Hành trình nhiều thăng trầm của huyền thoại “ngựa chồm” nước Ý

Trải qua 72 năm tồn tại, từ một công ty lắp ráp xe đua non trẻ, Ferrari nay đã trở thành một biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới với những chiếc xe đua đỏ đặc trưng mang logo “ngựa chồm” phóng khoáng. Thành công

Lịch sử của thương hiệu xe thể thao nước Ý gắn liền với câu chuyện về cuộc đời nhiều thăng trầm nhưng cũng đầy đam mê của Enzo Ferrari. Lớn lên trong một gia đình chuyên đúc các thiết bị đường ray xe lửa, niềm đam mê đua ô tô đã tiềm ẩn trong Ferrari từ thuở ấu thơ, khi cha mẹ cậu là người đầu tiên trong thành phố có ô tô cho riêng mình. Chặng đường sau này của Ferrari không êm đềm như quãng đời thơ ấu chỉ duy có niềm say mê với những chiếc xe đua của ông là chưa bao giờ thay đổi. 

Năm 1908, cậu bé Enzo Ferrari nhìn thấy chiếc xe đua đầu tiên trong đời khi vừa tròn 10 tuổi và gần như ngay lập tức bị mê hoặc, niềm yêu thích đơn thuần và tự nhiên ấy dần nhen nhóm cho sự ra đời của Ferrari sau này. Từ xuất phát điểm hết sức khiêm tốn, thương hiệu xe thể thao “thành hình” bởi mới đam mê mãnh liệt của chàng trai trẻ Enzo Ferrari dành cho những mẫu chiếc đua, nay đã trở thành thương hiệu cao cấp có ảnh hưởng toàn cầu. 

Năm 2015, Ferrari chính thức xuất hiện trên Thị trường Chứng khoán New York với màn IPO giá trị gần 10 tỷ USD. Hai năm sau, giá trị của công ty này tăng gấp đôi, lên 21 tỷ USD. Đến năm 2019, giá trị thị trường của hãng tăng 270% so với năm 2015, lên mức 27 tỷ USD. Màn tăng trưởng ấn tượng đã giúp Ferrari vượt qua hàng loạt tên tuổi để trở thành thương hiệu giá trị nhất thế giới 2019.

Dẫu vậy nhưng Ferrari không phải sinh ra đã là thương hiệu xe thể thao cao cấp hàng đầu. Từ khởi đầu hết sức khiêm tốn, thương hiệu xe thể thao “thành hình” bởi mới đam mê mãnh liệt của chàng trai trẻ Enzo Ferrari dành cho những mẫu chiếc đua, đã trở thành thương hiệu cao cấp có sức ảnh hưởng toàn cầu, một biểu tượng gắn liền với nước Ý lịch lãm và cuốn hút. 

Biểu tượng chú ngựa chồm đứng bằng hai chân sau, ưỡn ngực, giương cao hai chân trước của Ferrari đại diện cho sự quyến rũ, tiền bạc và cuộc sống cao sang. Ferrari khởi nghiệp với tư cách một công ty sản xuất xe đua quy mô nhỏ, thành công của Ferrari sau này khiến Ford muốn đầu tư vào họ nhưng không thành công. Thú vị thay là Ferrari lại trở thành một phần của FIAT – hãng xe từng từ chối Enzo Ferrari khi ông đến xin việc thời mới xuất ngũ và rồi Ford lại trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất với họ trên các đường đua với những màn so kè ấn tượng.

Hãy cùng nhìn lại trình nhiều thăng trầm và cũng vô cùng tuyệt vời kéo dài hơn 70 năm của thương hiệu nước Ý.

Năm 1908, cậu bé Enzo Ferrari khi đó 10 tuổi được chứng kiến cuộc đua xe hơi đầu tiên và cậu nhanh chóng bị nó cuốn hút, đam mê ấy đã theo đuổi Enzo đến mãi sau này. Nhưng rồi khi tới tuổi thanh niên, Enzo buộc phải nhập ngũ để phục vụ quân đội Ý cho Thế chiến thứ nhất.

Sau chiến tranh, Enzo chật vật tìm kiếm cho mình một cơ hội trong ngành công nghiệp 4 bánh. Chàng thanh niên trẻ tuổi xin vào FIAT nhưng bị từ chối bởi tình hình kinh tế khó khăn khiến việc làm trở nên khan hiếm và FIAT khi đó đã nhận quá nhiều cựu chiến binh thất nghiệp. Cuối cùng, Enzo tìm được một công việc ở một hãng sản xuất xe hơi nhỏ hơn.

Đầu những năm 1920, Enzo bắt đầu gia nhập Alfa Romeo dưới tư cách một tay đua. Đội đua của Alfa Romeo khi ấy khá có tiếng tăm với sự góp mặt của cả huyền thoại Tazio Novolari, người đã từng giành tới 24 giải Grands Prix cùng nhiều danh hiệu khác.

Năm 1929, chàng thanh niên trẻ tuổi Enzo quyết định tách ra thành lập đội đua riêng mang tên gọi Scuderia Ferrari (Team Ferrari). Ở thời kỳ đó, chưa có công ty nào được thành lập chuyên để sản xuất xe và điều hành đội đua như hiện tại nên Scuderia Ferrari đơn thuần là một đội đua nơi tập hợp các tay đua sử dụng chính những chiếc xe mà họ sở hữu. Và đội hình này chủ yếu sử dụng xe của Alfa Rome.

Tới năm 1933, Scuderia Ferrari được sát nhập và trở thành bộ phận phụ trách xe đua của Alfa. Trong thập kỷ này, Enzo đã thu hút một số tay đua vĩ đại nhất thời bấy giờ như Rene Dreyfus, Giuseppe Campari và Tazio Novolari gia nhập vào đội đua của mình. Tuy nhiên, Enzo còn muốn thúc đẩy bản thân hơn nữa với mảng thiết kế máy. Năm 1935, xưởng máy của Scuderia Ferrari đã thiết kế và chế tạo chiếc xe đua đầu tiên mang tên Alfa Romeo Bimotore, đánh dấu những bước đầu tiên trên con đường trở thành một nhà sản xuất xe hơi. Trong năm 1937, những chiếc Alfetta 158 đầu tiên đã được lắp ráp tại Modena dưới sự giám sát của Enzo Ferrari. Năm 1937, Alfa Romeo đưa hoạt động đua xe của mình trở lại, Enzo Ferrari trở thành giám đốc của bộ phận đua xe của Alfa, đồng thời Scuderia Ferrari cũng bị giải thể. Tuy nhiên, Enzo không cảm thấy hạnh phúc với vị trí này và sớm bỏ việc sau hai năm đảm đương vị trí.

Alfetta 158.

Đến năm 1939, một tuần sau khi rời Alfa Corse, tham vọng của Enzo đã khiến ông nhanh chóng thành lập công ty riêng của mình mang tên Auto Avio Costruzioni- tiền thân của Ferrari sau này. Và AAC 815 là chiếc xe đầu tiên mà Ferrari tự mình phát triển. Năm 1940, AAC sản xuất được hai chiếc 815 nhưng cả hai đều bị cấm mang tên Ferrari vì một thỏa thuận không cạnh tranh giữa Enzo và những hãng mà ông từng làm việc trước đây. Thỏa thuận này cấm Ferrari sử dụng tên của mình trên những chiếc xe đua hoặc xe có liên quan tới xe đua trong ít nhất bốn năm.

Mặc dù Thế chiến thứ hai buộc Ferrari phải giảm bớt những hoạt động liên quan tới đua xe nhưng công ty đã trở lại hoạt động ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Năm 1945, Ferrari trình làng động cơ V12 mới, khối động cơ sau này đã làm lên tên tuổi của hãng. Kiên trì phát triển, đến năm 1947, Ferrari trình làng chiếc 125 và đây là chiếc xe đầu tiên mang tên Ferrari bởi thỏa thuận giữa họ với Alfa đã chấm dứt. Đây là cột mốc đánh dấu thương hiệu Ferrari chính thức ra đời, đến nay đã được 72 năm

Thay đổi mang tính bước ngoặt về mặt ý tưởng diễn ra cuối những năm 1940, người có đóng góp lớn trong việc định hướng Ferrari trở thành một hãng sản xuất xe thể thao cao cấp cho mọi người bên cạnh những chiếc xe đua là Luigi Chinetti, một tay đua có tiếng tăm gốc Ý và vừa được nhập quốc tịch Mỹ.

Chinetti đã bắt đầu đua bằng xe của Ferrari và giành chiến thắng tại rất nhiều giải đua toàn cầu. Niềm yêu thích của ông với những chiếc xe đua  Ferrari đã khiến tay đua này quyết tâm tiếp cận và gợi ý cho Enzo Ferrari về triển vọng sản xuất những chiếc xe thể thao mà mọi người đều có thể mua được. Ferrari lúc bấy giờ đã do dự trước ý tưởng của Chinetti vì mục đích chính của ông khi ấy chỉ là chế tạo xe đua. Vào thời điểm đó, Ferrari chỉ sản xuất và bán xe cho những đội đua xe.

Đầu những năm 1950, sau những cân nhắc, Luigi Chinetti đã nhận được những chiếc xe thể thao mà ông muốn và mở một trong những đại lý Ferrari đầu tiên tại Mỹ. Showroom bán xe của Chinetti nằm ở Manhattan nhưng sau này lại chuyển tới Connecticut. Nước Mỹ phóng khoáng với những tín đồ của xe thể thao và những màn rượt đuổi tốc độ sau này đã trở thành một thị trường quan trọng bậc nhất của Ferrari. Thậm chí hiện tại, xứ cờ hoa vẫn là thị trường mang lại cho Ferrari nhiều lợi nhuận nhất. Điều này mở ra một hướng kinh doanh hoàn toàn mới và cực kỳ triển vọng cho Ferrari. Cũng từ đây, những mẫu xe huyền thoại như California Spider, GTO và Testarossa từ đây đã mau chóng xuất hiện.

Có thể nói đây là giai đoạn đỉnh cao của Ferrari, không chỉ gặt hái những thành công bước đầu ở mảng xe thương mại, những chiếc xe đua của Ferrari còn thể hiện sức mạnh vượt trội trên các đường đua với hàng loạt các giải thưởng danh tiếng

Với màn trình diễn ấn tượng của Ferrari, CEO Henry Ford II của Ford đã quyết định hỏi mua mảng sản xuất xe thương mại của Ferrari. Thương vụ thất bại sau khi Enzo phát hiện ra rằng nếu hợp tác họ sẽ phải phụ thuộc vào việc Ford có chịu rót tiền để họ có chi phí tiếp tục tham dự các cuộc đua. Đua xe vốn là đam mê của Ferrari nên không dễ gì người đàn ông cá tính này chịu nhường bước.

Vụ thương lượng không có kết quả êm đẹp này khiến Henry Ford tức giận, ông quyết tâm đánh bại Enzo trong giải đua 24 Hours of Le Mans khởi nguồn cho màn đối đầu mãi đến sau này của hai tên tuổi lớn. Phải kể thêm rằng trong giai đoạn đó, Ferrari đang thống trị Le Mans. Enzo và nhóm của ông đã vô địch giải đua huyền thoại kéo dài 24 tiếng này tới 6 lần liên tiếp, từ năm 1960 tới 1965. Tới năm 1966, mẫu xe mà Ford dùng để thách thức Ferrari đã sẵn sàng. Chiếc GT40 huyền thoại đã được đăng ký để lăn bánh trên đường đua Le Mans. GT40 giành chiến thắng tại Le Mans khi chiếm cả 3 vị trí dẫn đầu, kết thúc sự thống trị của Ferrari sau 6 năm liên tiếp. Trên đà chiến thắng, Ford vô địch Le Mans 4 năm liên tiếp, từ 1966 tới 1969.

Chiếc Ford GT40.

Trong quãng thời gian này, Ferrari gặp rất nhiều khó khăn và lao dốc bởi tình trạng bất ổn lao động ở châu Âu dẫn đến những cuộc đình công kéo dài tại các nhà máy, các quy định an toàn và khí thải mới tại Mỹ thắt chặt cũng khiến thương hiệu nước Ý chật vật. Đến năm 1969, Enzo nhận thấy công ty của ông cần thêm nguồn lực để có thể tiếp tục tồn tại. Năm đó, Enzo đã có một quyết định bước ngoặt là bán tới 50% cổ phần của Ferrari cho Fiat, công ty đã từng từ chối tuyển dụng ông năm nào. Trên thực tế, Enzo đã hợp tác làm việc với Fiat từ giữa những năm 1960, Ferrari khi đó cung cấp động cơ cho những chiếc Fiat Dino, và quyết định bán 50% cổ phần cho Fiat đã khiến Ferrari có hậu thuẫn vững chắc về mặt kinh tế để vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Ferrari tiếp tục giành chiến thắng tại Sports World Championship for Makes tổ chức năm 1972 với chiếc 312 PB. Xác định rõ rằng đua xe thể thao đích thực là linh hồn tạo nên huyền thoại Ferrari trong thời đại vàng trước những năm 1970, cùng với việc giải đua Công thức 1 dần trở nên quan trọng và có tầm ảnh hưởng hơn bao giờ hết nhất là khi có sự tham gia của truyền hình và vô tuyến, Ferrari đã quyết định tập trung toàn lực cho F1. Đó là một quyết định thông minh, 3 chức vô định F1 trong nửa đầu thập niên 70 đã đưa tên tuổi của Ferrari lên cao hơn nữa. 

Enzo Ferrari qua đời vào năm 1988 ở tuổi 90 với đam mê chưa bao giờ tắt cho những chiếc xe đua của mình. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông đã kịp tạo ra chiếc xe đặc biệt, được sản xuất để kỷ niệm 40 năm thành lập Ferrari – Enzo’s Dream. Chiếc xe này mang tên F40.

Sau khi Enzo Ferrari qua đời, giám đốc gắn bó lâu năm với hãng Luca di Montezemolo đã đảm nhận vị trí Chủ tịch. Dưới sự dẫn dắt của ông, Ferrari đã phát triển thành một thương hiệu sang trọng trên toàn cầu. Hiện tại, các mẫu siêu xe của Ferrari được bán với giá hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu USD. Ngoài ra, Ferrari còn lấn sân bán cả quần áo và trang sức cao cấp. Trên đường đua, Ferrari vẫn thống trị hầu hết giải đấu. Kể từ khi Enzo qua đời tới nay, đội đua Formula One của Ferrari, vẫn mang tên Scuderia Ferrari, đã giành tới 8 chức vô địch thế giới. Tinh thần thể thao của Ferrari vẫn luôn được giữ vững trong từng thiết kế của hãng.

Sau đợt IPO thành công vào năm 2015, Ferrari đã chính thức trở thành một thương hiệu toàn cầu trị giá tỷ đô. Nhưng đúng với cội nguồn của mình, Ferrari niêm yết chứng khoán trên sàn New York với mã RACE.
 
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ), diễn ra vào tháng 1/2019, thương hiệu siêu xe Ý đã bất ngờ vượt qua những “ông lớn” như McDonald’s và Coca-Cola để trở thành thương hiệu giá trị nhất thế giới 2019. Theo đó, chỉ số sức mạnh thương hiệu Brand Strength Index (BSI) của Ferrari đã tăng 3 điểm từ 91,5 điểm lên 94,8 điểm trên tổng số 100 điểm trong 12 tháng qua. Ferrari là một trong số 14 thương hiệu được Brand Finance xếp hạng AAA+. Trong khi những thương hiệu xe hơi khác như BMW và Porsche được xếp hạng AAA.
 
 

0
 
BÌNH LUẬN
Bình luận