Chiều 26/5, Bộ Giao thông Vận tải đã họp bàn tiến độ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Hiện Ban soạn thảo dự Luật này nhận được 101 văn bản góp ý từ các bộ ngành, địa phương, hiệp hội; đa số đồng thuận với việc hoàn thiện khung chính sách liên quan. Tuy nhiên, một số ý kiến chưa ủng hộ các quy định xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày, đèn xanh không được đi khi nút giao ùn tắc…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói hiện nhiều nước phát triển đã áp dụng quy định bật đèn nhận diện đối với xe máy; phần lớn quốc gia Đông Nam Á đã thực thi, chỉ còn 4 nước là Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam chưa quy định.
Theo ông Thể, đây là biện pháp nhằm tăng cường phát hiện phương tiện khi đi đối diện hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn. Hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trên cơ sở khoa học và thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Thể yêu cầu Ban soạn thảo cần “giải thích rõ với nhân dân về đèn nhận diện ban ngày, tránh để người dân hiểu là đèn pha, cốt”. Quy định này cũng là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu môtô, xe gắn máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh.
Với đề xuất “tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban soạn thảo làm rõ hơn, định nghĩa các tình huống để người dân hiểu, dễ dàng chấp hành và đồng bộ với các giải pháp công nghệ để điều hành, tổ chức giao thông.
Luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ quy định ngắn gọn “tín hiệu xanh là được đi”, mà không có đoạn “trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc”.
Dự kiến tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội sẽ biểu quyết bổ sung Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm 2020, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội lần đầu và thông qua tại kỳ họp đầu tiên năm 2021.
Tại khoản 3 điều 27 dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Ý tưởng bật đèn xe khi tham gia giao thông vào ban ngày bắt nguồn từ những quốc gia Bắc Âu – nơi thời tiết khá dễ chịu trong hầu hết các ngày của mùa đông. Vào năm 1977, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt buộc các phương tiện tham gia giao thông bật đèn xe vào ban ngày.
Được biết, hiện nay các quốc gia trong khối OECD đều đã áp dụng quy định sử dụng đèn nhận diện ban ngày với xe máy.
Ở châu Á, đèn nhận diện ban ngày cũng đã được chính phủ của nhiều quốc gia có điều kiện khí hậu nắng nóng và nhiều xe máy quy định áp dụng, cụ thể là Malaysia (1992), Thái Lan (2003), Indonesia (2009), Đài Loan và Ấn Độ (2017).
Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc cũng đã nghiên cứu đầy đủ về đề án này để đề xuất triển khai trong thời gian sắp tới.
Một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng việc bật đèn xe vào ban ngày có thể làm giảm tử vong từ 3 – 5%, tương đương với 1.200 – 2.000 ca tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm trên toàn châu Âu. Kết quả tương tự cũng được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu tại Hà Lan khi 5.500 ca tử vong và 155.000 bị thương do những vụ va chạm liên quan đến.
Mặc dù vậy, cũng không ít ý kiến cho rằng việc bật đèn xe cả ban ngày mang lại nhiều rắc rối hơn so với tính hiệu quả của nó. Cụ thể, Viện Nghiên cứu đường cao tốc, Liên bang Đức chỉ ra sử dụng đèn chiếu sáng ban ngày có thể làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải lên 3%. Cùng với đó, người lái xe cũng phải sửa chữa và thay thế đèn xe thường xuyên hơn khi bật đèn xe với tần suất cao.