“Xe Bộ trưởng”, “Su cóc”, “xe công an phường” hay “xe bồ câu”… là những tên gọi thuần Việt do người dân tự đặt tên. Đây cũng chính là những mẫu xe gây ấn tượng mạnh với không chỉ những người có nhu cầu sử dụng ô tô – xe máy, mà còn được đông đảo người dân biết đến nhờ những công năng đặc biệt hoặc có hình dáng ấn tượng.
“Xe bộ trưởng” – Toyota Crown
Năm 2021, Toyota Crown đánh dấu năm tuổi thứ 66 kể từ khi được giới thiệu lần đầu đến công chúng Nhật Bản (năm 1955). Đây là mẫu xe được bán chủ yếu tại thị trường nội địa và một vài nước châu Á.
Crown được định vị là dòng sedan hạng sang của Toyota trong thế kỷ 20, chỉ xếp sau mẫu “xe Nguyên thủ” Toyota Century – dòng xe dành riêng cho hoàng gia và Chính phủ Nhật Bản, không xuất khẩu ra ngoài.
Mãi cho đến những năm 90, những chiếc Toyota Crown đầu tiên mới được mang về Việt Nam để phục vụ công tác đối ngoại tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giai đoạn 1990 – 1995 (nay là Bộ KHĐT).
Ông Lưu Văn Hồng, nguyên là cán bộ đội xe ở văn phòng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước những năm đầu thập kỷ 90 kể: “Hồi đó, chiếc xe Toyota Crown đầu tiên đưa về ủy ban là dòng Toyota Crown Super Saloon 3.0L đời 1992, chỉ có duy nhất màu đen chứ không có màu nào khác.
Ngoài logo của Toyota, trên nắp capo có một vật biểu trưng tựa như chiếc vương miện màu vàng to cỡ ngón tay cái, trên vô-lăng bọc da cũng in chìm một hình vương miện.
Ngoài ra, mỗi xe còn trang bị một đồng hồ đeo tay dây da hiệu Seiko dành cho tài xế, trên mặt đồng hồ cũng có chữ Crown mạ vàng. Những năm đó, anh em tài xế dừng xe ở bất cứ đâu ngoài phố cũng phải để mắt cái vương miện ở mũi xe, để trộm vặt mất là rất phiền!”.
Theo ông Hồng, mẫu xe được mệnh danh “xe Bộ trưởng” có lẽ xuất phát từ việc dòng xe này dùng cho công tác đối ngoại, đi công tác từ cấp Bộ trưởng trở lên. Các Thứ trưởng ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước vẫn phải đi xe chung của cơ quan, là các dòng xe cũ như Vonga hay Nissan Bluebird.
Về sau đội xe có thêm Mazda 323, Toyota Cressida đời mới hơn, nhưng chiếc Toyota Crown dù cũ vẫn thuộc hàng đẳng cấp. “Chỉ cần nhìn thấy chiếc xe đen bóng đỗ ở trong sân là biết hôm nay Bộ trưởng đang có mặt, làm việc ở văn phòng”, ông Hồng kể.
Hơn 30 năm trôi qua, những chiếc “xe Bộ trưởng” Toyota Crown đời 9x dù đời rất sâu nhưng vẫn được người Việt hâm mộ, vẫn được rao bán sôi nổi trên các trang bán ô tô cũ.
Trên mạng xã hội Facebook vẫn có những nhóm hội yêu xe Toyota Crown với hàng nghìn thành viên trao đổi hàng ngày. Hiện, một chiếc Toyota Crown đời 1996 hoạt động ổn định, công-tơ-mét ghi nhận hành trình khoảng 50 vạn km, được rao bán khoảng 200 triệu đồng.
“Xe công an phường” – Suzuki Carry
Suzuki là một thương hiệu Nhật Bản hiếm hoi sản xuất kinh doanh đủ 3 loại phương tiện cơ bản cho sự đi lại của người Việt gồm: Xe máy, xe du lịch chở người dưới 9 chỗ và xe tải hạng nhẹ.
Trong đó, chiếc xe tải nhẹ Suzuki Carry được gọi với cái tên là “xe phường” – xe của công an phường.
Trong vai trò phương tiện chở hàng dưới 5 tạ, phiên bản thùng kín (Suzuki Blind Van) có cửa hông mở trượt hai bên của mẫu xe này hay được người dân gọi là “Su cóc”; tuy nhiên với phiên bản thùng mở cabin đơn (Suzuki Carry Truck), mẫu xe này được gọi là “xe phường” – chủ yếu do công năng làm phương tiện chuyên đi giữ gìn trật tự đô thị của lực lượng chức năng cấp phường, xã, thị trấn.
Chia sẻ với PV, nhóm bảo vệ dân phố tại phường Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Mấy bà bán hàng rong, mấy quán cà phê bày bàn ghế kín ra hè đường cứ thấy bóng chiếc xe này là hô “xe phường kìa” và tự dẹp bàn ghế.
Nếu đi trong phố vào buổi tối, nếu trông thấy chiếc xe loại này đậu ở đâu đó dưới lòng đường thì nhận ra ngay gần đó là trụ sở công an phường. Trong cabin luôn có sẵn chiếc loa điện để công an viên phát thanh khi cần thiết”.
Sự nhỏ gọn tiện dụng có lẽ là lợi điểm quan trọng nhất để dòng xe này đáp ứng yêu cầu di chuyển luồn lách, quay đầu tiện lợi trong những ngõ phố chật hẹp ở các đô thị đông đúc như Hà Nội, TP.HCM. Hiện, dòng xe này cũng là xe ô tô giá rẻ nhất được sản xuất tại Việt Nam, mức giá xấp xỉ 250 triệu đồng/chiếc.
“Xe bồ câu” – Honda CB300
Hình ảnh lực lượng CSGT trên những chiếc mô tô tuần tra màu trắng nổi bật với hai chiếc thùng bên hông và dòng chữ CSGT (hoặc Police) màu xanh tím than đã quen thuộc với người dân Việt Nam nhiều năm qua. Chiếc mô tô được gọi bằng biệt danh “bồ câu trắng”.
Một cán bộ Đội 5 Phòng CSGT Hà Nội giải thích, nhiều năm trước và ngay cả hiện tại, hầu hết xe mô tô của lực lượng CSGT đều là của hãng Honda.
Logo của hãng Honda là biểu tượng của đôi cánh chim, in trên mũi xe và dập nổi ở phần động cơ – kết hợp với xe màu trắng. Những yếu tố đó đã khiến cho nhiều người liên tưởng đến cánh chim bồ câu, có thể cái tên “bồ câu trắng” cũng bắt nguồn từ đây.
Theo lý giải, ngành công an không tự đặt biệt hiệu cho phương tiện tuần tra, mà đây là cách gọi hình tượng của người dân từ hàng chục năm trước.
Thêm vào đó, ấn tượng với người dân là trong lúc dẫn đoàn xe ưu tiên chạy tốc độ cao, chiến sỹ CSGT ngồi sau thường có động tác giang tay báo hiệu đoàn xe ưu tiên sắp rẽ, động tác hệt như chim tung cánh.
“Su cóc” – Suzuki Blind Van
Tên gọi “Su cóc” được cho là xuất phát từ tỉnh Lạng Sơn vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, loại phương tiện này – hình dáng như con cóc, sức chở từ 3 – 5 người hoặc 5 tạ hàng hóa, di chuyển như con thoi giữa cửa khẩu Tân Thanh và TP Lạng Sơn, để từ đây hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam và tỏa đi khắp cả nước.
Mặc dù tên đầy đủ của mẫu xe – theo hồ sơ nhà sản xuất là Suzuki Blind Van – nghĩa là xe tải van không cửa sổ, nhưng rất ít người nhớ cái tên dài dòng này.
Nhưng chỉ nói “Su cóc” thì từ già đến trẻ đều hình dung ngay chiếc xe cỡ nhỏ của Suzuki, chở hàng len lỏi đến mọi hang cùng ngõ hẻm. Từ năm 2013, “Su cóc” cùng với dòng Suzuki Carry (xe phường) được lắp ráp tại Việt Nam.
“Su cóc” còn có lợi thế ở nhóm xe tải thương mại hạng nhẹ, do được hoạt động như xe con trong nội thành mà không gặp trở ngại nào. Do là xe tải van có khối lượng chuyên chở dưới 950kg, đáp ứng quy định mới từ ngày 1/7/2020 về quy chuẩn kỹ thuật cho các loại xe buộc phải lưu thông tại các đô thị theo khung giờ quy định.
“ZIL ba cầu”
ZIL là tên của một trong ba hãng sản xuất phương tiện vận tải, xe chuyên dùng lớn nhất của Liên Xô (cũ) ra đời từ năm 1916. Sau hơn 100 năm tồn tại, di sản của ZIL vẫn rất lớn, đặc biệt là các dòng xe tải hạng nặng dùng cho mục đích quân sự và dân sự.
Trong các dòng xe tải ZIL huyền thoại, mẫu xe ZIL-131 xuất hiện ở Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do Liên Xô viện trợ – được mệnh danh Zin ba cầu, do sử dụng hệ thống dẫn động 3 trục 6 bánh toàn thời gian.
ZIL-131 sử dụng động cơ xăng V8, công suất 150 mã lực đi kèm với hộp số sàn 5 cấp, được trang bị hệ thống kiểm soát áp suất lốp và hệ thống tời ở một số phiên bản khác như xe bồn, xe tải lật và làm xe đầu kéo, xe chở dàn hỏa tiễn, xe chỉ huy.
Ban đầu ZIL-131 không nằm trong kế hoạch sử dụng vận chuyển mặt đất, mà được dùng chủ yếu cho nhiệm vụ kéo pháo. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Liên Xô quyết định nâng cấp, biến ZIL-131 trở thành xe tải đa năng. Kể từ năm 1967, trong các mẫu xe cơ giới quân sự, ZIL-131 được đánh giá có ưu thế vượt trội nhất trên chiến trường.
Ngày nay, xe Zin ba cầu vẫn là một trong những phương tiện vận tải chủ chốt của quân đội, luôn gây ấn tượng mạnh khi tham gia giao thông trên đường.
nguồn: Báo Giao thông