Báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết trong tháng 8/2021 có 8.884 xe được bán ra, giảm 45% so với doanh số của tháng 7. Trong số đó bao gồm 6.231 xe du lịch, 2.344 xe thương mại và 309 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 40%, xe thương mại giảm 55% và xe chuyên dụng giảm 33% so với tháng trước.
Đây là tháng thứ 5 liên tiếp thị trường có sự sụt giảm về doanh số bán lẻ. Theo đó, doanh số các tháng bắt đầu giảm từ tháng 4 với 3,7% so với tháng 3, mức giảm của tháng 5 là 15% so với tháng 4, mức giảm của tháng 6 là 8% so với tháng 5, mức giảm của tháng 7 là 32% so với tháng 6.
Đáng chú ý tháng 8/2021 cũng là tháng doanh số thấp nhấp của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay. Trong đó, lần gần nhất thị trường ô tô có doanh số rất thấp là tháng 2/2016 (tháng Tết Nguyên đán) với 11.718 xe.
Tình trạng khó khăn tương tự cũng được ghi nhận đối với các nhà sản xuất ngoài VAMA. Theo báo cáo của VinFast, số xe bàn giao cho khách hàng trong tháng 8 của hãng đạt 2.310 xe, trong đó có 2.048 xe Fadil và chỉ 8 chiếc Lux SA2.0. Tuy nhiên, phần lớn số xe này đều đã được ký hợp đồng giao dịch từ giai đoạn trước, không hoàn toàn là xe bán ra theo cách hiểu thông thường trong các báo cáo số liệu.
Trong khi đó, doanh số Hyundai bán ra trong tháng 8 là 2.182 xe, chỉ bằng 54% so với tháng 7. Những mẫu xe bị ảnh hưởng nặng nhất của hãng là Grand i10 (chỉ đạt 394 xe, thay vì 805 xe của tháng trước) hay Santa Fe (chỉ 390 xe, thay vì 912 xe trước đó).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào ngày 27/4 đến nay, nhiều nhà máy của thành viên trong hiệp hội đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất.
Những doanh nghiệp đã có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường thì lại gặp trở ngại khác là số lượng xe tồn kho rất lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý. Ước tính khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa, cùng với đó là hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động.
VAMA còn cho biết“Có thể nói chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%”.
Trong danh sách top 10 xe bán chạy, dẫn đầu tiếp tục là Fadil với 2.048 xe được bàn giao. Xếp thứ 2 là Toyota Vios với 987 xe. Nhìn chung hầu hết các mẫu xe đều sụt giảm, duy nhất có mẫu Kia Seltos có mức tăng trưởng dương so với tháng trước với 832 xe cao hơn so với tháng 7 (767 xe).
Dự đoán trong thời gian tới, thị trường ô tô Việt sẽ có nhiều khởi sắc khi tình hình dịch bệnh được khống chế cũng như lệnh giãn cách được dỡ bỏ.