Xây dựng một đường đua Công thức 1 (F1) không chỉ đòi hỏi sự đầu tư cực lớn về tiền, nó đòi hỏi dự án phải được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Cái tên nổi bật trong lĩnh vực thiết kế đường đua F1 đương nhiên là Hermann Tilke, nhà thiết kế duy nhất được Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA) tin tưởng ở thời điểm hiện tại với kinh nghiệm thiết kế 18 đường đua F1 trên thế giới và không dưới 80 các công trình đua khác.
Tuy nhiên khi nhắc tới ông người ta thường phàn nàn rằng đường đua của ông thiết kế quá nhàm chán và không thể giúp môn thể thao tốc độ danh giá nhất hành tinh thể hiện hết được sức hấp dẫn của nó ở những pha vượt. Một điều mà những “nhà phê bình” thường không để ý tới là những điều kiện ràng buộc nhà thiết kế khiến họ không thể làm mọi thứ như mong muốn. Đường đua được thiết kế để đặt vừa miếng đất mà chủ đầu tư có và thông thường miếng đất đó có hình dáng không hoàn hảo, lại vừa phải bảo đảm các yếu tố an toàn theo quy chuẩn khắt khe của FIA.
Có rất nhiều yếu tố khiến việc thiết kế phải điều chỉnh để đảm bảo tính cân bằng. Hermann chính là nhà thiết kế đường đua F1 tại Hà Nội để tổ chức giải đua từ tháng 4 năm 2020. Tương tự như bất cứ đâu trên thế giới, ông phải đối mặt với rất nhiều rào cản trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Lựa chọn giải pháp tối ưu cho đường đua tại Hà Nội là vấn đề đau đầu số 1. Hà Nội sẽ là đường đua “không giống ai”. Đây sẽ là sự kết hợp giữa những đoạn đua trên phố mà ở đó Hermann tận dùng mặt đường giao thông có sẵn kết hợp với khu vực được xây mới chuyên dụng phục vụ riêng cho đường đua tương tự như ở những đường đua chuyên dụng khác trên thế giới. Đường đua tại Hà Nội sẽ không nhàm chán với những khúc cua 90 độ đặc thù của đường đua phố ở các nơi khác.
Nhưng khó khăn lớn nhất của Hà Nội không nằm ở tiền hay mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng, Hà Nội chỉ có đúng 12 tháng để xây dựng, hoàn thiện và vận hành thử trước khi giải đua diễn ra. 20/3/2019 là ngày mà đường đua được động thổ xây dựng. Nhiều người đặt câu hỏi liệu đơn vị tổ chức có thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ của mình hay không. Chưa kể việc tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ chỉ thua kém World Cup hay Thế Vận Hội đòi hỏi sự đồng thuận ở mọi khía cạnh bao gồm cả sự ủng hộ của chính quyền địa phương và chính phủ nước sở tại. Hà Nội đăng cai tổ chức giải đua F1 và giao cho Vietnam Grand Prix thực hiện đã được cả thế giới biết đến.
Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã có tên trên bản đồ thể thao tốc độ thế giới và bây giờ cả thế giới đang nhìn vào chúng ta, nhìn vào Hà Nội. Thông tin về tiến độ dự án không nhiều, hình ảnh về công trường xây dựng cũng không nhiều và đương nhiên sẽ không tránh khỏi ý kiến băn khoăn không biết Hà Nội có kịp tiến độ hay không, thậm chí việc hoãn tổ chức sự kiện cũng râm ran đâu đó.
Tôi là người may mắn được thấy tận mắt những gì đã và đang được thực hiện tại công trường này và tôi muốn các bạn được thấy đường đua đang dần được hình thành như thế nào. Hạng mục quan trọng nhất của mọi đường đua F1 chính là tòa nhà trung tâm và nó được gọi với cái tên Pit Building. Đây là tòa nhà chính của đường đua, là trái tim của trường đua nơi các đội đua tập kết, dựng trung tâm điều hành của đội, nơi FIA (Liên đoàn Ô tô quốc tế) đặt trung tâm điều hành cuộc đua, nơi mọi vấn đề về hậu cần phục vụ giải đua tập trung.
Đúng 4 tháng kể từ ngày 20/3/2019 tòa nhà Pit Building đã được cất nóc. 4 tháng để thực hiện hạng mục lớn nhất là một con số ấn tượng nếu không nói là gây kinh ngạc. Và trong khi tòa nhà Pit Buding đang thành hình và đi vào hoàn thiện lắp đặt thiết bị thì song song với đó, các hạng mục khác như khán đài, hàng rào an toàn… cũng được lên đề bài, tìm nhà thầu (ưu tiên nhà thầu trong nước bảo đảm chất lượng và tiến độ), sản xuất và vận chuyển đến đường đua để sẵn sàng lắp đặt từ 1/1/2020.
Nhiều người thắc mắc đường đua gì mà giờ này còn chưa thấy mặt đường đâu thì sao trải nhựa kịp và như thế thì chắc là không kịp tiến độ. Sự lo lắng này là hoàn toàn dễ hiểu bởi đa số nghĩ rằng đường đua thì mặt đường là quan trọng nhất. Nhưng thực tế thì mặt đường lại là hạng mục cuối cùng cùng được hoàn thiện. Không ai tổ chức thi công nền đường và mặt đường khi công trình chính còn đang xây dựng và lượng xe ra vào liên tục sẽ phá hỏng nền đường. Hơn nữa mặt thảm nhựa của đường đua phải được trải sau cùng và trải cùng thời điểm để đảm bảo tính đồng nhất của bề mặt đường.
Với những hình ảnh và đoạn video ngắn quay bằng drone này hy vọng các bạn có thể cảm nhận được thành của của những con người đang làm việc ngày đêm để đảm bảo tiến độ công trình, đảm bảo cái tên Việt Nam và Hà Nội sẽ có mặt vững chắc trên bản đồ F1 thế giới.