Theo Tổng thống Moon Jae-in,Hàn Quốc sẽ phải chớp lấy cơ hội để trở thành nước dẫn đầu về công nghệ trong kỷ nguyên ô tô tương lai. Thực tế, nền kinh tế thứ 4 châu Á hiện sở hữu những công nghệ hàng đầu về sản xuất pin, bộ xử lý điện tử với nhiều sáng chế giá trị trong ngành công nghệ thông tin. Khi kết hợp những thế mạnh này với hạ tầng mạng viễn thông nhanh nhất thế giới, nền kinh tế thứ 4 của châu Á hoàn toàn có thể dẫn đầu trong lĩnh vực ô tô tự lái, thậm chí chi phối được thị trường ô tô toàn cầu trong tương lai.
Nền tảng này thậm chí đủ để Hàn Quốc hướng tới trở thành nước đầu tiên trên thế giới thương mại hóa ô tô tự lái. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang kỳ vọng tập đoàn ô tô hàng đầu của mình là Hyundai sẽ có thể cung cấp dịch vụ xe tự hành vào khoảng năm 2024, và “phủ sóng” hệ thống vận tải công cộng vào năm 2027. Cũng theo chiến lược nói trên, những chiếc ô tô bay đầu tiên sẽ được đưa vào thử nghiệm sớm nhất là năm 2025.
Để bảo chiến lược đã công bố tới được đích đúng kế hoạch, Seoul đã công bố kế hoạch đầu tư 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2027; song song nâng cấp hạ tầng dành cho các loại ô tô tự lái trên những tuyến đường chính trên cả nước vào năm 2024, trong đó bao gồm các mạng lưới kết nối không dây, bản đồ 3D, hệ thống điều khiển kết nối… Về phần mình, Hyundai sẽ chi tới 34,65 tỷ USD cho hoạt động đầu tư chiến lược và công nghệ di chuyển trong nỗ lực bắt kịp cuộc đua công nghệ ô tô tự lái.
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp ô tô thông minh, Hàn Quốc còn muốn sử dụng công nghệ cao để “xanh hóa” phương tiện giao thông. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc trong ngày 15-10 đã công bố kế hoạch đạt số lượng ôtô chạy điện và nhiên liệu hydro chiếm 33% tổng số phương tiện lưu thông vào năm 2030 tại quốc gia này, và chiếm 10% thị phần toàn cầu. Đây là con số đầy tham vọng. Bởi lẽ, tính tới năm 2019, số lượng phương tiện chạy bằng điện và hydro mới chỉ chiếm 2,6% số lượng phương tiện của nước này.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đang có ưu thế rõ rệt về công nghệ trong lĩnh vực ô tô chạy bằng điện và ô tô chạy bằng nhiên liệu hydro, thể hiện rõ qua việc đã có được hợp đồng xuất khẩu 1.600 xe tải chạy bằng nhiên liệu hydro tới Thụy Sĩ là một minh chứng cụ thể.
Trong những năm gần đây, thị trường xe điện và xe chạy hydro tại Hàn Quốc cũng có sự tăng trưởng đáng kể khi số lượng xe điện bán ra tại nước này tăng 7 lần so với năm 2016, số lượng xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro tăng 39 lần. Để tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng này, Hàn Quốc sẽ xây dựng khoảng 660 trạm tiếp nhiên liệu hydro từ nay tới năm 2030.
Ngoài ra, Seoul cũng sẽ thiết lập 15.000 trạm sạc điện cho xe điện trên toàn lãnh thổ từ nay tới năm 2025, tăng đáng kể so với mức hiện nay (5.427 trạm). Cùng với mục tiêu trở thành nhà sản xuất ôtô chạy điện và hydro hàng đầu thế giới, Hàn Quốc cũng đặt ra kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ của nước ngoài khi đề ra mục tiêu tự sản xuất 80% các linh kiện và vật liệu liên quan, tăng 30% so với mức 50% ở thời điểm hiện tại.
Việc Hàn Quốc xúc tiến mạnh mẽ chiến lược mới, trong đó coi phát triển ô tô công nghệ cao là cốt lõi là điều không lạ. Trong bối cảnh thị trường ôtô toàn cầu dự kiến tăng trưởng chậm ở mức 1% như thời điểm hiện tại, để ngành sản xuất ôtô có thể tăng trưởng bền vững, việc tập trung vào lĩnh vực sản xuất các dòng xe “của tương lai” mà cả thế giới đang hướng tới như xe điện và xe tự lái là hoàn toàn hợp lý. Mặt khác, ngành sản xuất ôtô là một trong những động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc. Việc phải bắt kịp thời thế là tất yếu, bởi nếu thất bại trong việc đối phó với thay đổi môi trường công nghiệp, động lực tăng trưởng của cả đất nước sẽ chịu bước lùi lớn.
Ngoài ra, Hàn Quốc hiện đứng vị trí thứ 7 về thị phần ô tô toàn cầu với 4 triệu chiếc được sản xuất tại nước này trong năm 2018. Việc tăng tỉ lệ xe “xanh”, cũng giúp Hàn Quốc cắt giảm 36% lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính và 11% lượng bụi mịn ở trong nước.
Nguyễn Thúc Hoàng Linh