Quyết đổi vận, Ford thay CEO mới

Theo đó, ông Jim Hackett, CEO hiện thời của Ford sẽ từ nhiệm vào tháng 10 và được thay bằng Jim Farley – một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tự động hóa.

Hãng sản xuất ô tô Ford của Mỹ ngày 4/8 thông báo Giám đốc điều hành (CEO) Jim Hackett của hãng này sẽ từ chức ở tuổi 65 để nhường chỗ cho ông Jim Farley – một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tự động hóa. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ford đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào mảng kỹ thuật số và công nghệ điện hóa.

CEO hiện thời của Ford – Jim Hackett

Sự thay đổi vị trí điều hành tại Ford diễn ra khi hãng đang trải qua một giai đoạn kinh doanh nhiều “gập ghềnh” và tiến hành tái cơ cấu lớn, song vẫn chưa đem lại lợi nhuận. Trước đó, ông Hackett đã tiết lộ một chương trình tiết kiệm chi phí trị giá 11 tỷ USD liên quan đến việc đóng cửa nhiều nhà máy tại khu vực châu Âu và Mỹ Latinh.

Dưới thời Jim Hackett, ông thực hiện nhiều hướng đi táo bạo nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi với giới cổ đông cũng như các nhà phân tích. Ông hướng Ford sang địa hạt SUV, xe bán tải và từ bỏ gần như hầu hết các sản phẩm sedan truyền thống. Kế hoạch quay vòng ba năm của Jim Hackett đã không mang lại mức lợi nhuận như mong muốn, còn giá cổ phiếu Ford sụt giảm.

Ông Hackett sẽ bàn giao công việc cho tân CEO Farley vào ngày 1/10 tới, song ông vẫn sẽ là cố vấn đặc biệt của Ford đến tháng 3/2021. Ông Farley đầu quân cho Ford từ năm 2007 sau khi làm việc tại hãng Toyota trong một thời gian dài và hiện đang đảm nhận vai trò Trưởng Bộ phận điều hành văn phòng của hãng ô tô Mỹ.

Ông Jim Farley sẽ tiếp quản vị trí CEO của Ford vào tháng 10 tới đây

Trong một cuộc họp, ông Farley cho rằng sẽ không có sự khác biệt về chiến lược giữa mình với ông Hackett, và tân CEO của Ford khẳng định sẽ “hoàn toàn tập trung” vào chiến lược làm mới lại các dòng ô tô theo hướng bổ sung năng lực kỹ thuật số, vốn đã được vị CEO 65 tuổi nhấn mạnh trước đó.

Chuyên gia Michelle Krebs, thuộc tập đoàn cung cấp các dịch vụ về ô tô Cox Automotive, nhận định con đường phía trước của CEO Farley và Ford sẽ là không dễ dàng khi ngành công nghiệp ô tô đang cố gắng áp dụng nhiều công nghệ mới, bên cạnh việc phải đáp ứng những quy định tiêu chuẩn toàn cầu mới và kỳ vọng cao của khách hàng.

Lợi nhuận của Ford suy giảm trong hai năm qua, riêng 2019 con số là 47 triệu USD. Đại dịch Covid-19 thậm chí khiến Ford, một trong ba đại gia ngành ôtô Mỹ, mất 876 triệu USD lợi nhuận trong nửa đầu 2020.

Khi Jim Hackett đến vào 2017, giá trị Ford giao dịch trên sàn chứng khoán khoảng 11 USD/cổ phiếu. Con số vào 4/8 vừa qua chỉ còn 6,86 USD/cổ phiếu. Ngay sau khi quyết định bổ nhiệm CEO mới của ban lãnh đạo Ford công bố, giá cổ phiếu Ford lập tức tăng 3%.

Bình luận