Xe trong nước chính thức giảm 50% phí trước bạ
Ngày 28/6, Thủ tướng đã chính thức ký ban hành Nghị định giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, động thái nhằm kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, vốn đã tốn không ít giấy mực và có nhiều thông tin trái chiều trước đó.
Theo Nghị định 70/2020, Chính phủ cho phép giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống, mức phí trước bạ từ 10-12% sẽ rút xuống còn từ 5-6%. Chính sách này áp dụng từ ngày 28/6 đến hết ngày 31/12/2020.
Phí giảm, mua xe nào lợi hàng trăm triệu đồng?
Hiện có khoảng trên 30 mẫu xe lắp ráp trong nước được hưởng mức giảm phí trước bạ 50% này. Trong đó, Trường Hải với ba thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot có 12 mẫu xe được hưởng lợi, Thành Công có 7, Toyota có 5, Honda có 1, Ford có 2, Mitsubishi có 2, Nissan có 2 và Mercedes có 3 dòng với nhiều biến thể.
Để có lợi hàng trăm triệu đồng tiền phí trước bạ, người tiêu dùng nên tiếp cận các mẫu xe trên 2 tỷ đồng của Mercedes, các dòng xe như C, E và S và một số bản GLC…
Xe sang cao cấp không có đối thủ, chấp xe nội được ưu ái
Một số dòng xe, mẫu xe của châu Âu, Nhật như Audi, BMW, Lexus, Rang Rover, Rolls-Royce đã không có động thái giảm giá nào sau khi xe hơi trong nước được ưu ái giảm 50% phí trước bạ.
Điểm chung của các mẫu xe sang là mức giá cao và xe trong nước ít có phân khúc nào “đấu lại” được.
Đơn cử, theo tìm hiểu của phóng viên, các mẫu xe của Lexus hiện không giảm giá, ví dụ như Lexus RX 300 có giá bán đại lý gần 3,2 tỷ đồng, mức giá lăn bánh sau khi đã cộng thêm 12% phí trước bạ, biển là trên 3,6 tỷ đồng. Trong khi đó, mẫu ES 250 có giá bán đại lý hơn 2,5 tỷ đồng, giá lăn bánh và biển Hà Nội vào khoảng 3 tỷ đồng.
EuroCham đề nghị xe nhập được giảm 50% phí trước bạ
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ( EuroCham ) cho biết, việc Việt Nam cho giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước, không áp dụng với xe nhập là phân biệt đối xử.
Trong “Sách Trắng 2020” về các vấn đề kinh tế Việt Nam, EuroCham cho rằng đây là sự phân biệt đối xử và các doanh nghiệp châu Âu mong muốn Chính phủ Việt Nam áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô nhập khẩu.
Thấy gì khi “ông lớn” bỏ đi buôn về nước lắp ráp?
Từ chỗ “dứt áo ra đi” , đến nay hầu hết các mẫu xe có doanh số tốt nhất của các hãng xe liên doanh đã hoặc đang có kế hoạch chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại Việt Nam.
Các trường hợp xe Honda CRV, Toyota Fortuner đang là ví dụ điển hình từ chỗ đi buôn sang lắp ráp xe tại Việt Nam, việc vốn họ đã làm từ vài năm trước đây.
Nguyên nhân được cho là do Việt Nam đang có nhiều chính sách phát triển ô tô hợp lý như Chính phủ miễn hoàn toàn thuế nhập linh kiện ô tô cho các doanh nghiệp khi cam kết đủ sản lượng tối thiểu.
Ngoài ra, với một thị trường rộng lớn 100 triệu dân, số xe/người thấp nhất khu vực, lại tham gia vào nhiều hiệp định FTA song và đa phương, nơi hàng hóa, máy móc Việt Nam sang các nước khác không phải chịu thuế… Chính vì vậy đã kích thích doanh nghiệp ô to kéo về Việt Nam, xây dựng lại bản doanh nơi họ từng “dứt áo ra đi”.
Xe nhập đang trượt dốc không phanh
Mặc dù đến ngày 28/6, việc giảm 50% phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước mới chính thức có hiệu lực, song từ cuối tháng 4/2020 xe nhập đã giảm về Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập tháng 6 ước đạt 3.000 chiếc, giảm 44,5% so với cùng kỳ và giảm 37,4% với tháng trước. Kim ngạch ước đạt 68 triệu USD, giá xe nhập bình quân đạt 521 triệu đồng/chiếc.
Tổng lượng xe nhập 6 tháng đầu năm ước đạt 39.000 chiếc, kim ngạch đạt 879 triệu USD, bình quân giá xe nhập đạt gần 520 triệu đồng/chiếc. Lượng xe nhập về Việt Nam trong 6 tháng qua ước giảm 47% về lượng và gần 48% về trị giá.
Giảm phí trước bạ, tiền chảy vào túi ai?
Giảm 50% phí trước bạ ô tô kỳ vọng sẽ đem đến lợi ích cho người mua xe nhưng theo các showroom số tiền này phần lớn chảy vào túi người bán.
Theo tìm hiểu của PV, tại nhiều cửa hàng bán xe ô tô khu vực TP. Hà Nội, chính sách giảm 50% phí trước bạ ô tô đang khiến thị trường ấm lên khi nhiều người kỳ vọng được giảm giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng trên một chiếc xe.
Tuy nhiên, chủ một cửa hàng xe tại Hà Nội cho biết, khi chưa giảm 50% phí trước bạ ô tô thì các hãng buộc thực hiện khuyến mãi cho khách hàng từ hơn 1 tháng trước vì ế ẩm, đến khi chính sách của Nhà nước được thực hiện thì các hãng lại cắt giảm chương trình khuyến mãi này.
Hai siêu xe đình đám Việt Nam bị đánh thuế bao nhiêu?
Ferrari F8 Tributo của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường và McLaren 720S Spider của một chủ nhân tại Sài Gòn vừa ra biển trắng với mức thuế phí cao kỷ lục. Đây là hai chiếc siêu xe đầu tiên ở Việt Nam ra biển từ đầu năm đến nay.
Giá trị sau thuế của chiếc siêu xe Ferrari F8 Tributo vào khoảng 30 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền số tiền nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT và lệ phí trước bạ lên tới 18 tỷ đồng.
Với siêu xe McLaren 720S Spider, giá trị vào khoảng hơn 27 tỷ đồng, trong đó 3,487 tỷ đồng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt là 9,174 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng 1,937 tỷ đồng và lệ phí trước bạ là 2,3 tỷ đồng.
nguồn: dân trí