Trong lần điều chỉnh mới nhất, General Motors (GM) dự định đầu tư 27 tỷ USD cho việc phát triển các dòng xe thuần điện từ nay tới năm 2025 – tăng 7 tỷ USD (tương đương 35%) so với kế hoạch công bố hồi tháng 3-2020. Việc “mạnh tay” của hãng ô tô Mỹ được xem là nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với những tên tuổi đầu ngành xe điện hiện nay, đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển. GM tung ra ít nhất 30 ô tô điện mới trên toàn cầu vào năm 2025, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phát triển các mẫu xe điện hiện nay.
Hiện tại, GM cũng đã cải tạo hoàn toàn nhà máy tại Detroit-Hamtramck để lắp ráp xe điện, với sản phẩm đầu tiên xuất xưởng chính là chiếc Hummer EV của GMC. Chiếc xe điện tiếp theo của tập đoàn ô tô Mỹ sẽ là Cadillac Lyriq, dự kiến bán ra thị trường vào đầu năm 2022. Tương tự “đồng hương”, tập đoàn Ford cũng đã tăng gấp đôi ngân sách đầu tư vào xe điện, bao gồm cả việc phát triển sản xuất pin, ước tính vào khoảng 11 tỷ USD.
Tại châu Âu, Volkswagen cho biết sẽ chi tới 86 tỷ USD – tức hơn một nửa tổng ngân sách dự toán của tập đoàn từ nay tới năm 2025, cho các nỗ lực đẩy nhanh tiến trình phát triển xe điện. Con số mới cao hơn đáng kể so với mức 60 tỷ USD trong bản kế hoạch công bố hồi năm 2019. Với ngưỡng đầu tư mới, tạp đoàn ô tô Đức mong muốn xuất xưởng khoảng 26 triệu xe thuần điện, thông qua cả 12 thương hiệu con đang sở hữu, tại các thị trường chủ lực như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030. Cùng với đó, Volkswagen cũng dành 27 tỷ USD cho các hoạt động phát triển công nghệ số, nhiều gấp đôi hạn mức đề ra trước đó. Thông qua hai dự án “khủng”, tập đoàn mẹ của Audi, Porsche… mong muốn có thể tạo ra những chiếc xe thuần điện với khả năng tự hành kể từ năm 2024. Chung lối đi, Daimler – tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz, cũng dự kiến chi khoảng khoảng 42 tỷ USD cho các dự án phát triển xe điện và xe tự hành.
Trong khi đó, ở châu Á, Toyota cũng đặt mục tiêu bán khoảng 5,5 triệu xe điện hóa, trong đó có ít nhất 10 mẫu thuần điện, từ nay tới năm 2030. Để đạt được điều này, hãng ô tô Nhật Bản đã mạnh tay đầu tư, trong đó có khoảng 2 tỷ USD dành cho Indonesia – trung tâm sản xuất của hãng tại Đông Nam Á, và 1,2 tỷ USD cho nhà máy ô tô điện mới tại Thiên Tân (Trung Quốc). Trung Quốc cũng được đánh giá sẽ trở thành “trái tim” của mọi nỗ lực phát triển ô tô điện toàn cầu, thu hút khoảng 45% (khoảng 135 tỷ USD) trong tổng số hơn 300 tỷ USD vốn đầu tư mà các nhà sản xuất ô tô sẽ đổ vào mảng xe điện trong vòng 5-10 năm tới.
Trước nhu cầu ngày càng tăng từ các hãng ô tô, nhiều nhà sản xuất phụ tùng lớn đã nhanh nhạy đón đầu xu thế. Tập đoàn Trung Quốc CATL – nhà cung cấp pin cho Honda, BMW, Tesla, Toyota, Volkswagen… – vừa công bố đầu tư 5,1 tỷ USD để sản xuất pin xe điện tại Indonesia. Về phần mình, sau nhiều năm liên tục tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đồng thời mở rộng thâu tóm các công ty có triển vọng trong lĩnh vực xe điện, công ty phụ tùng Hàn Quốc Hyundai Mobis đã có đủ khả năng sản xuất quy mô lớn từ hệ thống quản lý pin, mô tơ điện, bộ giảm tốc, bộ điều khiển trung tâm… dành cho xe điện từ các nhà máy tại Ấn Độ. Việc nhanh chóng chuyển mình giúp doanh thu của Hyundai Mobis trong quý III-2020 tăng tới 77% so với cùng kỳ năm 2019, bất chấp những khó khăn từ Covid-19.
Đáng chú ý, theo Giám đốc điều hành Daimler Ola Kaellenius, xe điện với kết cấu chỉ khoảng 200 chi tiết so với bình quân 1.400 chi tiết của xe sử dụng nhiên liệu truyền thống sẽ buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm nhân sự, đối tác cung ứng, đồng thời đầu tư thêm vào phát triển phần mềm, công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo… – đồng nghĩa rằng đây sẽ là những lĩnh vực đầy triển vọng đối với người lao động và các công ty sản xuất phụ tùng trong những năm tới.
Hoàng Linh