, giảm 61,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, tính tổng 3 tháng đầu năm CX-5 đã trở lại top 3 phân khúc với 1.078 xe, giảm 69,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc liên tục bị các đối thủ chèn ép đã khiến CX-5 phải nóng mặt thực hiện chương trình giảm giá cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, đối với nhóm động cơ 2.0L, hai phiên bản 2WD Premium và 2WD Luxury có ưu đãi cao nhất là 85 triệu đồng, đưa giá bán của các phiên bản này xuống còn 904 triệu đồng và 864 triệu đồng; phiên bản còn lại 2WD Deluxe cũng được ưu đãi 75 triệu đồng, giá bán sau ưu đãi còn 824 triệu đồng. Đối với nhóm động cơ 2.5L, mức ưu đãi là 75 triệu cho phiên bản Signature Premium 2WD và 55 triệu đồng dành cho phiên bản cao cấp nhất Signature (1 cầu và 2 cầu) với bộ tính năng an toàn i-Activsense.
Tiếp tục đội sổ trong phân khúc chính là mẫu Nissan X-trail với lượng xe bán ra ở mức “cầm chừng”. Theo đó, riêng tháng 3 vừa qua, mẫu xe này chỉ bán ra 79 xe. Trong khi cộng dồn quý I, cũng chỉ mới có 223 chiếc X-Trail đến tay khách hàng.
Như vậy, phân khúc crossover tại thị trường Việt Nam trong tháng 3 vừa qua đã chứng kiến sự đổi ngôi thú vị. Trong thời gian tới, phân khúc này hứa hẹn sẽ còn có nhiều thay đổi và cạnh tranh quyết liệt khi Ford ngấp nghé quay trở lại đường đua với mẫu Escape. Ngoài ra, Outlander cũng sẽ khiến các đối thủ trong phân khúc phải đứng ngồi không yên khi được Mitsubishi ra mắt phiên bản nâng cấp mới với hàng loạt trang bị, đồng thời “lột xác” ngoại hình nhờ ngôn ngữ Dynamic Shield, vốn đang rất thành công trên Xpander và Triton. Thậm chí ngay cả thành viên chuyên đội sổ Nissan cũng kiên trì trong cuộc đua khi đang rục rịch đưa phiên bản nâng cấp về Việt Nam trong thời gian tới với nhiều nâng cấp và bổ sung.