Công nghệ mới của Land Rover và Audi biến off-road thành chuyện nhỏ

Land Rover và Audi vừa trình diễn bộ đôi công nghệ độc đáo nhằm giải quyết khó khăn về khả năng quan sát, qua đó hứa hẹn thay đổi hoàn toàn cách thức các tài xế vượt địa hình khó trên ô tô.

Trong đó, hãng xe Anh quốc hướng đến phát triển hệ thống điều khiển từ xa cho ô tô địa hình, với tuyên bố sẽ ứng dụng đầu tiên trên thế hệ Defender mới. Công nghệ này cho phép người lái điều khiển chiếc xe ở tốc độ chậm mà không cần trực tiếp ngồi sau vô lăng, do đó rất thích hợp cho việc chinh phục những địa hình xấu hoặc chật chội với tầm nhìn khó – vốn là trở ngại lớn nếu điều khiển xe từ bên trong khoang lái mà không có bất cứ hệ thống cảm biến hay máy quay nào có thể làm thay được.

Mặt khác, việc điều khiển xe di chuyển từ bên ngoài cũng giúp đạt được độ chính xác cao hơn, đặc biệt là với các thao tác chọn điểm đặt bánh xe hay đánh lái góc hẹp. Ngoài việc đảm bảo an toàn và tránh rủi ro (ví dụ như xe lật hay rơi), công nghệ điều khiển từ xa còn là giải pháp “thoát nạn” đặc biệt hữu ích khỏi các tình huống sa lầy, rơi bánh xuống hố… nếu lái xe chỉ đi một mình không có sự hỗ trợ.

Theo Giám đốc Kỹ thuật sản phẩm Stuart Frith của Land Rover, công nghệ mới đã bắt đầu được thử nghiệm thực tế và sẽ là giải pháp “chắp cánh” cho hệ thống giám sát 3 chiều 3D Scout hiện nay của Defender. Về kĩ thuật, 3D Scout đã có thể cung cấp cho máy tính của xe hình ảnh mô phỏng không gian thực xung quanh. Dựa trên dữ liệu hình ảnh, công nghệ điều khiển mới sẽ cho phép chủ xe lái chiếc xe theo ý muốn, dĩ nhiên phải có chìa khóa Activity Key bên mình để xác thực quyền điều khiển.

Ngoài công nghệ điều khiển từ xa nói trên, Land Rover hiện cũng dự kiến bổ sung tính năng truyền hình trực tiếp hành trình thông qua điện toán đám mây. Món mới này được phát triển từ kiến trúc điện EVA 2.0 của Defender và Online Pack.

Về phần mình, Audi tiếp tục cuộc chơi ánh sáng sở trường khi chọn giải quyết một khó khăn này trong việc điều khiển xe trên địa hình khó. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, mặc dù các nhà sản xuất đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp công nghệ tăng cường khả năng chiếu sáng của đèn pha ô tô, như cơ cấu liếc, hệ thống LED ma trận, đèn laser cho phép “trỏ” các đối tượng khó nhìn… nhưng thực tế việc ánh sáng bị giới hạn chỉ có thể phát ra từ đèn đặt thấp ở mũi xe chiếu theo đường thẳng về phía trước luôn là giới hạn vật lý không thể vượt qua. Thực tế này khiến việc quan sát khi độ cao đường thay đổi, hoặc kiểm tra chướng ngại vật xung quanh khi cần thiết luôn rất khó khăn, thậm chí bất khả thi.

Để giải quyết vấn nạn cố hữu nói trên, Audi đã chọn một phương án khá tạo bạo, thể hiện thực tế trên mẫu xe điện ý tưởng AI:Trail của mình. Thay vì đèn pha và đèn cốt thông thường, AI:Trail được trang bị năm thiết bị bay không người lái vận hành bằng điện, được trang bị đèn LED ma trận. Những thiết bị có tên Audi Light Pathfinders này có thể hạ cánh xuống “bãi đáp” trên nóc xe để kết nối với bộ sạc và cất cánh khi cần. Trong các tình huống khó, chúng có thể bay trước mũi xe và chiếu sáng địa hình, thậm chí truyền hình thực tế về xe thông qua máy quay tích hợp và kết nối Wi-Fi. Với tầm nhìn rộng từ trên cao và nguồn sáng tốt hơn, việc điều khiển xe vượt địa hình khó sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Bên cạnh đèn chiếu sáng độc đáo, AI:Trail cũng là gương mặt đại diện tích hợp nhiều công nghệ mới của Audi, trong đó có hệ thống pin siêu mạnh đủ cung cấp hành trình 400-500km trên đường địa hình (off-road) cho hệ truyền động điện với công suất 430 mã lực, mô men xoắn cực đại 1.000 Nm.

Cũng cần phải nói rằng, dù khá hấp dẫn về mặt ý tưởng và đã hoàn thiện cơ bản trên thực tế, những công nghệ mới của Audi hay Land Rover được “ra đường” vẫn chưa thể trong một sớm một chiều. Các kĩ sư của những nhà sản xuất ô tô châu Âu này vẫn cần thêm thời gian để cải tiến hơn nữa độ tin cậy, trong khi những hành lang pháp lý nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dùng là điều không thể thiếu.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh

 
Bình luận