Cuối năm, những công việc bắt đầu chạy dần đến đích cuối. Những thứ việc không tên khiến tôi quay cuồng, rã rời mỗi khi về nhà.Chiều muộn hôm ấy, khi đang hoàn thành nốt brief khách gửi còn dở dang, điện thoại reo lên :”Alo anh ơi, làm chuyến Sapa không, em vừa lấy con Pajero Sport”. Ngán ngẩm nhìn đống project, “Oke, đi!”
3h rưỡi sáng, chúng tôi bắt đầu lên đường. Cài Adaptive Cruise Control ở 100km/h, vận tốc tối đa mà lái xe có thể chạy trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, chỉnh Balance Sound thiên về phía người lái để tránh ảnh hưởng những người bạn đang say giấc ở hàng ghế sau. Lơ đễnh lẩm nhẩm theo từng lời hát của Thắng (ban nhạc Ngọt), bỏ mặc Hà Nội với những deadline đang chờ giải quyết, tôi cùng màn đêm vun vút thẳng tiến tới thành phố Lào Cai.
7h hơn, mặt trời đã lên cao cũng là lúc bánh xe chúng tôi đã bước tới địa phận thành phố Lào Cai. Bước xuống xe, lay gọi những người bạn vẫn đang ngái ngủ, vươn vai hít thở căng lồng ngực, tôi nhẹ nhàng ngắm nhìn thành phố vùng biên giới này. Không khí trong lành, đường phố vắng vẻ đến lạ, không có những gương mặt hối hả, lờ đờ hay khó chịu chờ đèn đỏ thường thấy ở đường phố Hà Nội.
Biết chúng tôi lên, người anh chơi cùng câu lạc bộ đã dậy từ sớm đón, kéo bằng được anh em tôi vào quán phở quen. Vỗ vai cười hỏi “chắc bụng chưa?”, anh lại “lôi kéo” bằng được chúng tôi đi cafe. Lâu ngày không gặp, chỉ hàn thuyên qua đôi ba dòng tin nhắn nên những chuyện của những gã mê xe bên tách cafe nghi ngút cứ thế tuôn ra. Say sưa một hồi, nhìn đồng hồ tôi giật mình, đã quá so với lộ trình hơn 30 phút, bắt tay xin phép anh, chúng tôi lên xe để đi tới nơi khiến chúng tôi quyết định xách balo đi – thị trấn Sapa.
Đường lên Sapa giờ đẹp lắm, rộng mà vắng, những con dốc, từng khúc cua đều được Pajero Sport “nuốt trọn” một cách ngon lành. Hạ cửa kính, hít đầy lồng ngực bầu không khí miền núi, đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh xung quanh. Dù không phải là mùa lúa chín vàng rực đất trời, màu xanh của núi rừng cùng đủ làm tôi nao lòng.
Thưởng thức bữa ăn trưa muộn ở quán quán ăn cạnh Thác Bạc, vừa ngắm những dòng nước tuôn mềm mại từ trên đỉnh đèo xuống dưới như dải lụa của người dân tộc, chúng tôi vừa thưởng thức món cá hồi Sapa trứ danh. Theo như lời anh bạn người bản địa thì đây là một trong những nhà hàng hiếm hoi của địa phương có phục vụ món trứng cá hồi.
Đánh chén một bữa no nê, cả đoàn chúng tôi ai cũng díu hết mắt lại, thế là chẳng ai bảo ai, chúng tôi quay đầu về homestay. Căn phòng chúng tôi chọn nằm giữa núi rừng, mái lá của căn chòi như hòa quyện vào từng cành đào hồng thắm. Anh em cười bảo nhau rằng mùa đào năm nay thể nào Sapa cũng rực rỡ sắc màu cho xem.
Nghỉ ngơi lấy lại sức, anh em chúng tôi tức tốc đi lên đồi chè Ô Quy Hồ, sở dĩ như vậy bởi chỉ trong nay mai thôi, ban quản lý sẽ đóng cửa, không cho du khách vào nữa. Nơi đây không chỉ có những đồi chè trải dài tới tận chân trời, mà còn là những hàng hoa anh đào đang thi nhau đua nở, rực rỡ bừng sáng một vùng trời.
Đánh chén một bữa no nê, cả đoàn chúng tôi ai cũng díu hết mắt lại, thế là chẳng ai bảo ai, chúng tôi quay đầu về homestay. Căn phòng chúng tôi chọn nằm giữa núi rừng, mái lá của căn chòi như hòa quyện vào từng cành đào hồng thắm. Anh em cười bảo nhau rằng mùa đào năm nay thể nào Sapa cũng rực rỡ sắc màu cho xem.
Khi màn đêm buông xuống, theo lời mách của anh chủ homestay, chúng tôi gửi xe lại, cuốc bộ men theo bờ hồ trung tâm thị trấn và sà vào quán nướng ven đường. Quả là thời tiết se lạnh của Sapa sinh ra là để ăn nướng, có lẽ ai chưa thử món này thì chưa thể tự tin nói rằng mình đặt chân lên Sapa. Rượu vào lời ra, anh em tôi huyên thuyên về đủ thứ chuyện, những câu chuyện mãi chẳng dứt của những gã đàn ông mê xe, nhất là chiếc Pajero Sport mà chúng tôi sử dụng trong chuyến đi này.
Câu chuyện vơi dần, chúng tôi bảo nhau đứng dậy rảo bước nhà thờ đá, nhìn ngắm dòng người thưa thớt trong ánh đèn vàng.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi thức dậy trong cái lạnh 8 độ C của vùng cao, ngắm nhìn làn sương hững hờ trôi. Sáng nay, chúng tôi thẳng tiến đến tu viện Tả Phìn, thuộc bản Tả Phìn, cách nơi chúng tôi nghỉ chân chừng 12km về hướng Đông.
Năm 1942, 12 nữ tu khổ hạnh thuộc dòng Nữ tu Hội Thánh Kitô cải giáo bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản đã về nơi đây, biến tu viện này thành nơi cung cấp thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của quân nhân, bên cạnh đó, các nữ tu khổ hạnh đã tích cực tham gia nghiên cứu, phổ biến kỹ thuật canh tác tại địa phương, tập trung vào các loại cây ăn quả, cây lương thực vùng ôn đới.
Đến năm 1945, do tình hình an ninh vùng biên giới bất ổn, đoàn nữ tu đã di chuyển về Hà Nội, bỏ hoang tu viện. Trải qua thời gian, tu viện cổ Tà Phìn giờ đã chỉ còn lại những bức tường bao quanh, lưu giữ lại được mảng tường rêu phong, nhuốm màu thời gian giữa sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.
“Vào đến đây rồi chẳng lẽ lại không bản người Dao?”, ông anh đi cùng gợi ý. “Oke anh”, chúng tôi lên tiến tới bản của người Dao cách đó khoảng 3km. Đường vào bản nhỏ, quanh co và nhiều đoạn dốc cao, may nhờ hệ thống 4WD của Pajero Sport, chúng tôi mới “nhọc nhằn” tới nơi.
Đón chào anh em chúng tôi là nụ cười thân thiện của những đứa trẻ vùng cao hồn nhiên, ngây thơ cũng như những câu chào hỏi tình cảm của những người dân bản địa. Những mái nhà gỗ đơn sơ, sự độc đáo trong trang phục của người Dao Đỏ nơi đây khiến chúng tôi lưu luyến chẳng muốn rời đây.
4 giờ chiều, chúng tôi quyết định lên đường trở về lại Hà Nội. Sau cả một hành trình dài làm tài xế, bắt đầu thấy cơ thể rã rời, tôi quyết định làm hành khách chặng đường về. Giao chìa khóa xe cho thằng em, không quên nhắc vui “chạy từ từ cho anh còn ngủ”, leo lên hàng ghế sau, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Trở về nhà, nằm dài trên ghế sofa, bật điện thoại xem lại những bức ảnh của chuyến đi vừa qua, tôi mỉm cười một mình. Có lẽ, những chuyến đi vô tư, không quá bận tâm chuyện kế hoạch từng bước sẽ là dấu ấn trong đời tuổi trẻ của anh em tôi.