Được trưng bày trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hà Nội, bức tranh treo tường nặng hơn 850kg, dài hơn 4 mét và rộng khoảng 2 mét gây sự chú đặc biệt bởi những chi tiết bên trong tranh có thể…chuyển động được và phát ra tiếng động. Đây là một sản phẩm đầu tay của anh Cao Quang Thắng, kiến trúc sư và cũng là người chơi xe 3 bánh thuộc thế hệ 7X ở Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên, anh Thắng cho biết ý tưởng tạo một bức tranh cơ khí, chuyển động được bằng các linh kiện phụ tùng ô tô đã có từ năm 2005 nhưng vì tài chính và thời gian chưa thực hiện được, đến bây giờ anh mới hoàn thiện xong.
“Tôi đã tìm hiểu trên thế giới nhưng chưa thấy ai làm hệ tranh bằng phụ tùng ô tô chuyển động nên mình mới có ý tưởng tạo nên nó. Thời gian để hoàn thành bức tranh vào khoảng 2 tháng lao động liên tục,” anh Thắng kể.
Điểm độc đáo trong bức tranh của anh Thắng là các chi tiết trong tranh chuyển động thể hiện hoạt động của động cơ V8 với cách diễn giải dạng phóng tác chứ không theo nguyên lý của động cơ ô tô. Người xem bị cuốn hút bởi những khối sắt và bánh răng khổng lồ chuyển động, cùng tiếng “lịch kịch” phát ra giống như một nhà máy cơ khí đang hoạt động rôm rả.
Theo anh Thắng, nguyên liệu chính để tạo nên bức tranh cơ khí này đều là đồ phế liệu, lấy từ xe tải Kamaz của Nga. “Bức tranh thể hiện hai khối chủ đạo, gồm chuyển động của động cơ V8 phía trên và phía dưới là cụm bánh răng liên kết với xích tải, dây cua-roa tạo thành chuyển động cánh quạt. Các chuyển động này có thể tăng hoặc giảm tốc độ, tạo nên những cảm xúc khác lạ cho người xem,” anh Thắng chia sẻ.
Lý do anh Thắng sử dụng phụ tùng xe Kamaz làm tranh vì cụm động cơ xe có các kích thước chi tiết đủ lớn, giá mua phế liệu rẻ vì xe ngày xưa nhiều và nay bị loại bỏ bởi tốn nhiên liệu, công nghệ cũ. Ngoại trừ những cụm bánh răng lớn để tạo bố cục đẹp không phải từ xe Kamaz, các chi tiết như bảng tap-lô, pit-tong, trục khuỷu, ống dẫn nước, cánh quạt…đều của dòng xe tải trứ danh của Nga.
Bức tranh chuyển động được nhờ 2 motor vận hành. Một motor công suất 1000W làm chuyển động khối V8, cái còn lại làm quay các bánh răng có công suất 700W. Đây là loại motor điều tốc và sử dụng chiết áp để bức tranh có thể tăng giảm tốc độ quay bánh răng.
Quá trình làm tranh hoàn toàn một mình anh Thắng tự làm. Việc khó nhất là đi tìm bánh răng, xếp lại thành bố cục đẹp nhất, xong mới tính đến chuyển động của nó bởi ngoài những bánh răng lớn thể hiện bên ngoài còn có những bánh răng trung gian nên cần tính toán một cách hợp lý, từ xích truyền tải cho đến dây cua-roa.
Khi phóng viên thắc mắc vì sao bức tranh không có vách kính bảo vệ như các tác phẩm treo tường thường thấy, anh Cao Quang Thắng không ngần ngại chia sẻ rằng điều này sẽ khiến âm thanh tạo ra từ bức tranh sẽ không nguyên vẹn.
“Hiện nay thị trường có bán loại mô hình bánh răng cơ khí làm đồng hồ, nhưng thực tế chỉ là chuyển động mang tính trang trí, kết hợp kim đồng hồ chạy độc lập. Còn bức tranh này vừa cả nghe lẫn nhìn, thiếu một trong hai sẽ không có ý nghĩa,” anh Thắng nói.
Tác giả cũng không chia sẻ chi phí để hoàn thành tranh mà nói rằng nó “vô giá” vì không có bản sao khác. Dự kiến sau bức tranh này anh Thắng sẽ tạo ra một bức tranh khác biệt hơn về cơ cấu chuyển động.
nguồn: vietnamnet