Trong vòng 11 năm kể từ khi ra mắt, Toyota Innova bán được 107.000 chiếc tương đương gần 800 chiếc/tháng – con số cực kỳ đáng nể cho một chiếc xe cỡ trung. Thành công của Innova đơn giản đến từ việc Toyota quá hiểu thị trường Việt Nam. Một chiếc xe đa dụng, gầm cao, khung gầm rời đi được đường xấu, 7 chỗ, nội ngoại thất vừa mắt không quá “thương mại”, tiện nghi vừa đủ – Innova là mũi tên trúng được quá nhiều đích cho cả khách hàng gia đình lẫn kinh doanh dịch vụ. Sau khi bước sang thế hệ mới, Innova được cải tiến toàn diện và trở thành một chiếc xe cao cấp hơn hẳn đời đầu, tất nhiên đi kèm giá bán cao hơn và từ đó để lộ ra khoảng trống trong danh mục của Toyota.
Và Toyota Rush xuất hiện để lấp đầy khoảng trống đó với những phẩm chất hết sức tương đương.
Người em họ của Innova
Nếu Rush thực sự là một chiếc Toyota từ trong trứng nước, chúng tôi sẽ gọi Rush là em ruột của Innova. Nhưng Toyota Rush xuất thân từ Daihatsu Terios thế hệ mới nhất ra mắt năm 2017. Thế hệ trước đó của chiếc SUV cỡ nhỏ này đã từng rất được yêu thích trong giai đoạn 2008-2011 khi xe nhập khẩu lên ngôi nhờ sự linh hoạt và gầm cao phù hợp với đô thị. Khi bạn mở nắp máy hoặc mở cửa của Rush, bạn sẽ thấy khá nhiều logo và chữ Daihatsu xuất hiện trên các chi tiết khoang máy và khung xe.
Vào thời điểm Toyota Rush chuẩn bị ra mắt, có nhiều thông tin nói rằng đây là một chiếc SUV hạng B, vốn không sai bởi đây đúng là một chiếc SUV và kích thước của xe đúng thuộc vào hạng B. Tuy nhiên gọi Rush như vậy sẽ là thiếu công bằng khi nhìn vào những mẫu xe “cùng hạng” đó như Hyundai Kona, Ford EcoSport hay Honda HR-V. Cả ba chiếc xe này thua kém Rush rất nhiều về mặt công năng khi chiếc xe của Toyota có đến 7 chỗ ngồi, sở hữu bộ khung gầm rời, gầm cao 220mm, góc tới/thoát lần lượt 31/26,5 độ. Chính những thông số gần tương đương xe bán tải/SUV hạng trung này khiến tính cơ động trong địa hình xấu của Rush cao hơn rất nhiều và trở thành một chiếc xe khác biệt hoàn toàn. Ngược lại, Kona, EcoSport và HR-V thời trang hơn nhưng không thể sử dụng đa địa hình như Rush.
Đối thủ chính mà Rush ngắm đến đúng hơn là Mitsubishi Xpander. Hai chiếc xe này khá tương đồng nhau về kích thước và công năng khi cả 2 có thể chở cả 7 người, động cơ dung tích tương đương. Tất nhiên cũng có những khác biệt giữa 2 xe: kể cả so với Xpander thì Rush vẫn nhỉnh hơn về khoảng sáng gầm xe và góc tới/thoát khiến cho khả năng đi đường xấu của Toyota Rush tốt hơn, điều này sẽ được làm rõ ở phía sau bài viết.
Đó là bởi Rush vẫn là một chiếc SUV truyền thống thay cho khái niệm SUV lai MPV của Xpander. Điều này cũng khiến ngoại hình của Rush hợp mắt hơn và thậm chí có thể được gọi là “tiểu Fortuner” ở một số góc nhất định, nhất là phía sau với cụm đèn hậu LED rất giống Fortuner vào buổi tối. Nhờ khoảng sáng gầm xe cao, Toyota Rush khá “trường dáng”. Ngoại hình của xe cũng có những nét hiện đại với cụm đèn pha LED đem lại khả năng chiếu sáng rất tốt trong đêm và bộ mâm 17 inch hai tông màu bổ sung thêm điểm nhấn cho chiếc xe. Tuy nhiên, mặc dù gầm xe khá cao nhưng Rush lại không được trang bị sẵn bệ bước chân, khiến những người cao khoảng 1,7m trở xuống gặp một chút khó khăn nhỏ khi ra vào xe.
Hơn nữa, xe có chiều rộng không lớn, chưa tương xứng với chiều dài và chiều cao tạo cảm giác xe hơi lênh khênh khi nhìn từ bên ngoài. Nhìn chung, những đặc tính trên của Toyota Rush cũng tương đồng Innova bởi như đã nói, 2 chiếc xe này của Toyota sở hữu rất nhiều nét tương đồng. Chỉ có điều, Toyota Rush là một chiếc xe nhỏ hơn.
Công năng là trên hết
Mặc dù vậy, Toyota Rush vẫn đủ chỗ cho 7 người ngồi hoặc thu gọn lại còn 5 hoặc thậm chí 2 ghế để nhường chỗ cho khoang hành lý. Khi xếp đủ 7 ghế, khoang hành lý của xe còn lại vừa đủ để cho những hành lý nhỏ. Trong khi đó, cả 7 người ngồi trên xe cũng sẽ còn khoảng để chân tương đối ổn. Một người cao 1,7m hoàn toàn có thể ngồi vừa hàng ghế thứ 3 mà đầu gối mới chỉ chớm chạm vào lưng ghế phía trước, với điều kiện rằng hàng ghế thứ 2 đã được trượt hết lên trên khoảng 10 cm. Ngay cả trong trường hợp đó thì hàng ghế thứ 2 cũng vẫn thừa không gian cho hành khách. Ngược lại nếu chỉ chở 5 người, chủ xe có thể xếp gọn hàng ghế thứ 3 và đẩy hàng ghế thứ 2 về phía sau xa nhất có thể, khi đó không gian cho người ngồi là cực kỳ thoáng đãng và có thể còn tốt hơn nhiều mẫu xe hạng D.
Mặt khác, do chiều rộng hẹp nên nếu hàng ghế thứ 2 phải chở đủ 3 người lớn thì họ sẽ phải chạm vai với nhau. Và khoảng cách về mặt kích thước (và 100-200 triệu trong giá bán) giữa Innova và Rush được thể hiện rõ nhất ở hàng ghế thứ 3 khi Innova (ngoại trừ bản V) là một chiếc xe 8 chỗ, tức có thể ngồi 3 người ở hàng ghế cuối cùng trong khi Rush chỉ chở được tối đa 2 tại vị trí này. Dù sao, Rush cũng có đầy đủ 2 dàn lạnh dùng cho 3 hàng ghế giống như người đàn anh, thậm chí còn sở hữu hệ thống âm thanh 8 loa với 2 loa dành riêng cho hàng ghế cuối trong khi Innova chỉ có 6 loa. Ngoài ra, Toyota cũng có đến 6 túi khí, chống trượt và hỗ trợ khởi hành ngang dốc – đây đều là những tính năng an toàn rất thiết thực cho một chiếc xe đông người trong những hành trình dài.
Một điểm đáng tiếc rằng Rush chỉ được trang bị ghế nỉ thay cho ghế da nhưng ít nhất Toyota cũng đã chăm chút về mặt thẩm mỹ cho khoang nội thất của chiếc xe. Giống như Vios, bảng táp-lô của Rush cũng có những đường chỉ giả trên bề mặt táp-lô nhựa hai tông màu. Màn hình cảm ứng 7 inch của xe khá hiện đại với thao tác cảm ứng nhạy, mượt mà, giao diện đẹp và đầy đủ các tính năng giải trí quan trọng như USB và Bluetooth. Vô lăng của chiếc xe là loại 3 chấu bọc da khá đẹp với phím bấm chỉnh âm lượng, tuy nhiên lại không được trang bị tính năng kiểm soát hành trình. Bảng đồng hồ của xe thiết kế khá giống Innova với các chấu phát sáng đẹp mắt, dễ nhìn.
Có thể đây là một biện pháp cắt giảm chi phí: Toyota Rush không có nút khóa/mở khóa trung tâm riêng biệt mà được tích hợp luôn vào nút khóa/mở khóa bên phía tay cửa người lái. Ngoài ra, cửa xe sẽ tự động khóa khi chiếc xe đạt vận tốc 20km/h trở lên nhưng lại không tự động mở khóa khi người lái kết thúc hành trình và vào số P – một tính năng khá phổ biến ở các mẫu xe tự động ngày nay nhưng lại không có mặt trên Rush.
“Rush” nhưng không vội
Từ “Rush” trong tiếng Anh có nghĩa là “vội vã” nhưng lựa chọn động cơ của chiếc xe cũng chỉ tương đồng với các mẫu xe đối thủ. Với công suất 102 mã lực và mô-men xoắn 134 Nm từ cỗ máy 1.5L, rõ ràng tăng tốc không phải thế mạnh của Rush hay bất cứ một mẫu xe 7 chỗ nào trong tầm giá này. Mặc dù vậy, các kỹ sư đã hiệu chỉnh cho Rush một chân ga rất nhạy ở nước đầu mà chắc chắn bạn sẽ phải mất thời gian làm quen, kể cả nếu bạn đã từng lái những chiếc xe có dung tích động cơ lớn hơn. Điều này cho thấy rằng con số không nói lên tất cả về sức mạnh của một chiếc xe hơi mà nó còn tùy thuộc vào căn chỉnh hộp số, phản ứng ga của mỗi nhà sản xuất.
Một điểm nữa đóng góp vào khả năng tăng tốc tốt của Rush là việc sử dụng hệ dẫn động cầu sau – đây chính là điểm cộng cố hữu của cấu trúc này so với hệ dẫn động cầu trước. Tính tối ưu cho tăng tốc của dẫn động cầu sau càng thể hiện khi chúng ta leo dốc bởi khi đó trọng tâm của chiếc xe sẽ dồn về phía sau nhiều hơn. Chúng tôi đã thử nghiệm chạy đủ tải 7 người lên dốc cao Đền Gióng và xe hoàn toàn leo tốt, có phần tốt hơn Xpander cầu trước.
Tuy nhiên có vẻ như sức mạnh lớn hơn của Rush cũng khiến chiếc xe tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn một chút. Trải qua nhiều loại địa hình, giao thông khác nhau trong một ngày, chiếc xe tiêu tốn khoảng hơn 10 lít/100km khi đo thực tế, không dùng công-tơ-mét trên xe. Đây là điểm có thể hiểu được bởi việc tối ưu nước ga đầu sẽ khiến động cơ phải hoạt động vất vả hơn ở nước hậu: khi chạy cao tốc với tốc độ 80 km/h hoặc 100 km/h, xe đã có vòng tua lần lượt 2.500 v/p và 2.900 v/p – cao hơn những mẫu xe có công suất và hộp số tương đương khoảng 400 v/p. Điều này cũng khiến tiếng máy lọt vào trong nội thất ở tốc độ cao là chủ yếu trong khi tiếng lốp và tiếng gió ở mức vừa phải. Rõ ràng đây là điểm phải đánh đổi nếu bạn muốn có một chiếc xe chở đủ 7 người mà vẫn duy trì được sức kéo tốt.
Phần thành xe được thiết kế khá phẳng và cửa kính của xe to nên không gian khá thoáng đãng, người lái quan sát tốt được tình huống xung quanh và dễ điều khiển chiếc xe trong điều kiện chật hẹp đúng ý mong muốn. Vô lăng của xe có độ nhẹ khiến việc xoay sở xe khá linh hoạt và thoải mái, nhưng sẽ có độ nặng hợp lý khi chạy nhanh để giữ tính ổn định.
Nói về sự ổn định, việc sở hữu một bộ khung gầm dạng thang khiến cho chiếc xe vượt qua những đoạn đường gập ghềnh một cách khá dễ dàng miễn rằng không có tình trạng trơn trượt, bùn đất bởi dù sao Rush cũng chỉ là xe một cầu. Tuy nhiên ở điều kiện đường bằng phẳng, hệ thống treo của Rush hơi êm quá mức cần thiết khiến hành khách không thực sự thoải mái.
Với rất nhiều đích được bắn trúng như gầm cao, 7 chỗ, thương hiệu Toyota, Rush có nhiều lợi thế tại Việt Nam khi một chiếc xe hơi vẫn được coi là một tài sản lớn và tính thực dụng, sử dụng được cho nhiều mục đích, nhiều trường hợp, nhiều điều kiện đường xá sẽ được đánh giá rất cao. Hơn nữa, độ bền bỉ, khả năng giữ giá và chất lượng sau bán hàng của Toyota có lẽ là không phải bàn cãi nếu so sánh trong tương quan với các hãng xe phổ thông khác. Có thể Rush không làm được tất cả mọi nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất có thể như những chiếc xe ở phân khúc cao cấp hơn mà chỉ dừng lại ở mức đáp ứng được, nhưng chỉ riêng điều đó ở một mức giá hoàn toàn chấp nhận được khiến Toyota Rush trở thành một lựa chọn rất đáng cân nhắc.