Sở hữu ô tô chạy điện: Vạn sự khởi đầu nan

Chỉ trong vòng một thập kỷ, những chiếc xe chuyển mình từ cỗ máy vô tri vận hành dựa trên nhiên liệu hóa thạch trở thành phương tiện điện hóa, thông minh và kết nối rộng khắp.

Avatar của Nguyễn Liên

Sự thay đổi này đồng nghĩa trong những năm tới, sự phát triển của công nghệ sẽ không chỉ thay đổi cách thức cầm lái của mỗi người, mà còn khiến bức tranh giao thông đô thị trở nên vô cùng khác biệt. Tuy nhiên, những khác biệt này cũng sẽ là cú sốc với người dùng, nếu họ không nắm bắt chính xác việc ô tô điện có thể đem lại những thứ mới mẻ lạ lẫm như thế nào. Dưới đây là những vấn đề bất kì người dùng nào cũng cần lưu tâm, khi mạnh dạn quyết định sẽ sở hữu sớm những chiếc ô tô chạy điện phục vụ nhu cầu bản thân lúc này.

  1. Kế hoạch tài chính khác thường

Xe điện thường được hưởng nhiều ưu đãi do nằm trong nhóm phương tiện thân thiện môi trường. Do đó, so với xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch, các loại xe điện thường được miễn giảm thuế phí, thậm chí hưởng ưu đãi lãi suất, phí trước bạ… Điều này khiến mức chi phí và lộ trình thanh toán thường rất khác với các loại xe truyền thống.Nếu không dư dả tiền bạc để chi trả dứt điểm một lần, bạn nên tham khảo kĩ những khác biệt này để tránh rơi vào tình huống khó xử trong kế hoạch tài chính dài hạn của mình. Mặt khác, do là loại phương tiện mới, các chính sách liên quan tới xe điện chắc chắn cũng sẽ thay đổi liên tục, có thể khiến mọi kế hoạch mua sắm bị đảo lộn.

  1. Chưa có nhiều lựa chọn

Dù là trào lưu đang nở rộ, xe điện chưa có nhiều lựa chọn vào lúc này. Hầu hết các hãng ô tô mới chỉ có một vài biến thể thuần điện trong danh mục sản phẩm, trong bối cảnh xe hybrid vẫn đang là giải pháp điện hoá phổ biến hơn cả. Tại Việt Nam, tình trạng này càng “tệ” hơn. Ngoại trừ một số mẫu xe siêu sang nhập khẩu qua các kênh không chính hãng, Porsche Taycan và e34 là những mẫu xe điện tiên phong được rao bán qua kênh chính thức, nhưng mới chỉ có chiếc xe thể thao nước Đức đã thực sự ra đường trong khi chiếc crossover cỡ nhỏ của VinFast tới nay vẫn chưa biết ngày chính thức lộ diện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các thương hiệu đều đã vạch sẵn lộ trình tung ra xe điện nhằm phục vụ người dùng trong nước, tình hình chắc chắn sẽ có biến chuyển trong một vài năm tới.

  1. Chi phí sử dụng xe điện chưa chắc rẻ hơn

Nhiều người kì vọng về việc chuyển sang sử dụng xe điện có thể giúp tiết kiệm chi phí so với xe động cơ đốt trong truyền thống. Điều này không hoàn toàn đúng. Mặc dù xe điện có lợi thế lớn về tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, nhưng lợi ích thực sự chỉ có thể cảm nhận được sau một thời gian sử dụng đủ dài, thường từ 4-5 năm.

  1. Phần trăm pin không quan trọng bằng hành trình và thời gian sạc

Vào lúc này, xe điện vẫn là công nghệ mới, do đó chi phí tổng thể (bao gồm cả dịch vụ) thường khá đắt đỏ, dẫn tới chênh lệch chi phí trong sử dụng thường ngày không thấp hơn so với xe xăng hay dầu. Thậm chí ở các dòng hạng sang, xe điện đắt đỏ hơn đáng kể. Đó là chưa kể tới các yếu tố khác như giá điện tính luỹ tiến hay có sự điều chỉnh khi mùa nóng tới gần. Tất cả những điều này đều đồng nghĩa người dùng sẽ chịu thêm áp lực về chi phí trên mỗi km di chuyển.

  1. Thách thức trong khả năng đáp ứng nhu cầu sạc điện cho xe

Mặc dù về lý thuyết, những loại xe điện tốt nhất lúc này có thể đạt hành trình hàng trăm km, không thua kém gì xe sử dụng động cơ đốt trong với xăng/dầu đầy bình. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn xe thương mại hoá phổ biến đều là dòng bình dân giá rẻ với chỉ số quãng đường đi được/lần sạc khá khiêm tốn. Đó là chưa kể số liệu mà các nhà sản xuất công bố cũng nặng về lý thuyết. Chính vì vậy, việc thường xuyên lưu ý tới số km còn lại trên công tơ mét để di chuyển sao cho hợp lý giữa các điểm sạc là điều rất quan trọng.

Cũng cần phải nói rằng, ô tô điện không nhất thiết phải sạc tới 100% một cách thường xuyên. Tương tự như điện thoại di động, pin xe trong suốt vòng đời chủ yếu sẽ sạc tới 70-80%. Do đó, khi đánh giá về pin một chiếc xe điện, thời gian sạc từ 10% tới 50% hay 80% có vai trò quan trọng hơn nhiều so với tổng thời gian sạc từ 0-100%. Thực tế này cũng là lý do các nhà sản xuất thường chú trọng cải tiến pin để rút ngắn thời gian sạc ban đầu, khiến hầu hết ô tô điện trên thị trường thường có thể sạc pin từ 0% tới 80% pin rất nhanh chóng.

 Phải ra trạm, cách hiểu lầm một phần do tư duy quá quen với các phương tiện chạy bằng xăng, dầu diesel. Với xe điện, câu chuyện hoàn toàn khác hẳn, bởi phương tiện mới này có thể sạc ở nhiều nơi, thậm chí ngay tại nhà, ở các tốc độ khác nhau.

Dù theo chuẩn gì hay sử dụng dòng điện ra sao, các nhà sản xuất thông thường thiết lập ba ngưỡng tốc độ sạc khác nhau cho một chiếc ô tô điện, để người dùng có thể dựa trên đó đưa ra phương án sử dụng phù hợp nhất. Ở cấp độ chậm nhất, người dùng có thể cắm trực tiếp vào ổ điện 220v gia dụng (qua adapter tương tự như thiết bị số). Thời gian sạc ở dạng này sẽ khá lâu để đầy bình, có thể tới 20-30 tiếng. Tuy nhiên, với những người hằng ngày chỉ di chuyển không tới 100km, việc sạc xe tại gia hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu.

Cấp độ sạc thứ hai cho thời gian sạc đầy pin xe ngắn hơn đáng kể. Giải pháp này thường đòi hỏi hộ gia đình phải có nguồn điện ổn định ở công suất cao, thậm chí là đường điện ba pha tương tự như lắp đặt thang máy. Việc đầu tư thêm bộ sạc chuyên dụng với giá trung bình vài ngàn USD cũng không thể tránh khỏi.

Tốc độ sạc nhanh nhất có thể đạt được với sạc dòng điện một chiều tại các trạm chuyên dụng. Ở các trạm này, xe có thể nạp tới 80% pin trong chưa đầy 1 tiếng, do đó rất thích hợp cho việc sạc điện khi đang trong hành trình. Nói nôm na, các trạm sạc nhanh có thể ví như cây xăng hiện nay, khi bạn cần tạt vào ít phút và nhanh chóng trở lại cung đường đang di chuyển.

  1. Tác động tiêu cực từ khí hậy và điều kiện vận hành

Đỗ xe vài tiếng dưới cái nắng chói chang của mùa hè nhiệt đới có thể không khiến xăng của xe vơi đi, nhưng dễ dàng làm pin xe điện hao hụt. Cùng với đó, việc điều hoà phải tải nặng hơn, hay hệ thống sưởi làm việc vất vả hơn đều ảnh hưởng tiêu cực tới lượng điện còn lại trong pin xe. Nói cách khác, quãng đường đi được của xe điệnchịu tác động từ điều kiện môi trường và các tiện nghi lớn hơn so với xe xăng, dầu hiện nay. Vì vậy, người dùng cần luôn để mắt tới các chỉ số của xe điện,từ đó tính toán hợp lý để tránh tình huống“đứng đường” trong các hành trình.

  1. Pin ô tô điện xuống cấp theo thời gian

Với một chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong, dung tích bình xăng không thay đổi sau hàng chục năm sử dụng. Tuy nhiên, điều này không đúng với các loại ô tô chạy điện do pin sẽ chai dần sau thời gian sử dụng – tương tự như với điện thoại thông minh hay máy tính xách tay. Tuỳ vào môi trường vận hành cụ thể (nhiệt độ, tần suất sạc, cách thức sạc, thói quen lái xe…) mà tuổi thọ pin trong mỗi xesẽ rất khác nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quãng đường mà bạn đi được sau mỗi lần sạc đầy pin xe. Sau 3 năm, một chiếc xe được quảng cáo 100km/lần sạc khi mới có thể chỉ còn 70km/lần sạc hay thậm chí thấp hơn là điều rất bình thường.

Cũng cần nói rằng, dù hầu hết trường hợp mua ô tô điện trong giai đoạn hiện nay đều là mua mới, nhưng khi thị trường xe điện cũ chắc chắn sẽ trở nên sôi độngsau 2-3 năm tới. Khi đó, chất lượng pin sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định độ “giữ giá” cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu người dùng của mỗi chiếc xe.

  1. Linh kiện thay thế không sẵn

Đây có lẽ là thách thức lớn nhất với những người dùng xe điện. Dù có thuận lợi về độ tin cậy nhờ việc có ít chi tiết chuyển động và kết cấu khép kín, xe điện không hoàn toàn miễn nhiễm với rủi ro. Khi trục trặc xảy ra, chắc chắn người dùng sẽ không dễ dàng tìm thấy người thợ đủ kĩ năng để giải quyết rắc rối, cũng như thứ cần thiết để tiến hành thay thế tức thời – dù là những phụ tùng nhỏ và đơn giản nhất.

Điều này càng trở thành thách thức lớn ở Việt Nam – thị trường thứ yếu trong con mắt của các nhà sản xuất ô tô lớn. Do đó, hãy sẵn sàng cho việc chờ đợi vài tuần, thậm chí vài tháng cho việc đặt hàng phụ tùng thay thế nếu xe có hỏng hóc hay gặp rủi ro từ va chạm giao thông. Mặt khác, khó khăn trong tìm kiếm phụ tùng thay thế cũng đồng nghĩa chi phí cho việc này sẽ tăng cao hơn đáng kể.

  1. Độ tin cậy và tính bền bỉ chưa được kiểm chứng

Với kết cấu đã trải qua cả thế kỷ trên khắp mọi cung đường toàn cầu, xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch gần như đã được tối ưu hoá tới mức hoàn hảo, giúp chúng dễ dàng thích ứng và duy trì hoạt động trong các tình huống khắc nghiệt. Điều này lại là điểm yếu của ô tô chạy điện.

Dù số lượng xe điện mới chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số ô tô toàn cầu, tần suất xảy ra rủi ro liên quan tới độ tin cậy đang ngày càng cao, ám ảnh các dòng xe điện. Điều này xảy ra ngay cả với những gương mặt nổi bật nhất hiện nay như Tesla Model S, Audi e-tron, Hyundai Kona EV, KIA Niro… dẫn tới những đợt triệu hồi số lượng lớn. Đầu năm 2021, Hyundai đã phải triệu hồi số lượng lớn Kona EV để thay thế pin, sau nhiều trường hợp hoả hoạn. Về phần mình, GM mới đây phải khuyến cáo người dùng Chevrolet Bolt EV không đỗ xe trong nhà hay cắm sạc qua đêm với lo ngại về nguy cơ cháy. Sự yếu ke Tesla Model Y còn bị Consumer Reports (Mỹ) chấm điểm tin cậy chỉ 1/5 sao, điều hiếm thấy với các xe chạy bằng xăng, dầu.

  1. Mất giá nhanh chóng

Là tài sản giá trị cao, yếu tố giữ giá luôn là điều được người dùng quan tâm khi tìm kiếm một chiếc ô tô cho bản thân. Đáng tiếc, đây lại là một điểm yếu nữa của xe điện. Theo khảo sát của iSee Cars, giá trị một chiếc sedan chạy xăng hay dầu mua mới sẽ giảm trung bình 39% sau 3 năm sử dụng. Con số này với xe bán tải là khoảng 34%. Trong khi đó, một chiếc xe điện sẽ mất khoảng 52% giá trị trong cùng khoảng thời gian, tương đương 1,4 lần. Với các dòng xe điện hạng sang hoặc ít phổ biến, tỉ lệ chênh lệch còn lớn hơn.

Lý giải cho việc xe điện dễ mất giá, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh chính là “thủ phạm”. Việc xe điện hội tụ hàng loạt giải pháp công nghệ cao trở thành con dao hai lưỡi, khi vừa tạo ra sức hấp dẫn để thuyết phục người dùngnhưng song song với đó là sự lỗi thời nhanh chóng.

  1. Nguy cơ trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ và chính sách bảo hiểm

Theo khảo sát, hầu hết các hãng bảo hiểm tại Việt Nam ở thời điểm này chưa hề có chính sách rõ ràng đối với các loại xe điện. Trong khi đó, khả năng ứng phó sự cố xe điện của các trung tâm kĩ thuật, lực lượng chức năng… vẫn là dấu hỏi lớn.

Với kết cấu hệ truyền động hoàn toàn khác với xe truyền thống, ô tô điện không thể được cứu hộ một cách dễ dàng chỉ bằng việc kéo lê trên đường – có thể gây hư hại mô tơ điện và hệ thống phanh hồi năng lượng. Thay vào đó, hầu hết các tình huống sẽ cần tới xe chuyên chở vốn cồng kềnh và khó vào các ngõ nhỏ. Việc thiết lập cấu hình để xe chuyển vào chế độ an toàn cho việc di chuyển thụ động cũng là điều chưa một trung tâm cứu hộ nào được huấn luyện. Bên cạnh đó, những rắc rối thường nhật cũng rất khó để người dùng tự giải quyết, mà hầu như mọi trục trặc của xe điện đều sẽ cần tới sự trợ giúp của nhà sản xuất.

Trong khi đó, ngay cả ở các quốc gia phát triển, việc xử lý các tình huống va chạm, tai nạn với xe điện vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi xảy ra cháy nổ. Là phương tiện mới, xe điện sử dụng nhiều vật liệu hiện đại, đòi hỏi cách thức và quy trình dập lửa riêng. Kết cấu khác biệt cũng thay đổi cách cưa, cắt xe khi cần giải cứu người mắc kẹt bên trong. Việc cưa nhầm khối pin lithium hay các thành phần điện thế cao có thể dẫn tới muôn vàn rủi ro đối với lực lượng cứu nạn.

Tuy nhiên, dù còn đối mặt nhiều thách thức, các loại ô tô điện đang nhanh chóng nhập cuộc chơi mới để trở thành phương tiện di chuyển chủ đạo của nhân loại trong những thập kỷ tới. Việc đã được người dùng chấp nhận rộng rãi tại nhiều khu vực trên thế giới là tiền đề giúp xe điện được các nhà sản xuất coi trọng, đưa vào nhóm sản phẩm chiến lược để tập trung đầu tư. Lợi thế này sẽ giúp những chiếc xe điện tăng tốc độ “phổ cập”.  Với người dùng ưa thích trải nghiệm công nghệ mới, giờ chính là lúc nên tìm hiểu và chủ động thích ứng theo nhu cầu bản thân để tránh bị “sốc”.

nguồn: VOV

মন্তব্য