Thông tin chi tiết về quy trình đấu giá biển số xe

Công dân tham gia đấu giá biển số ô tô sẽ được cấp tài khoản truy cập, đồng thời được hướng dẫn chi tiết về quy trình đấu giá trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến.

Ngày 26/06, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về thí điểm đấu giá biển số ô tô. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 và kéo dài trong vòng 3 năm.

Theo nghị định, số lượng biển số ô tô đưa ra đấu giá tại mỗi phiên sẽ do Bộ trưởng Công an quyết định. Bao gồm biển số xe ô tô của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ký hiệu series A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z nền màu trắng, chữ, số màu đen.

Đồng thời, các biển số này phải chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới và có nằm trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an. Đấu giá biển số xe do một tổ chức đấu giá tài sản thực hiện theo hình thức trực tuyến. Bởi vậy buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, an toàn an ninh mạng.

Danh sách biển số xe, kế hoạch và quy chế đấu giá phải được thông báo công khai trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến ít nhất 30 ngày trước phiên đấu giá.

Tiêu chí để đăng ký đấu giá

Người tham gia đấu giá là tổ chức, cá nhân người Việt Nam có đủ điều kiện tham gia đấu giá biển số xe ô tô theo quy định. Đặc biệt, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực việc kê khai thông tin để đăng ký tham gia đấu giá.

Quy trình một cuộc đấu giá biển số ô tô

Công dân tham gia đấu giá sẽ sử dụng một tài khoản truy cập, được hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung khác. Tiếp theo, người tham gia sẽ được lựa chọn biển số xe phù hợp với nhu cầu trong danh sách đã được công bố.

Sau đó nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước của biển số xe ô tô đã chọn đấu giá vào tài khoản và cuối cùng là nhận mã số tham gia. Quy định nêu rõ số tiền đặt trước đồng giá khởi điểm là 40 triệu đồng.

Đến phiên đấu giá, người dân truy cập vào trang thông tin trực tuyến bằng tài khoản của mình và tiến hành đấu giá. Từ giá đặt trước ban đầu, mỗi lần bước giá là 5 triệu đồng.

Khi phiên đấu giá kết thúc, trang thông tin trực tuyến sẽ thông báo kết quả, nếu trúng thì màn hình sẽ hiện lên biên bản để người dân xác nhận. Biên bản này sau đó sẽ được đấu giá viên chịu trách nhiệm xác thực bằng chữ ký rồi gửi cho người trúng.

Trong vòng 7 ngày, Bộ Công an nhận được kết quả đấu giá và có trách nhiệm thông báo cho người trúng qua thư điện tử và tin nhắn điện thoại. Sau đó, công dân có 15 ngày (tính từ ngày nhận được thông báo) để nộp số tiền trúng đấu giá, đã trừ tiền đặt trước.

Khi nộp đủ tiền, công dân sẽ nhận được hóa đơn điện tử và văn bản điện tử xác nhận biển số ô tô trúng đấu giá do Bộ Công an cấp. Lúc này công dân có thể làm thủ tục đăng ký xe.

Biển số xe ô tô trúng đấu giá được quản lý như thế nào?

Công dân phải hoàn tất thủ tục đăng ký xe trong vòng 12 tháng sau khi nhận biển số. Trong trường hợp có trở ngại khách quan hoặc sự cố bất khả kháng, công dân cần gửi đề nghị gia hạn để Bộ Công an xem xét giải quyết.

Nếu công dân chưa đăng ký xe sau 12 tháng kể từ khi nhận được biển số, Bộ Công an sẽ gửi thông báo cho họ. Trong trường hợp người trúng đấu giá đã qua đời, người thừa kế hợp pháp của họ sẽ được hoàn trả lại số tiền trúng đấu giá đã nộp trước đó.

Lưu ý, một số trường hợp sẽ bị hủy kết quả đấu giá, bao gồm người trúng đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá; người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định; người trúng đấu giá không làm thủ tục đăng ký biển số trúng đấu giá theo thời gian quy định; người trúng đấu giá vi phạm về tính trung thực của hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá.

Toàn bộ số tiền thu được từ các phiên đấu giá biển số xe sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong đó, 30% khoản tiền được sử dụng cho mục đích chống tội phạm, đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao trình độ cán bộ,...

Komentar