Nhu cầu sạc pin cho thiết bị số khi đi lại là điều không mới. Trước đây, khi cổng sạc điện USB vẫn là đặc quyền của những chiếc ô tô, không ít “dân chơi” đã tìm cách chế thêm phụ kiện này vào chiếc xe máy để tận hưởng cảm giác tiện nghi công nghệ cao. Tuy nhiên, việc đấu điện thiếu tính toán khi ấy đôi khi dẫn tới những trường hợp cháy nổ rất đáng tiếc.
Điều này đã thay đổi khi bản thân các nhà sản xuất xe máy chủ động chọn tích hợp cổng sạc điện USB vào sản phẩm của mình. Với mạch điện phục vụ sạc được tính toán kĩ lưỡng, các giải pháp “chính hãng” có độ an toàn cao hơn. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng trong sử dụng, tiện ích có vẻ hữu dụng này vẫn rất dễ trở thành con dao hai lưỡi, gây thiệt hại cả người lẫn của đối với chủ xe.
Những rủi ro đến từ việc sạc điện thoại trong cốp khi xe máy di chuyển có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, điều kiện đường xá tại Việt Nam hiện nay chưa hoàn hảo. Với các thiết bị điện tử, rung lắc trong quá trình xe di chuyển do vấp ổ gà, gạch đá hay trèo lên vỉa hè… là điều tối kị, bởi có thể gây gãy vỡ đầu giắc cắm, hay các linh kiện bên trong, dẫn tới chập cháy nguy hiểm. Bản thân xe máy vốn không triệt tiêu các rung chấn tốt như ô tô, nên những chấn động truyền tới cốp cũng khắc nghiệt hơn. Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên, các cổng cắm trên xe máy đang có bán tại Việt Nam hiện nay cũng chỉ có thiết kế cơ bản tương tự như trên các loại máy tính, mà chưa hề được gia cố hay điều chỉnh kết cấu để đảm bảo an toàn.
Thứ đến, với khí hậu nắng nóng đặc thù của quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, việc sạc điện cho điện thoại hay pin dự phòng nằm trong cốp khi xe máy đang di chuyển có thể xem là “đổ dầu vào lửa”. Đây cũng là lý do khiến những xe máy có cổng sạc đặt trong cốp có thể an toàn khi vận hành ở nước ngoài, nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi đưa về Việt Nam mà không có sự điều chỉnh, tính toán kĩ lưỡng.
Thử nghiệm “phơi” xe dưới nắng ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh có thể khiến nhiệt độ mặt yên lên tới 80 độ C, trong khi nhiệt độ bên trong cốp cũng đạt tới 60-70 độ C. Đây là mức vô cùng nguy hiểm đối với bất kì thiết bị điện tử nào, chưa nói đối với các thiết bị đang trong quá trình sạc điện. Hiện nay, các nhà sản xuất thiết bị số luôn khuyến cáo nhiệt độ sạc/xả tối ưu cho pin lithium chỉ nên trong ngưỡng 10-30 độ C, và mọi mức trên 40 độ C đều được coi là “nguy hiểm” (ngay cả khi không sử dụng). Trên thực tế ngay tại Việt Nam, từng xảy ra các trường hợp xe máy bị cháy do người dùng cắm sạc điện thoại hoặc để pin dự phòng trong cốp.
Khi xe máy di chuyển, nhờ luồng không khí lưu thông, nhiệt độ trong cốp xe giảm xuống một phần, nhưng vẫn luôn cao hơn nhiều so với nhiệt độ môi trường (đặc biệt là với các xe tay ga do có động cơ đốt trong nằm ngay dưới cốp). Tại những ngày thời tiết khoảng 30-32 độ C ngoài trời Việt Nam, thực tế nhiệt độ trong cốp thường xuyên ở mức nguy hiểm đối với pin lithium (trên 45 độ C), và sẽ nhanh chóng tăng lên khi xe dừng chờ đèn đỏ quá lâu hay rơi vào tình huống tắc đường. Với các xe tay ga công suất lớn, điều này càng nguy hiểm hơn.
Nguy hiểm hơn, thiết kế truyền thống của xe máy lâu nay vốn thường đặt ắc quy và nắp xăng ngay dưới yên. Trong khi đó, cốp xe máy cũng ít nhiều luôn có xu hướng tích hơi xăng từ động cơ tỏa ra (một phần do hệ thống thông gió và gioăng chống nước mưa kín), nên chỉ cần một tia lửa nhỏ “không đúng lúc” ở khu vực này là có thể dẫn tới thảm họa.
Nhìn chung, việc sạc điện thoại hay các loại pin dự phòng trong cốp xe máy còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Một khi phát sinh rủi ro, người chịu thiệt không ai khác chính là chủ xe. Trong bối cảnh các hãng sản xuất xe máy vẫn coi đây là tính năng thời thượng, và hầu như chưa có sự cảnh báo hay hướng dẫn sử dụng đúng mực để phòng ngừa rủi ro, việc tự trang bị những kiến thức cần thiết để bảo đảm an toàn là điều nên làm.
Hoàng Linh
Theo Hànộimới: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/949626/nguy-co-chay-no-tu-sac-pin-dien-thoai-trong-cop-xe-may