Khi ngành công nghiệp ô tô chuyển đổi sang điện khí hóa, mức độ hiệu quả của phương tiện là nền tảng để chế tạo sản phẩm. Đối với Mercedes, việc cải thiện yếu tố này của EV trong tương lai trở nên dễ dàng hơn nhờ sự hợp tác với nhóm Công thức 1 của hãng. Đó là một lợi thế mà các đối thủ cạnh tranh như Tesla và Volkswagen đơn giản là không thể sánh được.
Adam Allsopp, giám đốc công nghệ tiên tiến của Hệ thống truyền lực hiệu suất cao (HPP) của Mercedes AMG cho biết vào tháng 8 năm 2020, ông đã đứng trước thách thức chế tạo một chiếc xe điện có khả năng chạy 1.000 km (621 dặm) trong một lần sạc. Kết quả của quá trình nghiên cứu là mẫu concept EQXX.
Tại sao lại chọn một nhóm F1 để chế tạo xe điện? Không giống như nhiều nhà sản xuất chỉ làm việc trên những chiếc xe phổ thông, các đội F1 luôn nỗ lực hết sức để thúc đẩy hiệu quả cho phương tiện.
Theo Markus Schaefer, Giám đốc Công nghệ của Mercedes, việc áp dụng những gì họ học được từ nhóm F1 đã cắt giảm quá trình phát triển phương tiện mới, thời gian từ khi hình thành ý tưởng đến khi sản xuất hàng loạt, từ trung bình 58 tháng xuống còn 40 tháng. Đáng chú ý, đây không phải là lợi ích duy nhất.
Các đội F1 cũng phải tìm ra mọi hiệu quả có thể có từ các bộ phận cơ khí trên xe của họ. Chính kiến thức chuyên môn đó đã tạo ra một chiếc xe như EQXX, cuối cùng đã đi được hơn 1.200 km (745 dặm) trong một lần sạc.
Schaefer nói: “Chúng tôi có đội đua Công thức 1 để tạo nên lợi thế trong quá trình điện khí hóa. Tesla không có nó. Và nhiều hãng khác cũng vậy".
Tuy nhiên, các thương hiệu như Ford vẫn đang hy vọng cải thiện hiệu quả tổng thể của xe điện ngay cả khi họ không có kế hoạch cạnh tranh với Mercedes về doanh số bán xe sang. Thương hiệu đến từ Mỹ sẽ trở lại giải đua F1 vào năm 2026 với những sản phẩm mà Giám đốc điều hành Jim Farley gọi là “một nền tảng cực kỳ tiết kiệm chi phí để đổi mới".