Giải pháp chống tắc đường của Ford: Kiểm soát hành trình thích ứng

Nghe có vẻ ngạc nhiên, nhưng từ lâu các hãng xe như Ford đã có tính năng chống tắc đường giúp người lái thoải mái, an toàn và tiết kiệm thời gian hơn với điều kiện tỷ lệ xe trang bị phải thật cao.

Tắc đường là một trong những nỗi ám ảnh lớn của bất kỳ người tham gia giao thông nào và công nghệ tự lái đang là niềm hy vọng số 1 trong việc khắc phục vấn nạn này. Mới đây, một cuộc thử nghiệm giữa Ford và Đại học Vanderbilt đã chứng minh rằng ngay cả một công nghệ tự lái được coi là “sơ khai” nhất – hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC) – cũng có thể giúp giảm hiện tượng ùn tắc và tăng tính an toàn.

 

 

ACC khác với kiểm soát hành trình thông thường (CC) ở việc thay vì cố định tốc độ di chuyển của xe, hệ thống sẽ cố định khoảng cách với xe phía trước và người lái chỉ việc lựa chọn tốc độ tối đa cho phép. Giả dụ xe đang di chuyển với tốc độ 120 km/h và lựa chọn khoảng cách 100 m với xe phía trước, nếu chiếc xe đó giảm tốc độ xuống 100 km/h, chiếc xe của bạn cũng sẽ giảm xuống 100 km/h và vẫn giữ đúng khoảng cách 100 m một cách tự động mà người lái không cần đạp phanh.

Với tính năng tự động phanh và duy trì tốc độ như vậy, ACC sẽ loại bỏ được hiện tượng “sóng” gây ra khi dòng xe lưu thông bị làm chậm lại do có một chiếc xe phanh gấp hoặc chuyển làn – đây được coi là nguyên nhân chính gây ra tắc đường. Khi này, những xe đi sau sẽ còn phanh gấp hơn xe đi trước do phản xạ của con người luôn luôn bị chậm hơn so với tình huống. Đến một thời điểm, sẽ có một chiếc xe phải phanh đến mức dừng lại, đồng nghĩa với tắc đường xảy ra.

 

 

Hiện tượng “sóng” và cách mà kiểm soát hành trình thích ứng “chế ngự” nó được thể hiện rất rõ trong đoạn clip của Ford. Hãng xe Mỹ và trường đại học đã đưa 36 xe đi đều với tốc độ 96 km/h. Hàng xe đi đầu sẽ giảm tốc xuống còn 64 km/h rồi tăng tốc ngược trở lại. Ngay lập tức, khi không kích hoạt ACC và người lái phải tự phanh, dòng xe bị làm chậm lại nhanh chóng và không đều nhau, xe sau phanh mạnh hơn xe trước nhưng tăng tốc chậm hơn. Thậm chí đã có thời điểm mất an toàn có thể dẫn đến tai nạn dồn toa. Trong khi đó, nếu đã kích hoạt ACC, dòng xe được làm chậm lại một cách đều nhau và tăng tốc với cùng một gia tốc. Khoảng cách giữa các xe luôn được giữ cố định một cách an toàn và không hề có hiện tượng “sóng”.

 

 

Hiện tại ở Việt Nam, vẫn có khá ít xe phổ thông lẫn xe sang được trang bị ACC. Kể cả khi được trang bị, có lẽ tính năng này vẫn không phù hợp với giao thông ở Việt Nam do các xe thường bám khá sát nhau. Nếu kích hoạt ACC, gần như chắc chắn bạn sẽ bị xe khác chen ngay vào giữa và “đẩy” xuống dưới dòng xe.

Bình luận