Tỉ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang ở đâu?

Tại Việt Nam, hiện có chưa tới 100 nhà cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô cấp 1,....

Ngành công nghiệp ô tô được coi là ngành công nghiệp trọng điểm ở một số quốc gia trên thế giới khi mang lại công việc và thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời là một nguồn thu thuế lớn với nhà nước.

Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô và một số doanh nghiệp tham gia vào lắp ráp, sản xuất ô tô. Tính trung bình, một chiếc ô tô có khoảng 30.000 chi tiết từ đơn giản đến phức tạp.

Với xu hướng xe ngày càng thông minh hơn, mỗi chiếc xe ngày nay cũng chứa nhiều loại chip phục vụ các tác vụ tính toán; tính trung bình, mỗi xe có khoảng 1.400 loại chip và hàng trăm bộ phận bán dẫn khác.

Tuy nhiên, việc sản xuất chip tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất, dẫn tới việc nhập khẩu linh kiện này. Với riêng nhóm linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp / sản xuất và sửa chữa ô tô, giá trị Việt Nam nhập khẩu hàng năm lên tới 3,5 tỷ USD; trong số đó, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao chiếm đa số.

Tại Việt Nam, hiện có chưa tới 100 nhà cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô ở cấp 1; các nhà cung cấp ở cấp 2 và 3 có khoảng 150 đơn vị. Thống kê cho biết Việt Nam có tổng 377 doanh nghiệp sản xuất có liên quan tới ô tô, trong đó có khoảng 170 doanh nghiệp FDI (công ty có nguồn vốn từ nước ngoài) - chiếm tới 46,43%.

Thống kê cũng nêu rằng Việt Nam đang có hơn 40 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; với việc sản xuất khung gầm, thân xe hay thùng xe thì có 45 đơn vị, bên cạnh đó có 214 đơn vị tham gia sản xuất phụ tùng / linh kiện ô tô.

Ngành này có tổng sản phẩm là 1.221 mặt hàng; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp chiếm phần lớn trong đó. Các sản phẩm này có giá trị không cao, đóng góp không nhiều trong tổng giá trị của một chiếc ô tô.

Bài viết đăng tải trên trang chủ của Bộ Công thương cho biết các doanh nghiệp tại Việt Nam dành nhiều sự chú ý cho phát triển các sản phẩm đã có thể sản xuất trong nước; các sản phẩm này mang hàm lượng công nghệ không cao hoặc có kích thước lớn, cần sử dụng nhiều nhân công, như sảm phẩm nhựa, bộ dây điện, ghế ngồi...

Số chi tiết hoặc cụm chi tiết làm được là 287, chiếm khoảng 20%. Số còn lại là các chi tiết hoặc linh kiện có vai trò quan trọng với ô tô ở động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử hay chip bán dẫn đều đang được nhập khẩu từ nước ngoài.


Ngành ô tô Việt Nam hiện có tỷ lệ nội địa hóa không cao và cũng thấp hơn so với kế hoạch đề ra - trung bình 30% đến 40% vào năm 2020, từ 40% đến 50% vào năm 2025, và từ 50% đến 55% vào năm 2030. Con số thực tế trung bình chỉ đạt từ khoảng 7% đến 10%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực - Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng từ 65% đến 70%.

Song song với tỷ lệ nội địa hóa không cao, ô tô sản xuất trong nước còn đang có chi phí sản xuất cao hơn từ 10% đến 20% so với các nước khác trong khu vực. Điều này diễn ra là bởi linh kiện sản xuất được trong nước không nhiều.

Tất nhiên, không khó để dự đoán rằng, tỷ lệ nội địa hóa của ở toàn ngành ô tô Việt Nam có nhiều triển vọng "bứt tốc" nhanh hơn hẳn giai đoạn trước kia. Điều này là khả thi khi mà Chính phủ không ngừng thúc đẩy bằng các cơ chế, giải pháp phát triển sản xuất trong nước nói chung, ngành ô tô nói riêng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều nhà sản xuất ô tô, xe máy Việt, mà điển hình là VinFast, Dat Bike hay Selex, cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất xe nói chung và ô tô nói riêng.

Để ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho rằng "cần tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn về dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực".

Cục Công nghiệp cho hay Việt Nam có tỷ lệ sở hữu ô tô ở mức thấp, chỉ khoảng 23 chiếc trên 1.000 dân, trong khi tỷ lệ tại Thái Lan cao gấp 10, hoặc tại Malaysia cao gấp 20 lần. Tuy nhiên, về tốc độ tăng trưởng thì Việt Nam xếp thứ 2 toàn Đông Nam Á, cho thấy tiềm năng lớn và dư địa để phát triển.

Bình luận