Những điều thú vị về chiếc Ferrari SF90 – chiếc siêu xe khởi đầu kỉ nguyên mới của Ferrari

Không chỉ là mẫu xe flagship, Ferrari SF90 còn là chiếc xe mở ra kỉ nguyên mới cho thương hiệu Italia.

“Flagship” dịch nôm na có thể hiểu là “lá cờ đầu tàu”, các hãng thường dùng từ này để ám chỉ cho những sản phẩm cao cấp, hiện đại bậc nhất của mình.

Với SF90 Stradale, có lẽ từ flagship là không đủ để miêu tả chiếc siêu xe đến từ thương hiệu Italia, khi chiếc siêu xe này thừa hưởng rất nhiều những tinh túy của Ferrari trong suốt hơn 80 năm hình thành và phát triển của hãng, cùng kinh nghiệm gần 100 năm chinh chiến trên mọi mặt trận motorsport.

Vậy, chiếc Ferrari SF90 Stradale có gì thú vị?

Mang công nghệ F1 lên một chiếc xe thương mại

Ngay từ cái tên đã thấy sự đặc biệt của chiếc siêu xe này khi SF90 là tên của chiếc xe đua F1 mà đội đua Scuderia Ferrari sử dụng thi đấu trong mùa giải 2019 – một mùa giải có thể nói là thành công của đội đua đến từ Ý.

Sebastian Vettel cùng Ferrari SF90 F1 chiến thắng tại Singapore 2019.

Vẫn mang những đường nét mềm mại quen thuộc từ 458 Italia hay 488 GTB, tuy nhiên, ngoại hình của SF90 Stradale ngoài mang đến cái nhìn mỹ miều thì quan trọng hơn, đó là giúp chiếc xe tuân thủ tính động học một cách tuyệt đối

Ngày từ phần đầu xe thôi, ta đã thấy sự xuất hiện của những hốc gió lớn, hay thậm chí chi tiết đèn chiếu sáng chính… cũng là một hốc đón gió. Nắp capo cũng xuất hiện hai hốc gió trùng với hốc gió ở cản trước, đảm bảo luồng khí sẽ đi qua hai gương chiếu hậu và đi đến hốc gió sau. Bên cạnh đó, ẩn sau lớp sơn xe là rất nhiều chi tiết carbon nhằm tinh giảm trọng lượng cho xe.

Hai hốc gió lớn phía trước có nhiệm vụ đón gió và làm mát cho két tản nhiệt của động cơ điện, đồng thời đưa gió đi lên đường gió ở nắp capo.
Sau khi đi qua cửa gió trên capo, luồng gió sẽ đi qua kính chiếu hậu và đi đến cửa gió làm mát két nước làm mát động cơ và làm mát khí nạp (intercooler), sau đó đi ra đuôi xe. Vừa tăng lực ép cho xe, vừa làm mát cho hệ truyền động một cách hiệu quả – một công đôi việc.

 

 

Cánh gió sau cũng là một phát minh “vĩ đại” của Ferrari và đã được cấp bằng sáng chế. Thay vì lật lên như bao chiếc xe khác, cánh gió sau của SF90 Stradale lại hạ xuống dưới khi lên những vận tốc cao. Theo như Ferrari công bố, khi đạt vận tốc 250 km/h, chiếc xe sẽ có lực ép là 390 kg xuống mặt đường.

 

Tất nhiên, sự “F1” không chỉ gói gon ở phần ngoại thất, mà còn thể hiện ở phần truyền động của siêu phẩm này, nhất là khi Ferrari SF90 Stradale là

 

Chiếc xe với nhiều thứ đầu tiên

Hệ thống dẫn động 4 bánh và hệ truyền động plug-in hybrid là hai điều nổi bật nhất trong vô vàn điều thú vị của SF90 Stradale.

Mở nắp cốp trước, ngoài ấn tượng là… không gian hành lý rất nhỏ, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng ngay thứ góp phần tạo nên sự nổi bật của chiếc xe: động cơ điện đặt ở cầu trước RAC-e ((Rotation Axis Control-electric).

RAC-e lướt qua sẽ giống với từ RACE – đua, chi tiết khá hay, phù hợp với một chiếc xe mạnh mẽ bậc nhất của Ferrari.

Chúng ta đã có chiếc LaFerari với hệ truyền động hybrid, nhưng nếu xét trên phương diện sử dụng plug-in hybrid thì chiếc SF90 Stradale là chiếc xe đầu tiên. Bên cạnh một động cơ điện kết nối với khối động cơ chính, hai động cơ điện đặt ở cầu trước cùng khối pin dung lượng 7,9 kWh được sạc bằng việc tái tạo năng lượng khi phanh, giúp chiếc xe có thể chạy hoàn toàn bằng năng lượng điện với quãng đường tối đa 27 km. Đồng thời, do Ferrari đã “mạnh dạn” cắt bỏ số lùi của hộp số, nên động cơ điện cầu trước kiêm luôn “số lùi” cho xe.

Và chính nhờ 2 động cơ điện này đã giúp chiếc SF90 Stradale trở thành chiếc Ferrari đầu tiên có hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian.

Phát triển trên nền tảng thế hệ động cơ V8 F154 tương tự Ferrari Roma hay 488 GTB, tuy nhiên, các kĩ sư đã mang lên SF90 Stradale hàng loạt những sự thay đổi để nâng công suất lên tầm cao mới ví dụ như: làm lại toàn bộ buồng đốt, đường khí nạp, cổ góp khí xả và ống xả cũng được thiết kế mới.

Ống xả được làm từ vật liệu Inconel, loại vật liệu tương tự một chiếc xe đua F1. Vì vị trí đặt động cơ rất thấp nên ống xả của chiếc, tất nhiên, cũng được đưa lên cao hơn so với bình thường.

Ngày khi bật nắp động cơ, có lẽ bất cứ ai cũng sẽ phải bất ngờ: sao khối động cơ này lại “lọt thỏm” xuống dưới như vậy. Các kỹ sư Ferrari đã đặt khối động cơ V8 dung tích 4.0L với cấu trúc trục khuỷu chữ thập xuống gần như nằm xuống sát mặt đất. Chiều cao của đuôi xe chỉ rơi vào khoảng 1,2 m, nhưng bạn sẽ còn phải vời xuống rất sau mới có thể chạm tay vào khối động cơ cực kì mạnh mẽ này. Đồng thời, việc cắt giảm số lùi của hộp số giúp tổng thể động cơ trở nhẹ hơn 10 kg, cũng như giúp khối động cơ này trở nên nhỏ hơn.

Cũng là V8 4.0L nhưng động cơ của SF90 Stradale nhẹ hơn 25 kg và đặt thấp hơn 50 mm so với động cơ của F8 Tributo.

Kết hợp hai nguồn động lực này, chúng ta có một chiếc xe sở hữu 986 mã lực cùng 800 Nm mo-men xoắn cực đại, giúp con “quái vật” nặng vỏn vẹn 1,6 tấn này tăng tốc từ 0-100 km/h vỏn vẹn trong 2,5s, từ 0-200k m/h trong 6,7 giây và đạt tốc độ tối đa 340 km/h. Những con số này gần như là tương đồng với  tuyệt phẩm như McLaren Senna hay Koenigsegg One:1, dù SF90 Stradale chưa đạt đến “tầm cỡ” với hai chiếc xe kể trên.

Để kiềm hãm được sức mạnh thì cũng cần đến một hệ thống phanh xứng tầm. SF90 Stradale sử dụng phanh Carbon Ceramic đến từ Brembro. Một cảm biến độc lập với cảm biến áp suất lốp sẽ liên tục theo dỏi nhiệt độ, áp suất không khí trong lốp để đưa ra những thông báo đến tài xế, tránh trường hợp gặp những sự cố đáng tiếc.

SF90 Stradle cung cấp cho chủ nhân 4 chế độ lái: eDrive – xe chỉ chạy bằng động cơ điện, Hybrid – đây là chế độ mặc định, bộ điều khiển trung tâm (hay còn được gọi là logic control) sẽ tắt động cơ đốt trong nhằm giảm mức tiêu hao nhiên liệu và cho phép tài xế khởi động lại động cơ đốt trong nếu tùy ý. Ở chế độ này, hệ thống điều khiển trung tâm sẽ kiểm soát 3 và điều tiết những bộ phận quan trọng như: điều khiển điện áp cao của xe (bao gồm cả pin), hệ thống vectơ mô-men xoắn của động cơ điện RAC-e, MGU-K (thiết bị thu hồi động năng) cùng với động cơ và hộp số.

Chế độ Performance sẽ giữ cho động cơ hoạt động đốt trong trạng thái tối ưu để sạc pin và giữ cho xe luôn phản hồi tức thời nhằm đạt được hiệu suất tối ưu. Cuối cùng là chế độ Qualify, hiểu nôm na là “đua phân hạng”, và đúng như tên gọi, chiếc xe sẽ sử dụng hết tiềm năng của hệ thống truyền lực, ngắt các hệ thống điện tử hỗ trợ và trao cho chúng ta một con quái vật tốc độ gần với những chiếc xe F1 nhất có thể.

Nội thất cuốn hút bởi công nghệ

Là một chiếc xe siêu xe với nhiệm vụ tối thượng là mang đến sự hào hứng khi vận hành cho chủ nhân, dễ hiểu khi sự ưu ái của chiếc xe phần lớn đều dành cho ghế bên người lái.

Tất cả những nút bấm trên xe đều là cảm ứng, và gần như tích hợp toàn bộ lên vị trí người lái, giúp tài xế không bị phân tâm và rời tay khỏi vô lăng khi muốn tùy chính một thông số nào đó. Tất nhiên, Ferrari cũng không quên người cạnh khi màn hình giải trí trung tâm nhỏ nghiêng về phía ghế phụ và gần như không thể thao tác từ vị trí ngườ lái, giúp cho hàng khách phần nào “san sẻ” với tài xế, cũng như xem được những thông số của xe như tốc độ, vòng tua máy, biểu đồ lực G… Nhưng suy cho cùng, việc làm hàng khách trong Ferrari cũng để hào hứng cho bất kì ai mà không cần đến những phương tiện giải trí.

 

 

 

Ẩn sau vô lăng là màn hình kích thước rất lớn – 16 inch và hiển thị toàn bộ những thông tin của chiếc xe và thậm là cả… camera lùi. Đây có lẽ là màn hình tốc độ lớn nhất từng xuất hiện trên một chiếc Ferrari.

Loại bỏ những cần gạt như thông thường, những chức năng cần thiết đều được Ferrari tích hợp lên vô lăng.
Bạn cũng sẽ không thể tìm thấy nút khởi động thông thường mà sẽ là thao tác “slide to start” trên vô lăng. Bên cạnh chi tiết thú vị này, nút điều chỉnh hệ thống Traction Control – thứ tối quan trọng ảnh hưởng đến cảm xúc chạy xe cũng hiện diện đầy nổi bật trên vô lăng.
Khu vực trung tâm được đặt thấp với nổi bật là cần số dạng nút gạt, hai nút điều khiển cửa kính và vị trí để nước cũng như điện thoại.
Chìa khóa có một khay để riêng biệt, chẳng phải công nghệ gì cả mà theo như Ferrari chia sẻ, việc chìa khóa đặt như vậy sẽ tăng tính thẩm mỹ cho không gian nội thất.
Chiếc xe xuất hiện trong bài viết không được trang bị gói trang bị cắt giảm tối đa trọng lượng nên những chi tiết được coi là “xa xỉ” trên một chiếc siêu xe như hệ thống âm thanh JBL hay ghế điện vẫn xuất hiện.
Ghế lái có thêm nhớ ghế 3 vị trí. Nút mở nắp capo, nắp bình xăng và cổng sạc được đặt lên đưa lên tay nắm cửa, dễ dàng thao tác chi tài xế.

Ferrari SF90 Stradale đang được Supreme Auto – nhà phân phối chính hãng Ferrari tại Việt Nam nhận đặt hàng. Thật khó để có thể đánh giá một chiếc xe có giá lên đến 35 tỷ đồng hay hay dở, nhưng tôi tôi cá chắc rằng mỗi chúng ta sẽ đều choáng ngợp với hàm lượng công nghệ mà chiếc xe mang trên mình. Và cũng qua SF90 Stradale, chúng ta có thể thấy những chiếc xe thương mại đang tiệm cận với những chiếc xe đua – những chiếc xe tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ phù hợp để xuất hiện trên đường phố – đến nhường nào.

Bình luận