Formula 1 – Sự kiện thể thao tốc độ lớn nhất hành tinh sẽ như thế nào!?

Công thức 1 hay Formula 1 là giải đua tốc độ danh giá nhất hành tinh. Một giải đua mà ở đó các cố máy tranh tài hội tụ những công nghệ tinh tuy nhất của ngành công nghiệp oto.

Rất nhiều công nghệ trong số này được chuyển giao sang dòng xe thương mại và chúng ta là những người được hưởng lợi. Việc tổ chức giải đua như vậy ở bất kỳ quốc gia nào cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự phối hợp của rất nhiều bộ phận để đảm bảo rằng sự kiện thể thao bậc nhất này được tổ chức và mang đến người xem trải nghiệm tốt nhất, và hơn cả, được truyền trực tiếp đến gần 1 tỷ người xem trên toàn cầu.

Việt Nam sẽ đăng cai một chặng đua, bắt đầu vào tháng 4 năm 2020 và mặc dù thông tin có thể khá im ắng trong giai đoạn này, nhưng BTC F1 đang vào giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho sự kiện lớn nhất hành tinh về đua xe sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Như đã nói, nếu bóng đá là môn thể thao vua với đỉnh cao là giải World cup, thì trong đua xe F1 là kẻ thống lĩnh. Ngày hội F1 được chia đều làm 21 chặng trên toàn thế giới, và VN tất nhiên sẽ rất vinh dự khi được tổ chức 1 chặng trong số này. Đường đua ngày đêm xây dựng, bộ máy nhân sự ngày đêm được đào tạo để làm nên sự kiện thể thao lịch sử lần đầu tiên tại VN. Và vé đã và đang được bán đến tay những người hâm mộ, nhưng cũng nhiều trong số đó có thể chỉ vì hiếu kỳ, hoặc thậm chí là những người muốn một tấm vé như một món quà cho ai đó.

Nhưng có lẽ không nhiều trong số những người có vé hình dung F1 sẽ diễn ra như thế nào.

Thực chất F1 không chỉ là giải đua của những chiếc xe F1 (xe mà bánh lòi ra xong chạy gần 360km/h ý), mà nó là ngày hội của đua xe oto, ngày hội của motorsport đúng nghĩa. Trong 3 ngày thứ 6-thứ 7-CN , đường đua sẽ được lấp kín bởi các thể loại đua tốc độ.

Thường thì ngoài cuộc đua chính là F1, có thêm các cuộc đua phụ (support race) sử dụng các loại xe khác nhau từ Touring, Porsche, tới Super Car, từ F2 tới F3 được tiến hành đồng thời. Tùy thuộc khả năng của mỗi quốc gia tổ chức mà các giải đua phụ khác nhau.

Vào 3 ngày cuối tuần, với số lượng cuộc đua lên đến 4 phát/ ngày, đường đua luôn được lấp đầy bởi tốc độ, âm thanh khủng khiếp, mùi lốp, các pha qua cua nghẹt thở, thậm chí tai nạn cũng trở thành 1 yếu tố của ngày hội.

Với tấm vé F1 trên tay, người tham gia sẽ không lo buồn hay đói, hay không đủ chỗ tiêu tiền. Hệ thống cung cấp đồ ăn thức uống luôn đủ sức đáp ứng vài trăm ngàn người cùng lúc. Các khu trưng bày của các đội đua, các cửa hàng bán giày dép áo mũ của F1 luôn làm vừa lòng quí khách. Thậm chí đối với 1 số người đủ tiền hoặc đủ quan hệ, sẽ có tay đua đưa họ làm vài vòng trên đường đua để biết thế nào là tốc độ. Chả bao giờ sợ buồn hay mệt, với các khách VIP (mua vé hạng đắt tiền hoặc khách mời của F1) còn có cả khu nghỉ ngơi hạng 5 sao với các em xinh tươi mang champagne ướp lạnh cùng nho tươi đến tận chỗ nằm.

Những điều nói trên là mô tả F1 theo cách thông thường.

Nhưng ở VN thì có đôi chút khó khăn nho nhỏ. Việt nam không có lịch sử đua xe, tất cả những giải đua chúng ta từng có chỉ gói gọn ở hạng phong trào. Cuộc đua chuẩn quốc tế chỉ vỏn vẹn đôi lần, đó là giải đua RFC những năm 2014-2015, rất tiếc sau đó ngôi sao này trở thành ngôi sao băng. Đấy là tất cả những gì chúng ta có, mặc dù serie giải đua offroad RFC khá nổi tiếng, nhưng nó cũng ở hướng khác của thể thao tốc độ, nơi Hiệp hội đua xe thế giới ban hành các luật lệ của họ.

Thế nên ngày hội F1 ở Việt Nam có thể sẽ hoàn toàn theo 1 phương thức khác.

Vì chúng ta không có motorsport nên các giải đua phụ trự cho F1 cây nhà lá vườn sẽ không có. Điều này khiến BTC sẽ phải lo phương án tìm kiếm các giải đua phụ trợ của các quốc gia lân cận, ship nguyên mấy cái support race từ nước ngoài về để lấp vào khoảng trống và cho chúng ta trải nghiệm F1 đúng nghĩa. Và để làm vậy thì đương nhiên phải tốn tiền nhưng nếu điều này xảy ra, thì câu hỏi là số tiền bỏ ra sẽ trụ được mấy năm? Và nếu việc thu tiền từ bán vé F1 ở VN không được thuận lợi như kỳ vọng.

Có thể BTC làm đầy giải đua bằng những hoạt động mà chúng ta có sẵn : Sơn Tùng MTV hát phía Mai Dịch, Mỹ Tâm đầu Láng Hòa Lạc, còn Hồ Ngọc Hà sẽ đảm nhiệm khán đài chính chỗ SVD Mỹ Đình.

Nghe hợp lý mặc dù chả liên quan. Nhưng hiệu quả thì có khi còn hơn đua xe, vì Sơn Tùng tất nhiên là dễ hiểu hơn F1, không có thể thức tính điểm và các điều lệ hết sức phức tạp.

Trong phương án xây dựng đua xe từ nội lực, chúng ta gặp khó khăn với các quy định tiêu chuẩn FIA. Cứ cho là các tay đua đường phố nước ta có trình độ ngang bằng Tây rồi, việc phát cho họ cái bằng đua xe khá nhanh và đơn giản. Nhưng việc kiếm cho họ cái xe đúng chuẩn nghe chừng có vẻ khó hơn. Cần hiểu đúng rằng các tiêu chuẩn đặt ra không phải để làm khó các quốc gia mới, các quốc gia đang muốn xây dựng thể thao tốc độ. Tiêu chuẩn là để đảm bảo an toàn cho cuộc đua, đảm bảo an toàn cho các tay đua và đường nhiên, an toàn cho chúng ta, những người bỏ không ít tiền để tận hưởng ngày hội tốc độ. Sẽ là thảm họa nếu sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này lần đầu được tổ chức tại Hà Nội và có một tai tạn thảm khốc ngay cả trên đường đua cũng như ngoài khán đài.

Sẽ có ý kiến chất vấn rằng tại sao không đưa những cuộc đua tốc độ của đám xe offroad vốn được chế tạo thủ công bởi người Việt, ở mức tốc độ nhanh hơn thì có CLB bán tải , và sau đó có thể dùng gokart. Dù sao thì cũng sẽ rất hài hước khi mà các chiếc xe nói trên có thể hỏng hoặc bẹp dí sau 1 vòng đua. Chả cái nào có khả năng chạy 90 phút để hoàn thành cuộc đua của mình.

Chúng ta còn có thể sử dụng các loại hình thể thao chuyển động sẵn có : marathon, đua exciter 150, winner 150, hoặc các anh đầu xanh đầu đỏ chạy wave max speed 90km/h với chân chống quẹt lửa. Tất cả đều có vẻ sai sai thế nào ý. Đua xe đạp sẽ là bộ môn chuẩn chỉ nhất trong chuỗi hoạt động này. Nhưng sự kết hợp sẽ khá lố lăng.

F1 năm 2020 đang đến, và bằng cách nào đó nó sẽ diễn ra. Cuộc đua chính là F1 sẽ có, còn lại ….hãy chờ xem!

Lân Phạm

Bình luận